Nhưng vấn đề đặt ra là ngành thuế có gì mà hấp dẫn như thế? Ở đây có mấy vấn đề. Có thể một số người được đào tạo đúng ngành, họ say mê với nghề nghiệp thực sự.
Cũng có thể bây giờ nhiều người cứ tư duy rằng nếu thi được vào được công chức rồi thì yên trí để cứ thế mà “rung đùi”, cứ thế mà đi lên.
Hoặc, có thể khi nộp hồ sơ thi, có người đã biết trước rằng mình có cái gì đó đằng sau hỗ trợ nên họ dựa vào cái đó để họ dễ dàng thi và trúng tuyển…
- Sau khi có thông báo tuyển công chức, hiện đang có rất nhiều trung tâm luyện thi công chức ngành thuế được mở ra, người đứng lớp giảng dạy có cả nguyên phó tổng cục trưởng tổng cục thuế. Nhiều thí sinh ở các tỉnh cũng tìm mọi cách để vào ôn thi tại đây với chi phí khá tốn kém… Bà nhìn nhận chuyện này như thế nào?
Trong trường hợp này, ngành thuế cần rút kinh nghiệm, không nên để xảy ra tình trạng như thế, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Thi công chức mà lại có tổ chức lớp luyện thi công chức, đó là điều đó rất lạ. Luyện thi vào đại học là các kiến thức phổ thông thì khác. Nhưng thi công chức mà cũng có luyện thi thì lạ thật. Có lẽ Bộ Nội vụ nên có ý kiến rõ ràng về chuyện này.
Riêng tôi, với tư cách cá nhân tôi thấy rằng điều này là quá lạ. Nên chấm dứt ngay chuyện đó càng sớm càng tốt.
- Dù sao những hiện tượng đó cho thấy một điều: ngành thuế đang thực sự rất hấp dẫn dù ai cũng nói ‘lương công chức thuế’ rất thấp, thưa bà?
Như tôi đã nói, có thể một số người do được đào tạo đúng ngành, say mê thực sự, muốn vào ngành thuế để làm việc hết mình.
Nhưng cũng có một lý do khác nữa, đơn giản là người ta cho rằng, xưa nay được vào công chức, viên chức coi như vào rồi thì ít ra, lên rồi thì ít xuống. Cho nên việc thích vào công chức nó vốn là chuyện thường tình. Cái này không phải lỗi của riêng ngành thuế.
Gần đây, có lãnh đạo còn khẳng định, có đến 1/3 số người là công chức theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, làm việc không hiệu quả. Đó là thực tế đau xót.
Lâu nay do quy định không rõ ràng về tiêu chí, nhiệm vụ, chức năng, đặc biệt là không có sự giám sát thường xuyên, đánh giá hiệu quả công việc nên nhiều người không thấy lo lắng gì khi vào công chức, đổ xô, tìm mọi cách để thi vào.
Việc đó tới đây phải khắc phục, nếu không thì sẽ liên tục xảy ra tình trạng bộ máy thì cồng kềnh mà cán bộ làm việc không hiệu quả.
Đua nhau vào công chức: Vì sao?
- Lương thấp, làm công chức tẻ nhạt, nhưng người ta vẫn tìm mọi cách để vào được, thậm chí có trường hợp lo lót mất cả đống tiền để vào. Theo bà, nghịch lý này do đâu?
Là vì xưa nay chúng ta không đánh giá rõ hiệu quả công việc của cán bộ công chức, cho nên khi đã vào được rồi, họ nghĩ làm việc kiểu gì, hiệu quả ra sao thì họ vẫn tồn tại. Cứ thế, túc tắc 3 năm một lần lên lương. Không cần phấn đấu gì thì vẫn tồn tại. Thi tuyển như vậy nhưng sa thải thì rất khó. Đã vào rồi khó ra, vào là yên vị, nên họ thích.
Hơn nữa, vào công chức rồi, tuy ít lương, nhưng có rất nhiều khoản khác. Nhỏ nhất là chuyện đóng bảo hiểm xã hội, đa số là nhà nước đóng cho rồi, chỉ mất có một phần nhỏ thôi…
Làm việc thì không cần căng thẳng, không tốn sức mà vẫn cứ đều đều đi lên, đều đều tăng lương, không giống như làm các doanh nghiệp tư nhân…
Tôi nhắc lại, cũng là do việc đánh giá của mình không rõ, không phân biệt được người nào tài, không tài, người nào tốt, không tốt… Mọi sự cạnh tranh không gắt gao nên họ thích vào.