Nhiều bị can làm đơn xin từ
chối luật sư, nhưng khi ra tòa, lại nói do bị điều tra viên bắt viết đơn với
nội dung như vậy. Cơ quan điều tra lại nói không ép buộc bị can viết đơn từ
chối luật sư. Câu chuyện lạ lùng này có lẽ không phải là điều khó hiểu. Chưa
kể, có những vụ án, bị can viết thư cám ơn điều tra viên. Những bức thư ca ngợi
điều tra viên với lòng biết ơn sâu sắc có lẽ chỉ có ở nước mình.
Và niềm tin vào công lý đôi
khi không được xây dựng thêm mà bị hao mòn đi vì những lá đơn từ chối luật sư
và thư ca ngợi điều tra viên.
Chắc chắn rằng, hầu hết bị
can đều muốn có luật sư tham gia bào chữa cho họ, đó là nhu cầu rất bản năng.
Cho dù họ phạm tội hay không thì sự mong muốn có luật sư giúp đỡ đều cần thiết
đối với bị can. Chính vì vậy, pháp luật có quy định về sự tham gia của luật sư
ngay từ giai đoạn điều tra. Sự có mặt đó không phải là đối kháng mà cùng hỗ
trợ, bổ sung nhau để cùng đạt mục đích bảo vệ công bằng, công lý, bảo vệ quyền
con người.
Quy định về sự có mặt của luật sư thể
hiện sự văn minh của pháp luật, tôn trọng quyền con người. Cho nên, mọi hành vi
cố ý ngăn cản quyền hành nghề của luật sư là vi phạm pháp luật và xâm phạm tới
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Phát biểu tại phiên họp của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi ngày
23-9-2014, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng nhấn mạnh: “Hiến pháp đã quy định
việc luật sư được tham gia vụ án ngay từ đầu, cùng thu thập chứng cứ, lắng nghe
thân chủ để có căn cứ bào chữa. Vì vậy sự có mặt của luật sư từ đầu trong quy
trình tố tụng phải là điều kiện bắt buộc”.
Nếu nghiên cứu 3 vụ án oan và có dấu hiệu
oan sai được dư luận quan tâm nhất hiện nay là vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức
Long và Huỳnh Văn Nén, sẽ rút ra được kết luận chung là, chính vì sự vắng mặt
của luật sư ngay từ đầu, bị can không có “quyền im lặng”, cho nên mới có tình
trạng ép cung, bức cung, nhục hình.
Nhiều vụ án, bị cáo nhận tội với cơ quan điều
tra, nhưng khi ra tòa đều kêu oan và cho rằng bị bức cung. Cơ quan điều tra tất
nhiên không nhận đã dùng nhục hình để ép cung, tòa án cũng không có chứng cứ,
nhưng diễn biến của vụ án cho thấy đâu là sự thật. Ví dụ, ông Nguyễn Thanh Chấn
không thể bỗng dưng nhận tội giết người nếu như không bị nhục hình. Những vụ án
oan tới cao xanh này nói lên một điều thật khẩn thiết, hãy cho luật sư có mặt
ngay từ khi điều tra viên lấy cung và hãy cho bị can có “quyền im lặng” khi
chưa có mặt của luật sư.
Xây dựng một nền dân chủ có chất lượng cao
trước hết là bảo đảm tối đa quyền con người. Muốn hạn chế án oan sai thì phải bảo đảm quyền được bào
chữa cho bị can, bị cáo.
Lê Chân Nhân