Sau phần thảo luận dự án Luật thủy lợi buổi sáng, chiều cùng ngày, Quốc hội họp riêng (báo chí không dự) để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông.
Trước đó ngày 10/11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày các báo cáo liên quan đến dự án điện hạt nhân nêu trên.
Theo Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, một trong những lý do trình Quốc hội xem xét dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là tại thời điểm hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế.
Tháng 11/2009, với 382 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 77,48%), Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có hai tổ. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.
Cũng trong tuần này, ngày 15/11, Quốc hội bước vào hoạt động chất vấn với các phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Thủ tướng và bộ trưởng các bộ: Công Thương, Nội vụ, Tài nguyên Môi trường, Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn của đại biểu. Đây là lần đầu tiên Quốc hội khoá 14 chất vấn thành viên Chính phủ khoá mới. Hoạt động này diễn ra trong 2,5 ngày.
|
Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này. Ảnh: Giang Huy. |
Các nhóm vấn đề dự kiến chất vấn gồm: Phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; kiểm soát lãng phí trong đầu tư công; tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, trong quá trình các bộ trưởng trả lời chất vấn, các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực có thể tham gia giải trình, làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm. Thủ tướng sẽ đăng đàn vào sáng 17/11, với thời lượng khoảng nửa ngày.
Chiều 17/11, nếu Quốc hội đồng ý, việc biểu quyết thông qua dự án Luật về hội sẽ được tiến hành. Trước đó, theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, do có nhiều ý kiến về dự án luật, Ban soạn thảo xin thêm thời gian nghiên cứu, hoàn chỉnh, trình dự thảo trong kỳ họp sau thay vì thông qua tại kỳ họp này.
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hom-nay-quoc-hoi-hop-kin-ve-viec-dung-du-an-dien-hat-nhan-3498386.html
Võ Hải