Trong clip, nam thanh niên 'tranh cãi" khẳng định mình hiểu luật và việc quay hình là hoàn toàn được phép. Cùng lúc đó, cô gái trẻ bị công an bắt cũng kiên quyết khẳng định công an không có quyền dừng xe của mình để kiểm tra hành chính khi không có dấu hiệu vi phạm.
Cuộc "tranh cãi" giữa những người "hiểu luật" đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Nhiều vấn đề thắc mắc đặt ra 'Có phải chỉ nhà báo, phóng viên mới được quay clip khi công an làm việc?’. Liên quan đến vấn đề này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật TNHH Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp để làm rõ hơn về những vấn đề pháp lý đang được nhiều người quan tâm và thắc mắc.
PV: Thưa luật sư, luật sư có nhận định như thế nào về hành vi của những người trong clip?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Việc nam thanh niên quay clip trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý, không vi phạm pháp luật. Còn đối với 1 số đồng chí công an trong clip có cách hành xử như vậy (đòi thẻ nhà báo của người quay, dùng lời nói ngăn cản, đe dọa người quay,...) là không đúng.
Đối với cô gái trong clip, khi có tín hiệu yêu cầu dừng xe của lực lượng giao thông đã dừng lại, nhưng luôn khẳng định mình không vi phạm, và cũng không xuất trình giấy tờ khi được yêu cầu. Nếu việc yêu cầu dừng xe và kiểm tra hành chính là có cơ sở thì việc không xuất trình giấy tờ của cô gái là vi phạm. Nếu không có cơ sở thì việc cô gái bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình là hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái
PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết việc công an kiểm tra hành chính của cô gái khi không có dấu hiệu vi phạm có đúng không và căn cứ vào đâu?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Căn cứ vào khoản 1 Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công An quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ thì Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
- Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, nếu lực lượng công an không đưa ra bằng chứng hoặc không chứng minh được cô gái có lỗi vi phạm, cũng như không xuất trình được bất cứ cứ văn bản quyết định nào thuộc trường hợp 2, 3, 4 thì cô gái không có nghĩa vụ xuất trình giấy tờ vì lực lượng công an không đủ điều kiện để kiểm tra hành chính, và việc dừng xe kiểm tra hành chính là không đúng.
PV: Thưa luật sư, công dân có quyền quay clip khi công an làm nhiệm vụ hay không? Cách hành xử của công an như vậy đã đúng chưa?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt mới ra Công văn 1042 quy định về việc quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, theo Cục kiểm tra văn bản vi phạm pháp luật của bộ Tư Pháp thì Công văn này có dấu hiệu sai trái và vượt quá thẩm quyền. Theo báo cáo thì Cảnh sát giao thông có quyền truy hỏi, kiểm tra giấy tờ người quay phim, chỉ có những gì thuộc về bí mật nhà nước thì nhà báo hay người dân mới không được phép quay phim chụp ảnh. Và cũng không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh các nhân viên cảnh sát giao thông đang làm việc. Như vậy, công dân hoàn toàn có quyền quay clip khi Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, trừ khi có liên quan đến bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ. Cách hành xử của công an trong clip như vậy là không hợp lý.
Xin cảm ơn luật sư!
nguồn doisongphapluat.com