Tại Việt Nam, chế định Thừa phát lại
đã tồn tại và được áp dụng từ thời kỳ Pháp thuộc. Ở miền Nam chế định
này cũng tồn tại dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho đến năm 1975. Thừa
phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi
hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo
quy định của pháp luật.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành
án Dân sự Nguyễn Văn Sơn, tính đến nay, 13 địa phương thí điểm chế định
Thừa phát lại trên địa bàn cả nước đã thành lập được 63 văn phòng, trong
đó 45 văn phòng đã được phê duyệt.
Ngoài thành phố Hồ Chí Minh đã
có 11 Văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động, các Văn phòng Thừa phát
lại đã và đang được thành lập tại 12 địa phương trong các tỉnh, thành
phố như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng
Ninh, Nghệ An, Thanh hóa, Hải Phòng… Đặc biệt là thành phố Hà Nội, cuối
tháng 3 năm 2014 đã có 5 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập đi vào
tổ chức và hoạt động .
Hiện nay nhận thức của người dân đối với chế
định Thừa phát lại còn nhiều hạn chế, do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên
truyền về chế định Thừa phát lại một cách sâu rộng và mạnh mẽ. Đây là
công việc vô cùng quan trọng do đó phải tập trung nguồn lực thực hiện,
tuyên truyền.
Thực tế, Thừa phát lại là người được Bộ trưởng Bộ Tư
pháp bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp địa phương.
Thừa phát lại là một chức danh bổ trợ tư pháp, tương tự như những chức
danh khác: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên…
Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009, Nghị định
135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại thì Thừa phát lại hành nghề dưới hình thức Văn phòng Thừa
phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có tính chất như doanh nghiệp tư nhân
hoặc công ty hợp danh. Đây là lĩnh vực hoạt động có điều kiện, phải có
bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo
nguyên tắc tự chủ về tài chính. Văn phòng Thừa phát lại được miễn thuế
thu nhập doanh nghiệp trong thời gian thí điểm.
Cũng theo quy định, Thừa phát lại được quyền thực hiện các công việc như sau:
- Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ
quan thi hành án dân sự. Chính những hoạt động này đã góp phần hỗ trợ
một cách kịp thời, hiệu quả cho các hoạt động tư pháp, giúp các cơ quan
như Tòa án, Thi hành án giảm tải công việc, tập trung vào hoạt động
chuyên môn chủ yếu. Đây còn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước xuất
phát từ những đòi hỏi khách quan của thực tiễn công tác tư pháp, đặc
biệt là đối với Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự.
-
Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo
yêu cầu của đương sự.
Thừa phát lại có quyền như chấp hành viên khi
thực hiện công việc về thi hành án dân sự, có quyền áp dụng biện pháp
cưỡng chế trong trường hợp có huy động lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, Thừa
phát lại có nhiệm vụ chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, trung
thực, khách quan khi thực hiện công việc, chịu trách nhiệm trước pháp
luật về việc thực hiện công việc của mình.
Thừa phát lại ra đời góp
phần mở rộng quyền dân chủ thông qua việc người dân có quyền lựa chọn
các dịch vụ pháp lý tốt nhất liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự;
tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân, Thừa phát
lại cần thiết cho xã hội và hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ.
Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân
sự, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh bước đầu góp phần hạn chế một số
tiêu cực trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Tổ chức Thừa phát lại góp
phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thi hành án dân sự,
Thừa phát lại lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Trong các quyền của Thừa phát lại, vi bằng là một công việc tương đối
mới, Thừa phát lại lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu
cầu của đương sự. Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải
quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác
theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ xã hội hóa, hoạt động Thừa
phát lại đã bước đầu tạo lập một nghề mới trong xã hội, cung cấp dịch
vụ pháp lý phong phú. Văn phòng Thừa phát lại tạo thêm công ăn việc làm
thông qua việc thu hút, tập chung các nguồn lực xã hội.
Trong Hội
nghi tổng kết Thừa phát lại của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng
Cường đã phát biểu: “Thừa phát lại là công lại”, Văn phòng Thừa phát
lại là doanh nghiệp đặc thù; Thừa phát lại là tương lai của thi hành án,
vì vậy cơ quan Thi hành án phải hợp tác, phối hợp với Thừa phát lại để
có thêm sự lựa chọn cho người dân.
Tin rằng, mô hình Thừa phát lại ở
Hà Nội và các địa phương trong cả nước sẽ hỗ trợ thiết thực cho ngành
Tòa án, cơ quan thi hanh án dân sự, giảm tải hoạt động của hệ thống cơ
quan nhà nước, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cho người dân được phục vụ
tốt hơn trong đời sống xã hội.
LS Hoàng Đàm