(PL&XH) - “Nên sửa toàn diện Bộ luật Hình sự năm 2015, phát hiện có vấn đề gì thì sửa hết, chứ không nên đặt vấn đề thông qua tại kỳ họp thứ mấy, không nên vì thời gian, mà khi nào rà soát kỹ, chỉnh sửa ổn thì trình Quốc hội”, TS Trương Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội góp ý vào việc chỉnh sửa Bộ luật Hình sự năm 2015, do đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội vừa tổ chức lấy ý kiến.
Sửa hết các qui định không khả thi
“Cần rà soát toàn bộ, phát hiện điều nào vi phạm, không khả thi thì sửa hết, chứ để thi hành, khi phát hiện ra lại sửa thì ảnh hưởng đến tính bền vững của luật”, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội đồng quan điểm.
Chánh án TAND TP cũng cho rằng, Bộ luật có quá nhiều điều được xây dựng chi tiết, nêu rõ định lượng, nhưng xác định định lượng thì sẽ phải thay đổi theo năm tháng vì giá trị sẽ thay đổi, ví dụ như mức giá trị tài sản của tội Trộm cắp trước đây là 500 nghìn đồng, nay tăng lên 2 triệu đồng, chỉ vài năm sau sẽ lạc hậu. Ông Chính cho rằng, nên để UBTVQH hoặc Hội đồng thẩm phán TAND TC qui định chi tiết sẽ phù hợp hơn, tránh vài năm sau do lạc hậu, lại phải sửa.
Theo ông Chính, qui định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội theo kiểu liệt kê cũng chưa ổn. Ví dụ người từ 14-16 bị xử lý hình sự nếu trộm cắp, nhưng các tội lạm dụng, lừa đảo, phá hoại công trình an ninh quốc gia, tội xâm phạm an ninh quốc gia thì lại không bị xử lý? “Cần thống kê lại, tránh trường hợp tội nhẹ hơn đưa vào, còn tội nặng lại để lọt”, ông Chính góp ý. Hay với hành vi vi phạm an toàn giao thông, nếu gây thương tích tổn hại đến 30% sức khỏe thì không truy tố, nhưng thiệt hại tài sản 100 triệu đồng lại truy tố. Trong khi đó, thương tích đến 30% thì phải điều trị rất tốn kém, có khi tốn hơn nhiều 100 triệu đồng.
ĐBQH Đào Thanh Hải, Phó GĐ Công an TP Hà Nội cho rằng, qui định tại khoản 5 Điều 134 của Dự thảo (tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) cần xem lại vì với hành vi chuẩn bị phạm tội, chưa gây ra hậu quả, chưa có căn cứ giám định đểxác định tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe thì sẽ xử lý thế nào?Cũng theo ông Hải, nhiều năm nay, việc gây thương tích bằng axit rất bức xúc trong dư luận xã hội, nên việc chuẩn bị phạm tội cũng cần bị xử lý. Bên cạnh đó, hành vi thuê hoặc nhận thuê gây thương tích cho người khác cũng cần định lượng rõ như đã nhắn tin với nội dung thuê mướn, chuyển tiền cho nhau…
Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng cần chỉnh sửa toàn diện Bộ luật Hình sự 2015. Ảnh: Phương Thảo
Không thể chỉ phạt pháp nhân cao nhất là 10 tỷ đồng
ĐB Hải cho hay, các cơ quan tố tụng đang gặp khó khăn khi xử lý hành vi sản xuất buôn bán hàng cấm là thuốc lá và pháo. Hàng cấm thì không được lưu thông, không mua bán công khai, nên không có căn cứ để định giá, vì vậy nên tính theo số lượng, không tính theo giá trị. Bên cạnh đó, khoản 4 các Điều 248, 250, 251, 251 về các tội ma túy đều qui định hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình, nhưng phải xác định hàm lượng hoặc thể tích ma túy thực. Trong thực tế, ông Hải cho biết, khi đấu tranh khai thác mở rộng các vụ án, có thể xác định được định lượng, nhưng không xác định được hàm lượng vì không thu được vật chứng. Vì vậy, qui định này sẽ gây khó cho các vụ án truy xét.
Ông Lê Đăng Doanh, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 có 131 điều qui định về hình phạt với pháp nhân, trong đó số tiền phạt nhiều nhất đến 20 tỷ đồng. “Tội Trốn thuế (Điều 200), mức phạt cao nhất là 10 tỷ đồng, nếu trốn thuế trên 1 tỷ đồng trở lên. Thực tế có những Cty trốn thuế đến hàng trăm tỷ đồng, nên mức này không phù hợp. Tương tự là tội Gian lận kinh doanh bảo hiểm, mức phạt cao nhất cũng là 7 tỷ đồng, nhưng hành vi gian lận thì gấp nhiều lần. Nên theo luật cũ, phạt gấp một số lần số tiền trốn thuế hoặc gian lận kinh doanh bảo hiểm”, ông Doanh nói.
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ Điều 292 thì luật sư (LS) Lê Văn Thiệp, Đoàn LS TP Hà Nội lại cho biết ông đã nghiên cứu đề tài về hành vi này và cho rằng nên giữ qui định này, đồng thời thu hẹp phạm vi điều chỉnh lại. Vì,vi phạm trong thương mại điện tử có mức độ nguy hiểm lớn hơn nhiều thương mại truyền thống và người bị hại cũng khó tố cáo do khó tìm được chứng cứ. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị LS Thiệp nghiên cứu kỹ hơn nữa và cho kiến nghị cụ thể.
Ông Phùng Quang Hiển, CA TP Hà Nội cho rằng,hành vi gây ô nhiễm về môi trường (Điều 235) không gây hậu quả tổn hại sức khỏe, thiệt hại tính mạng ngay, mà “chết dần”. Theo ông Hiển, nếu qui định như khoản 1 (xả thải ra môi trường từ 5.000m3/ngày đến dưới 10.000m3/ngày, nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên)thì cả nước chỉ vài doanh nghiệp như Vedan, Formosa là có lượng thải lớn như thế này, còn các doanh nghiệp khác rất thì khó bị xử hình sự. Hay với hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Hiển cho rằng, khi luật có hiệu lực chắc chỉ xử lý được các hành vi vi phạm theo khoản 1 Điều 317, còn khoản 2 không xử được vì yêu cầu phải có hậu quả xảy ra.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp Trần Văn Dũng cho biết, việc sửa Bộ luật Hình sự 2015 ngoài sai sót kỹ thuật, còn phải sửa đổi, bổ sung một số loại ma túy mới được CQĐT phát hiện, buộc phải bổ sung. Tuy nhiên, nếu qui định cụ thể theo kiểu liệt kê thì sẽ dẫn đến tình trạng khi phát hiện loại ma túy mới sẽ phải sửa luật. Vì vậy, ông Dũng cho rằng cần cân nhắc có thể qui định có tính chất dự báo “các loại cây khác có chứa chất ma túy” không?Đáng quan tâm, Bộ luật Hình sự năm 1999 có 427 tình tiết có tính định tính, để cho các cơ quan liên ngành tư pháp hướng dẫn cụ thể. Nhưng khi xây dựng Bộ luật Hình sự 2015 đã cụ thể hóa hơn 300 tình tiết. Tuy nhiên, cụ thể hóa quá lại dẫn đến nguy cơ bỏ lọt, nên có quan điểm cho rằng, cần sửa thành qui định mang tính định tính như trước để bao quát hơn. |
Phương Thảo
http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/co-phap-nhan-tron-thue-hang-tram-ty-dong-phat-10-ty-dong-la-qua-thap-120483
Gửi thông tin tư vấn