Điều 64 Bộ luật TTHS năm 2003 quy
định, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục
do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án
dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực
hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc
giải quyết đúng đắn vụ án. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng; b)
Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn
dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt,
người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định; và d) Biên bản
về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác. Điều 65
BLTTHS quy định cách thức thu thập chứng cứ, theo đó thì thẩm quyền đánh
giá, sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự hoàn toàn thuộc về người tiến
hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân
dân), còn người bào chữa chỉ có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ thu thập được
(tài liệu, đồ vật và tình tiết có liên quan) cho cơ quan tiến hành tố
tụng.
Chứng cứ được xác định bằng nhiều nguồn khác nhau, được
thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định và thuộc tính
của chứng cứ là phản ánh hiện thực khách quan, lưu giữ những thông tin
có giá trị chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Theo
các quy định nói trên, người tham gia tố tụng nói chung, người bào chữa
(luật sư) nói riêng, không được xác định là người có thẩm quyền thu
thập chứng cứ. Họ chỉ có quyền thu thập và đưa ra một trong những nguồn
của chứng cứ đó là tài liệu, đồ vật, tình tiết có liên quan đến vụ án.
Khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư tham gia trong TTHS,
luật sư bị hạn chế về vai trò, trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ
bởi khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị
can, luật sư chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được điều tra
viên đồng ý. Nhiều hoạt động điều tra khác, như đối chất, nhận dạng,
khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật
chứng... không có sự hiện diện của luật sư. Việc gặp người bị tạm giữ,
bị can đang bị tạm giam trong giai đoạn điều tra rất khó khăn do luật sư
không được quyền tiếp xúc riêng tư, lại bị hạn chế thời gian trong vòng
01 tiếng đồng hồ. Việc đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong
hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa chỉ được chấp thuận sau khi kết
thúc điều tra, tùy theo tính chất của từng tài liệu mà luật sư bị hạn
chế quyền này. Trong khi đó, Hội đồng xét xử tiến hành phần xét hỏi và
tranh luận tại phiên tòa, phần lớn đều dựa vào lời khai trong các giai
đoạn điều tra và truy tố. Nhiều trường hợp chứng cứ mới, có giá trị
chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do luật sư xuất
trình lại không được Hội đồng xét xử chấp nhận, dẫn đến phán quyết của
Tòa án không xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa...
Trong TTHS, chức năng gỡ tội luôn tồn tại độc lập và đối trọng với chức
năng buộc tội như một tất yếu khách quan. Với bản chất dân chủ, pháp
luật TTHS của Nhà nước ta ghi nhận quyền được bào chữa (gỡ tội) của
người bị buộc tội như một nguyên tắc cơ bản, coi đây là quyền Hiến định
(khoản 4 điều 31 Hiến pháp quy định “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam,
khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư
hoặc người khác bào chữa”). Do vậy, trong tiến trình sửa đổi, bổ sung
BLTTHS lần này, cần quy định rõ ràng và mang tính nguyên tắc về quyền
thu thập chứng cứ của luật sư, không phụ thuộc vào sự đồng ý của nhân
chứng, của tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin có giá trị là chứng cứ,
cũng như cần phải được sự hỗ trợ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và
Tòa án nếu gặp sự cản trở. Khi có yêu cầu cung cấp chứng cứ, trách nhiệm
của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu của luật sư.
Ngoài ra, cũng cần quy định trình tự khiếu nại của luật sư khi yêu cầu
hỗ trợ cung cấp, thu thập chứng cứ không được các cơ quan tiến hành tố
tụng đáp ứng…
Điều này đảm bảo sự cân bằng và khách quan toàn
diện khi giải quyết vụ án hình sự, theo đó việc thu thập chứng cứ phải
được quan tâm ở cả hai hướng là buộc tội và gỡ tội. Muốn vậy, cũng rất
cần thay đổi quan niệm về chứng cứ và quy định quyền thu thập chứng cứ
của luật sư thay vì chỉ giới hạn quyền của họ đưa ra tài liệu, đồ vật,
yêu cầu như pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm thực hiện yêu cầu tranh
tụng bình đẳng, dân chủ tại phiên toà. Yêu cầu này cũng đòi hỏi chứng cứ
do luật sư thu thập phải toàn diện và có giá trị chứng minh, là “đối
trọng” với chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập trong trường
hợp chứng cứ đó được sử dụng làm chứng cứ gỡ tội. Hướng sửa đổi cũng
phải quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của luật
sư, để tránh việc luật sư lạm dụng quyền thu thập chứng cứ nhằm tác động
không tốt đến tâm lý khai báo của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc
làm cản trở quá trình giải quyết vụ án hình sự. Quan trọng nhất là đảm
bảo cho luật sư tiếp cận ngay từ đầu với người bị tạm giữ, tạm giam,
được quyền tiếp xúc riêng tư để tư vấn hỗ trợ cho họ trong giai đoạn
điều tra, từ đó hạn chế, đi đến loại trừ tình trạng bức cung, nhục hình
do sự thiếu vắng sự hiện diện của luật sư.
Luật sư Phan Trung Hoài