(VBF) - Ngày 20/8/2014 tại Trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình - Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương - làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với LĐLSVN.
Tham dự Đoàn công tác còn có đồng chí Nguyễn Doãn Khánh - Ủy viên Trung
ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Thúy
Hiền - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; TS Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao; Thiếu tưởng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung
ương; cùng đại diện Bộ Công an và đại diện các ban ngành Trung ương.
Về phía LĐLSVN có Luật sư Lê Thúc Anh - Ủy viên Ban Chỉ đạo cải
cách tư pháp Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LĐLSVN; Luật sư
Nguyễn Văn Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLSVN; Luật sư. TS Đỗ Ngọc
Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LĐLSVN; Luật sư Trương Trọng Nghĩa
- Phó Chủ tịch LĐLSVN; cùng đại diện lãnh đạo Ban Chủ nhiệm một số Đoàn
luật sư, các Ủy ban, đơn vị trực thuộc LĐLSVN.Theo báo cáo của LĐLSVN, thực hiện Kết luận 92 của Bộ Chính trị về Chiến
lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thời gian qua Đảng đoàn, LĐLSVN đã
xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn, từng năm, đồng thời
lãnh đạo việc tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngay sau khi được thành lập (12/5/2009), LĐLSVN đã tập trung vào
công tác xây dựng tổ chức, xây dựng cơ chế tự quản của Liên đoàn và các
Đoàn luật sư. Hình thành các cơ quan Lãnh đạo (Hội đồng luật sư toàn
quốc, Ban Thường vụ, Lãnh đạo Liên đoàn), các cơ quan, đơn vị giúp việc
(10 đơn vị); đồng thời ban hành 19 quy chế, quy định trong các lĩnh vực
tổ chức, quản lý… để xây dựng tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt
động của Liên đoàn. Hiện tại 63 Đoàn luật sư trong cả nước đã đi vào
hoạt động theo chế độ tự quản và thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động
chung của Liên đoàn, trong đó Đoàn luật sư Lai Châu, đoàn luật sư cuối
cùng trong cả nước được thành lập vào tháng 7/2013.
Tại thời
điểm LĐLSVN được thành lập (tháng 5/2009), cả nước có hơn 5.300 luật sư;
đến tháng 6/2014, số lượng luật sư là 8.675 người (tăng gần 40%) và
khoảng 4.000 người tập sự hành nghề luật sư. Để phát triển số lượng luật
sư đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của
Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020 theo Quyết
định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 đã được Thủ tướng phê duyệt, LĐLSVN
đã tiến hành tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí,
vai trò của luật sư trong xã hội, tổ chức các cuộc giao lưu hướng nghiệp
cho sinh viên luật các trường đại học ở cả ba miền. Đảng đoàn, Lãnh đạo
LĐLSVN đã trực tiếp làm việc với Thường trực tỉnh, thành ủy (đã đến làm
việc trực tiếp với Thường trực tỉnh, thành ủy của 60 tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hoạt
động hành nghề tại địa phương như hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn
luật sư, hỗ trợ kinh phí cho luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án
theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng tại các tỉnh vùng sâu, vùng
xa… nhằm động viên những người có đủ điều kiện đang sống tại địa phương
tham gia Đoàn luật sư. Đoàn luật sư cũng có những biện pháp nhằm tạo
điều kiện thuận lợi cho những người có đủ điều kiện và có nguyện vọng
gia nhập Đoàn luật sư.
Cùng với việc quan tâm đến công tác
giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư,
trong nhiệm kỳ, Liên đoàn đã tổ chức được 66 lớp bồi dưỡng luật sư với
trên 4600 lượt luật sư tham dự. Nội dung được tập trung vào kỹ năng
tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao
động, hành chính; kỹ năng tư vấn pháp luật về kinh tế thương mại, sở hữu
trí tuệ…Liên đoàn đã xây dựng Đề án thành lập Trường đào tạo luật sư
của Liên đoàn, hiện đang tiến hành các thủ tục để đến năm 2016 Trường có
thể đi vào hoạt động.5 năm qua, Liên đoàn nhận được 141 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp
của luật sư và đã được giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Phần lớn các
đơn này phản ánh và đề nghị Liên đoàn can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề
hợp pháp của luật sư bị cản trở từ phía cơ quan tiến hành tố tụng.
LĐLSVN đã tích cực tham gia xây dựng luật pháp liên quan đến hành nghề
của luật sư đồng thời phối hợp với Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân
dân và Cơ quan Công an, đề xuất các kiến nghị về chính sách, pháp luật
nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề của
luật sư, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Liên đoàn đã ký Quy
chế phối hợp công tác số 01 ngày 07/6/2011 với Viện KSNDTC; phối hợp với
Bộ Công an trong việc xây dựng Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011
về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo
đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra; vừa qua, Liên đoàn cũng kịp
thời có công văn đề nghị Bộ Công an xem xét nội dung tại Điều 38, Thông
tư 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 về công tác điều tra hình sự trong
công an nhân dân nhằm tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ phối hợp, bình
đẳng, nâng cao trách nhiệm của điều tra viên và người bào chữa trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ theo chức năng và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Liên đoàn và các Đoàn luật sư luôn chú trọng tăng
cường kiểm tra, giám sát các luật sư trong việc tuân thủ Quy tắc Đạo đức
và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong 5 năm, Liên đoàn nhận được 363 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố
cáo liên quan đến luật sư và đã phối hợp chặt chẽ với các Đoàn luật sư
có liên quan để giải quyết. Trong 5 năm, các Đoàn luật sư đã đã quyết
định xử lý kỷ luật bằng các hình thức kỷ luật 94 trường hợp, trong đó
xóa tên khỏi danh sách luật sư 20 người.
Về hoạt động hành
nghề của luật sư, theo báo cáo của các Đoàn luật sư, từ tháng 5/2009
đến nay số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức là:
67.414 vụ án hình sự (trong đó có 30.902 vụ án hình sự được mời, 36.512
vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng); 54.005 vụ án
dân sự; 5.460 vụ án kính tế; 4.423 vụ án hành chính; 724 vụ án lao
động; 248.129 vụ tư vấn trong các vụ việc khác; 6.612 đại diện ngoài tố
tụng; 72.809 dịch vụ pháp lý khác; 31.271 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn
phí... Những năm gần đây đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa
trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu. Chất lượng bào
chữa của các luật sư trong các vụ án nêu trên cũng ngày càng được nâng
cao. Đến nay LĐLSVN đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức luật sư của
các nước như Canada, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, CHLB Đức, Trung Quốc,
Nhật Bản, Lào, Campuchia... Tham gia Hiệp hội luật Châu Á Thái Bình
Dương (LawAsia), chuẩn bị gia nhập Hiệp hội luật sư quốc tế (IBA); tham
gia Chương trình đối tác tư pháp JPP, Tổ chức JICA, UNDP để hỗ trợ xây
dựng các Kế hoạch chiến lược 05 năm của Liên đoàn, Đề án thành lập
Trường đào tạo luật sư, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp
vụ, công tác truyền thông, quản trị cho luật sư; tổ chức các cuộc hội
thảo, tọa đàm góp ý sửa đổi, bổ sung một số luật, tổ chức giao lưu hướng
nghiệp với sinh viên luật các trường đại học trong cả nước....
Cùng với công tác tổ chức và hoạt động, thời gian qua LĐLSVN còn
luôn chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư và
luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ
chung của đất nước; tham gia xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và
tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chung khác của đất nước; phối
hợp ngày càng chặt chẽ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và các cấp
ủy đảng, chính quyền ở địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở những mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm
vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới, LĐLSVN sẽ tập trung vào những
nội dung chính, như: lãnh đạo tổ chức thực hiện việc đào tạo phát triển
đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có
trình độ chuyên môn; tiếp tục phát huy vai trò tự quản của các Đoàn luật
sư, LĐLSVN; Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc
tranh tụng tại phiên tòa; Thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư... Để triển
khai thành công những vấn đề này, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của
luật sư, LĐLSVN đã đưa ra những kiến nghị và mong Trung ương và các bộ,
ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với LĐLSVN và giới luật sư.
Trong đó, cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, tính chính trị và đặc thù
của tổ chức luật sư, tách chế định luật sư ra khỏi chế định bổ trợ tư
pháp theo phương hướng cải cách tư pháp trong thời gian tới; tăng cường
vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra và đảm bảo quyền hành nghề
hợp pháp cho luật sư; đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn việc
thành lập tổ chức đảng trong các Đoàn luật sư để có thể thống nhất thực
hiện trong cả nước, đồng thời quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất cho hoạt
động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư
...
Tại buổi làm việc này, các luật sư và đại diện các bộ, ngành ở
Trung ương cũng thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến trao đổi nhằm làm rõ hơn
một số nội dung nêu trong Báo cáo cũng như các vấn đề khác mà giới luật
sư quan tâm.Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ
lực và những kết quả mà Đảng đoàn, LĐLSVN đã đạt được trong thời gian
qua. "Tôi rất vui mừng khi nhận thấy Đảng đoàn và lãnh đạo LĐLSVN đã
quán triệt đầy đủ và quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo việc
thực hiện các chủ trương và nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Kết luận số
92-KL/TW, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số
49-NQ/TW của Bộ Chính trị" - cùng với việc khẳng định như vậy, đồng chí
Trương Hòa Bình cho rằng, LĐLSVN đã quan tâm chỉ đạo sâu sát và đạt được
nhiều kết quả trong việc góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư
đông về số lượng, mạnh về chất lượng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của
tổ chức luật sư và luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật cũng
như thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước. Đặc biệt là đã từng bước
bảo đảm cơ chế để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm
của mình trong việc tham gia giải quyết các loại vụ án, tranh tụng tại
phiên tòa, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ
quyền lợi hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Đội ngũ luật sư đã có
những thành tích trong một số trường hợp cụ thể phát hiện oan sai, góp
phần ngày càng lớn khẳng định mô hình đúng đắn của hoạt động tố tụng
trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa và có đóng góp tích cực trong đấu
tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước. Đồng chí Trương
Hòa Bình nhấn mạnh, công tác tổ chức, hoạt động của LĐLSVN, các Đoàn
luật sư đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong thời
gian qua LĐLSVN đã phối hợp triển khai Chiến lược phát triển nghề luật
sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập
quốc tế, Đề án thí điểm Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại
quốc tế, Đề án Câu lạc bộ Luật sư hội nhập… Cùng với đó, việc tham gia
xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được thực hiện hiệu quả, LĐLSVN,
các Đoàn luật sư luôn tích cực tham gia và có nhiều ý kiến chất lượng
góp ý vào nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng; công tác phối hợp
với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền
địa phương được thực hiện tích cực, thường xuyên và hiệu quả nhằm thực
hiện Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư, tạo điều kiện thuận lợi để
luật sư hành nghề, đồng thời tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp
luật, Điều lệ LĐLSVN, Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp và ứng xử nghề nghiệp
của các luật sư trong hành nghề….
Cùng với việc chúc mừng
các kết quả mà LĐLSVN đã đạt được thời gian qua, đồng chí Trương Hòa
Bình cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, như: công
tác triển khai các văn bản hướng dẫn Luật Luật sư tại một số địa phương
còn chưa chủ động, quyết liệt và đồng bộ; việc xác minh, xử lý và báo
cáo kết quả giải quyết về khiếu nại, tố cáo, thông tin của LĐLSVN, một
số Đoàn luật sư và cơ quan, tổ chức có liên quan theo đề nghị của Bộ Tư
pháp chưa thực sự được quan tâm, đúng hạn. Số lượng các vụ án có sự
tranh tụng của luật sư tuy được nâng lên nhiều, nhưng xét theo tỷ lệ thì
vẫn thấp, nhất là ở mảng hình sự; vẫn còn một số luật sư vi phạm đạo
đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xóa tên trong danh sách
luật sư; chất lượng tranh tụng trong một số vụ án còn hạn chế.Trên cơ sở đánh giá phân tích về những
thành tích và hạn chế, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý trong thời gian
tới LĐLSVN cần tập trung thực hiện 6 nội dung cụ thể. Trong đó, đồng chí
nhấn mạnh, LĐLSVN tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc quán triệt, thực hiện
nội dung Nghị quyết số 49, Kết luận số 92 của Bộ Chính trị, Thông báo
kết luận của Chủ tịch nước tại buổi làm việc của Chủ tịch nước với
LĐLSVN ngày 1/8/2014. LĐLSVN cần làm tốt việc lựa chọn những người đủ
tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm về đạo đức và phẩm chất
chính trị đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, để bố trí vào các vị trí
công tác tại LĐLSVN, các Đoàn luật sư; trước mắt là công tác chuẩn bị để
tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II. Phát
triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng và nâng cao chất lượng như Chiến
lược phát triển nghề luật sư đã đề ra; tích cực nghiên cứu khoa học pháp
lý và tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật
về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; trong
đó tập trung vào việc góp ý đối với các quy định về địa vị pháp lý và
vai trò, nhiệm vụ của luật sư trong việc tham gia giải quyết vụ án, nhằm
thực hiện triệt để nguyên tắc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm
việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không để tình trạng
kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng chí Trương
Hòa Bình nêu rõ: với tinh thần dân chủ, đổi mới, Hiến pháp 2013 ghi
nhận các nguyên tắc quan trọng của hoạt động tư pháp và quy định nhiệm
vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… vì vậy, vai
trò và trách nhiệm của luật sư càng nặng nề hơn, đòi hỏi hoạt động của
luật sư, tổ chức luật sư phải đổi mới mạnh mẽ ơn nữa, nâng cao hơn chất
lượng để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng thời có thể tham gia
vào giải quyết tranh chấp quốc tế trong bối cảnh đất nước họi nhập ngày
càng sâu rộng. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghịLĐLSVN, các Đoàn luật sư
và giới luật sư cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ
chung của đất nước; LĐLSVN tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan tiến hành tố tụng, các bộ, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền địa
phương và các tổ chức xã hội trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền
nâng cao ý thức pháp luật để nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của
luật sư khi tham gia tố tụng và tranh tụng; nâng cao chất lượng tranh
tụng tại tòa, hạn chế oan sai, phát hiện việc để lọt tội phạm hặc bức
cung, nhục hình và bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi
ích hợp pháp của đương sự, cá nhân, tổ chức…
Về những vấn
đề, nội dung kiến nghị mà LĐLSVN và các luật sư nêu ra tại buổi làm
việc, đồng chí Trương Hòa Bình cho biết, Đoàn công tác ghi nhận, tiếp
thu đầy đủ và sẽ phản ánh kịp thời đến Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp
Trung ương để nghiên cứu đề xuất với các cơ quan hưu quan nhằm sớm có
giải pháp, phương án xử lý, giải quyết cụ thể trong thời gian tới.
Bảo Hương