(ĐSPL) – Năm 1995, thực hiện chính sách phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất, giao rừng, gia đình ông Thứ được UBND huyện Lộc Bình giao cho 32 ha đất gồm 3 thửa đất trồng rừng đều là đất trống, đồi trọc. Để có thể cải tạo và trồng thông tại mảnh đất này, gia đình ông Thứ đã đổ rất nhiều mồ hôi, công sức để gánh từng gánh nước lên rừng, tưới cho cây, chăm sóc cây để lấy nhựa.
Cập nhật lần cuối lúc 10:07
ngày 03/09/2014
Vừa qua, báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được
đơn phản ánh của ông Hà Văn Thứ (SN 1957, trú tại thôn Tằm Hán, xã Tĩnh Bắc,
huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn
liền với đất; đòi bồi thường thiệt hại về tài sản.
Nội dung đơn phản ánh của ông Hà Văn Thứ như sau: Năm
1995, gia đình ông được UBND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn giao cho quản lý và
sử dụng diện tích đất rừng là 32 ha theo Quyết định số 237/UB-QĐ ngày
20/11/1995. Trong diện tích đất gia đình ông Thứ được giao có lô đất số 263 diện
tích 16 ha, tại thôn Tằm Hán, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Từ
khi được giao đất, gia đình ông quản lý và sử dụng đất ổn định, liên tục và
không có tranh chấp với bất kì ai.
Đơn thư phản ánh của ông Hà Văn Thứ.
Bất ngờ, đến khoảng giữa năm 2007, ông Thứ phát hiện
các ông Nông Văn Lan, Nông Văn Trọng và Nông Văn Anh, trú cùng địa phương đã tự
ý mang cây thông con trồng trên diện tích 16 ha thuộc thửa đất số 263 nhà mình.
Ông Thứ đã nhiều lần yêu cầu ông Lan, ông Trọng và ông Anh dừng việc trồng cây
trái phép trên diện tích đất nhà mình và đề nghị UBND xã giải quyết, tuy nhiên,
các ông có tên trên vẫn cố tình trồng cây trái phép trên đất nhà ông Thứ.
Vì vậy, ông Thứ đã làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải
quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; yêu cầu bồi
thường thiệt hại về tài sản trên đất đối với lô đất số 263 diện tích 15 ha tại
địa chỉ: thôn Tằm Hán, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Vụ án đã được
TAND huyện Lộc Bình xét xử sơ thẩm ngày 18/9/2013 và TAND tỉnh Lạng Sơn phúc thẩm
và ra bản án phúc thẩm số 30/2014/DS-PT ngày 25/7/2014.
Tòa án giải quyết: Xác định sai quan hệ tranh chấp?
Cũng theo nội dung đơn thư phản ánh của ông Hà Văn Thứ,
ông Thứ cho rằng việc giải quyết của TAND huyện Lộc Bình và TAND tỉnh Lạng Sơn
đối với vụ án trên là chưa thỏa đáng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi
ích hợp pháp của gia đình ông. Cụ thể, ông Thứ nêu rõ:
Thứ nhất, gia đình ông là chủ sở dụng hợp pháp đối với
diện tích đất 16 ha, lô 263 tại thôn Tằm Hán, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh
Lạng Sơn vì từ khi gia đình ông được UBND huyện Lộc Bình giao cho quản lý lô đất
này theo quyết định số 237/UB-QĐ ngày 20/11/1995 thì từ đó đến nay quyết định
này không hề bị hủy bỏ hay thay thế bởi bất cứ quyết định nào khác.
Sau khi giao đất thì ông Thứ cũng đã hoàn thành thủ tục
gồm: đơn xin giao; biên bản và quyết định giao đất của Huyện, biên bản bàn giao
đất thực tế. Quyết định giao đất có hiệu lực pháp luật và có bàn giao thực tế,
ông Thứ đã nhận, quản lý ổn định đất để trồng rừng.
TAND tỉnh Lạng Sơn cho rằng diện tích đất thuộc lô 263
tại địa chỉ 263 thôn Tằm Hán, xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn của
gia đình ông thực tế chỉ có diện tích 9.869,60 m2, các ông Lan, ông Trọng, và
ông Anh cũng có quyết định giao đất. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là những
quyết định bàn giao đất của ông lan, ông Trọng, ông Anh được cấp năm 1997, được
giao sau thời điểm của ông Thứ được giao đất. Trong đó, ông Anh được quyết định
giao riêng (3 thửa), còn ông Trọng và ông Lan được giao bằng hình thức Cơ
quan Kiểm lâm đã lấy quyết định của UBND huyện năm 1995 (khi đó ông Trọng và
ông Lan cũng được giao đất mỗi nhà 2 thửa, nhưng là thửa đất ở chỗ khác) để sửa
vào quyết định giao đất năm 1997 thành mỗi nhà 4 thửa và ghi là thửa 530, 531,
532 và có dấu của kiểm lâm. Các thửa này có vị trí trùng với 1 phần đất trên thửa
263 của ông Thứ. Do vậy khi đo đạc thực tế thì thửa đất 236 của ông Thứ với diện
tích là 16 ha thì đến nay chỉ còn là 9.869,60 m2. Ngoài diện tích trong sổ lấn
chiếm này thì còn có sự lấm chiếm ở ngoài quyết định. Hiện tại đó thực tế đất rừng
của nhà ông Thứ quản lý chỉ còn khoảng 4 ha.
Hơn nữa, hồ sơ giao đất của ông Lan, ông Trọng và ông
Anh có sự tẩy xóa trong quyết định giao đất của UBND huyện về diện tích và phần
tẩy xóa này được đóng bằng dấu của Hạt kiểm lâm huyện Lộc Bình. Việc Kiểm
lâm huyện sửa diện tích trong hồ sơ giao đất không làm phát sinh quyền của người
sử dụng đất vì Kiểm lâm huyện không có thẩm quyền giao đất.
Thứ hai, ông Thứ cho rằng việc tòa án sơ thẩm và phúc
thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp về quyền sử dụng
đất gắn liền với đất và bồi thường thiệt hại về tài sản” là xác định sai quan hệ
tranh chấp. Đặc biệt, tại bản án phúc thẩm TAND tỉnh Lạng Sơn chấp nhận yêu cầu
kháng cáo của ông Thứ nhưng lại chỉ “sửa lại câu chữ” cho đúng với quan hệ
tranh chấp quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự với lý do “để tránh vụ án bị hủy
đi hủy lại” là chưa thỏa đáng.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn
phòng luật sư Chính Pháp nhận định: “Theo quy định của pháp luật thì trong
trường hợp: Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ tranh chấp thuộc
trường hợp có sai phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì Tòa án cấp phúc thẩm
phải căn cứ vào Khoản 2, Điều 277, Bộ luật tố tụng dân sự để hủy bản án sơ thẩm
và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Trong vụ án này, TAND tỉnh Lạng Sơn không thể viện ra
lý do “để tránh vụ án bị hủy đi hủy lại” mà quyết định chỉ sửa đổi một phần bản
án sơ thẩm của TAND huyện Lộc Bình. Việc TAND tỉnh Lạng Sơn chỉ sửa lại câu chữ
của Bản án sơ thẩm đối với việc xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án mà
không hủy Bản án sơ thẩm dẫn đến không giải quyết được sai phạm về xác định sai
quan hệ tranh chấp của TAND huyện Lộc Bình. Về bản chất, Bản án phúc thẩm số
30/2014/DS-PT ngày 25/7/2014 của TAND tỉnh Lạng Sơn cũng xác định sai quan hệ
tranh chấp. Đây là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.”
Thứ ba, theo ông Thứ thì việc Tòa phúc thẩm xác định
việc Hạt kiểm lâm huyện Lộc Bình thực hiện việc giao nhận đất rừng và đất trồng
cho ông Trọng, ông Lan, ông Anh là thực hiện giúp UBND huyện Lộc Bình theo tiểu
mục 7.4 mục 7 Thông tư 06-LN/KL, ngày 18/4/1994 hướng dẫn thi hành Nghị định
02/CP ngày 15/1/1994 về giao đất lâm nghiệp là không đúng với quy định của pháp
luật.
Về quy định của tiểu mục 7.4, mục 7 Thông tư 06-LN/KL
ngày 18/4/1994 quy định:
“7.4. Giao đất cho các chi cục và các hạt kiểm lâm phối
hợp với các co quan địa chính cùng cấp giúp UBND sở tại thực hiện việc giao đất
lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”
Căn cứ vào quy định nêu trên thì Hạt kiểm lâm huyện Lộc
Bình chỉ có thẩm quyền giúp việc cho UBND huyện Lộc Bình trong quá trình thực
hiện việc giao đất, Hạt kiểm lâm không có thẩm quyền giao đất.
Nhận định về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái,
Giám đốc công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp cho biết:
“Thẩm quyền giao đất lâm nghiệp được quy định tại Điều
24, Luật Đất đai năm 1993 như sau:
- 1. UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương giao đất cho các tổ chức;
- 2. UBND huyện, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân”.
Như vậy, chỉ có UBND huyện Lộc Bình mới có thẩm quyền
giao đất cho các hộ gia đình. Việc Hạt kiểm lâm huyện Lộc Bình thực hiện
việc giao đất cho gia đình ông Lan, ông Trọng, và ông Anh là trái quy định của
Pháp luật”.
Xót xa cảnh nguồn sống duy nhất bị ‘đe dọa’ từng ngày
Năm 1995, thực hiện chính sách phủ xanh đất trống đồi
trọc, giao đất, giao rừng, gia đình ông Thứ được UBND huyện Lộc Bình giao cho
32 ha đất gồm 3 thửa đất trồng rừng đều là đất trống, đồi trọc. Để có thể cải tạo
và trồng thông tại mảnh đất này, gia đình ông Thứ đã đổ rất nhiều mồ hôi, công
sức để gánh từng gánh nước lên rừng, tưới cho cây, chăm sóc cây để lấy nhựa.
Là một người dân tộc Tày, đối với ông Thứ 16 ha rừng
trở thành nguồn sống duy nhất của cả gia đình. Gia đình ông đã nhiều năm trồng
thông và cạo nhựa thông, hàng ngày mang bán nhựa thông để nuôi 7 người con.
Trong số những người con của ông Thứ có một người đã được đi học cử tuyển tại
trường Đại học Thủy Lợi. Về nguyên tắc, sau khi học cử tuyển sinh viên sẽ được
về địa phương để bố trí công việc, tuy nhiên đến nay người con của ông vẫn chưa
được nhận công việc nào liên quan đến chuyên môn của mình. Bởi vậy, cả gia đình
ông Thứ đều tập trung chăm sóc những cây thông để cạo lấy nhựa đem bán.
Cuộc tranh chấp quyền sử dụng đất kéo dài gần chục năm
trời đã khiến gia đình ông Thứ cạn kiệt sức lực. Với diện tích đất thực tế từ
16ha chỉ còn hơn 4 ha, nguồn sống của gia đình ông Thứ ngày càng thu hẹp. Không
những vậy, gia đình ông còn phải đối mặt với nhiều cuộc “gây hấn’ như đập phá
nhiều phần nhựa thông đã cạo được cả ngày trên đất nhà ông.
Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Thứ xót
xa: “Nhiều lần chứng kiến nhựa thông cạo cả ngày mới được lại bị người ta
dùng dao quắng đập vỡ, gia đình tôi cảm thấy bức xúc, đau đớn khi nguồn sống
duy nhất đang bị đe dọa. Nhiều lúc tôi cũng rất mất bình tĩnh nhưng chúng tôi
đã cố gắng hết sức kiềm chế. Chúng tôi hi vọng pháp luật sẽ giải quyết thỏa
đáng sự việc của gia đình tôi, trả lại sự yên bình cho chúng tôi. Bởi vì cả gia
đình tôi 7 -8 khẩu, nếu như bây giờ phá đi, cưỡng chế không cho khai thác nữa
thì gia đình tôi cũng không biết trông vào đâu”.
Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia
đình ông Thứ đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn cần vào cuộc làm rõ, nếu
có sai phạm thì phải có biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây bức xúc trong dư luận.
PV
http://tuvan.doisongphapluat.com/tin-tuc-va-luat-su/goc-nhin/tranh-chap-quyen-su-dung-dat-nguoi-dan-mon-moi-d10078.html