Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có gần 8.000 cuộc thanh tra hành chính
và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát
hiện gần 32.000 tỷ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước
27.000 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỷ đồng.
Thanh tra các cấp, ngành cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với
khoảng 1.700 tập thể, gần 3.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý
hình sự 61 vụ. Tỷ lệ thu hồi tài sản đạt gần 65% (tương đương khoảng
10.000 tỷ đồng).
Thanh tra cũng phát hiện 54 vụ việc với 87 đối tượng có hành vi
liên quan đến tham nhũng tổng số tiền gần 69 tỷ đồng (đã thu hồi 46,9 tỷ
đồng - đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013).
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 13.600 (trong đó buộc
tăng thu 2.900 tỷ đồng, giảm chi 3.900 tỷ đồng), phát hiện 5.000 tỷ
đồng ngân sách phải hoàn trả và 770 tỷ đồng tiền nợ đọng.
Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách
nhiệm với 30 cá nhân, có 5 vụ việc được chuyển cho cơ quan CSĐT – Bộ
Công an để điều tra làm rõ.
Dẫn chứng cụ thể một số vụ việc kiểm toán đã đề nghị Tổng cục Cảnh
sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an điều tra như sai phạm có dấu hiệu
hình sự tại Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty TNHH MTV
(Seaprodex); sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động tín
dụng, dẫn đến có nguy cơ thất thoát vốn xảy ra tại 2 chi nhánh Ngân hàng
Agribank; hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây lãng phí vốn tại
Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.
Phần của công an, ông Tranh cho biết, lực lượng cảnh sát điều tra các
cấp đã thụ lý 415 vụ án với 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. Số
thiệt hại được xác định trên 6.700 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà
nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3%, tăng 14,1% so với năm 2013).
VKSND các cấp đã truy tố 329 vụ/751 bị can về tội tham nhũng (tăng 20
vụ so với cùng kỳ năm trước). Cục Điều tra của VKSND tối cao đã khởi tố
16 vụ/14 bị can có hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Toà án các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh
tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội
phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2
%. Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,3% (năm
2013 là 31,2%).
Tổng Thanh tra Chính phủ điểm một số vụ án như vụ Vũ Quốc Hảo tại Cty
cho thuê tài chính II – Agribank, vụ Dương Chí Dũng tại Vinalines, vụ
Vũ Việt Hùng tại ngân hàng VDB chi nhắ Đắc Lắc – Đắc Nông, vụ “bầu”
Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như tại Vietinbank TPHCM… như một thành quả của
việc các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều
tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng
chống tham nhũng cũng như nhận định về tình hình tham nhũng vẫn còn
nguyên những nặng nề, lo lắng chưa chuyển biến.
Tham nhũng ngày càng tinh vi. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh
vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức
tạp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng
gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của người dân, doanh nghiệp
rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, phong vũ biểu tham nhũng
toàn cầu của Tổ chức minh bạch thế giới vẫn đánh giá Việt Nam có mức độ
tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng. Chỉ số cảm nhận tham
nhũng năm 2013 của Việt Nam dù cải thiện được 7 bậc so với 2012 nhưng
vẫn xếp ở tốp sau (116/177 quốc gia).
P.Thảo