(VBF) - Trong hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, đất nước ta đã không có sự công bằng, dân chủ trong hoạt động tư pháp nói chung và trong xã hội nói riêng.
Điều này được thể hiện rõ nét ở việc dưới chế độ phong kiến, người duy
nhất có quyền ban hành luật là vua, việc xét xử được thực hiện bởi các
quan lại phong kiến và vua. Trong xã hội phong kiến đó, các thiết chế
phản biện pháp luật nói chung và trong lĩnh vực tư pháp nói riêng không
có cơ hội hình thành và phát triển. Khi người Pháp xâm lược Đông Dương
và thiết lập ách thống trị lên mảnh đất này, cùng với phong trào đấu
tranh giải phóng dân tộc ngày càng mạnh mẽ thì thiết chế luật sư mới
từng bước được hình thành và dần phát triển.
Cho đến nay, thiết chế luật sư ở Việt Nam đã có trên 100 năm tồn tại và
phát triển, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Vậy thiết chế luật sư
tại Việt Nam được bắt đầu hình thành từ khi nào? Quá trình tồn tại và
phát triển ra sao?... Chúng ta cùng tìm hiểu trong một số nội dung
nghiên cứu dưới đây của tác giả.
1. Giai đoạn 1858 - 1945
Ngay sau khi xâm lược Nam Kỳ, thực dân Pháp từng bước thiết lập bộ máy
hành chính để quản lý các vùng đất đã chiếm được, trong đó có việc hoàn
thiện bộ máy tư pháp theo mô hình của Cộng hòa Pháp. Ngày 26/11/1876,
Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Chuẩn đô đốc Victor Auguste Duperré
(Nam tước Dupérré)
ban hành Nghị định về việc biện hộ cho thân chủ là người Pháp hoặc
người Việt mang quốc tịch Pháp tại tòa án Pháp. Ngày 06/6/1884, bằng Hòa
ước Pa-tơ-nốt
(Patenôtre) được ký giữa triều đình nhà Nguyễn
và Cộng hòa Pháp, Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp chia
Đông Dương ra thành 5 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao miên.
Ngày 16/5/1906, toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Jean Baptiste
Paul Beau ký Nghị định số 1514a cho phép thành lập trường đại học đầu
tiên theo mô hình của Pháp tại Đông Dương. Theo quy định tại Nghị định
nêu trên thì Viện Đại Học Đông Dương được tổ chức khởi đầu với 5 trường
liên thuộc: 1. Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính
(École supérieure de Droit et Administration); 2. Trường Cao đẳng Khoa học
(École supérieure des Sciences); 3. Trường Cao đẳng Y khoa
(École supérieure de Médecine); 4. Trường Cao đẳng Xây dựng dân chính
(École supérieure du Génie Civil); 5. Trường Cao đẳng Văn chương
(École supérieure des Lettres).
Trong đó thì Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính là nơi đào tạo nhân sự
bản xứ cung cấp cho bộ máy hành chính của Pháp tại Việt Nam.
Ngày 30/01/1911, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Antony
Waladislas Klobukowski ký Sắc lệnh thành lập Đoàn luật sư Sài Gòn và Hà
Nội, thành viên là các luật sư đã tốt nghiệp trường Luật ở Pháp, có quốc
tịch Pháp. Chủ trương của Antony Waladislas Klobukowski là mở rộng nghề
luật sư theo hướng không hạn chế chỉ người Pháp và người Việt mang quốc
tịch Pháp mới được làm luật sư, mà còn có cả người Việt mang quốc tịch
Việt cũng được làm luật sư nếu hội đủ các điều kiện theo luật định.
Antony Waladislas Klobukowski cho phép mở trường Luật
(École de Droit)
với hai trụ sở tại Hà Nội và Sài Gòn, thời gian học là 02 năm. Trường
luật khai giảng tại Hà Nội ngày 15/4/1910. Trong niên khoá 1911-1912 tại
Hà Nội có 32 sinh viên và Sài Gòn có 18 sinh viên. Ngày 15/10/1917,
Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Albert Pierre Sarraut ký Nghị
định thành lập Trường Luật và Pháp chính
(Ecole de Droit et d’Administration).
Ngày 25/5/1930, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Pierre Marie
Antoine Pasquyer ký Sắc lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn và
Đà Nẵng. Việc ký Sắc lệnh này thể hiện rõ sự chú trọng của Pháp đối với
việc phát triển nghề luật sư tại Việt Nam bởi các quy định trong Sắc
lệnh mở hơn so với các Nghị định trước đó. Mặt khác, về mặt hiệu lực thì
Sắc lệnh có hiệu lực cao hơn so với Nghị định. Cụ thể, Sắc lệnh này mở
rộng thêm cho các luật sư không chỉ biện hộ cho thân chủ có quốc tịch
Pháp mà cho cả thân chủ không có quốc tịch Pháp; không chỉ biện hộ ở tòa
án Pháp mà còn biện hộ cả ở tòa án bản xứ.
Giai đoạn 1930 - 1945 là thời kỳ bùng nổ nghề luật sư ở Việt Nam khi các
luật sư du học tại Pháp trở về nước, cùng với một số lượng đông đảo
những người được đào tạo ngành luật tại Trường Đại học Đông Dương, Hà
Nội. Các luật sư tên tuổi thời kỳ này có thể kể đến là Phan Văn Trường
(1876-1933), Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Phan Anh (1912-1990), Trần
Công Tường (1915-1990), Trương Đình Dzu (1917-1991), Vũ Trọng Khánh
(1912-1996), Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997),
Nguyễn Văn Hưởng (1910-2001);….
Trong thời gian gần 80 năm hình thành và phát triển, kể từ năm 1876 đến
năm 1955, thiết chế luật sư và hệ thống pháp luật của Pháp đã du nhập
vào Việt Nam với những nguyên tắc pháp lý hoàn toàn mới mẻ so với quan
niệm luật pháp truyền thống của phương Đông vốn tồn tại hàng ngàn năm
dưới ảnh hưởng của Khổng giáo qua các triều đại phong kiến. Có thể nói
rằng, việc Jean Baptiste Paul Beau cho phép mở Trường Cao đẳng Luật và
Pháp chính đã đặt viên gạch đầu tiên cho một nền luật học dựa trên những
nguyên tắc pháp lý theo quan niệm phương Tây, được hiểu bao gồm các hệ
thống pháp luật điển hình trên thế giới lúc đó là hệ thống Luật Dân sự
(Civil Law) của khối châu Âu lục địa, hệ thống Thông luật
(Common Law) của khối Anglo-Saxon và hệ thống Luật xã hội chủ nghĩa
(Sovietique) của Liên Xô.
2. Giai đoạn 1945 - 1954
Ngày
10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL với nội dung
cơ bản là duy trì tổ chức luật sư, trong đó đã có sự vận dụng linh hoạt
các quy định pháp luật của chế độ cũ về luật sư nhưng không trái với
nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa. Ngày 22/01/1946, Chủ
tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 217/SL cho phép các thẩm phán đệ nhị cấp
(tỉnh và khu) có bằng cử nhân luật khoa được bổ nhiệm sau ngày
19/8/1945, có thể ra làm luật sư mà không phải tập sự tại một văn phòng
luật sư. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ban hành Sắc lệnh số 163/SL
ngày 23/3/1946 về tổ chức tòa án binh cũng có quy định cho phép các bị
cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa.
Thực tế là trước khi Sắc lệnh số 46/SL được ban hành thì quyền bào chữa
của bị can, bị cáo đã được ghi nhận tại Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945
về việc thiết lập các tòa án quân sự, cụ thể Điều 5 quy định: “Bị cáo có
thể tự bào chữa hay nhờ một người khác bênh vực cho”. Mặt khác, quyền
được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa của bị cáo đã được thừa nhận và
thể hiện tại Điều 67 Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
như sau: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.
Tuy nhiên, do chính sách phát triển luật sư của Pháp trước đó dẫn đến số
lượng luật sư ở Việt Nam sau cách mạng tháng tám rất ít. Mặt khác, vì
hoàn cảnh kháng chiến nên một số luật sư đã tham gia cách mạng, một số
thì chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác. Chính vì vậy, vào thời kỳ này
hầu như các văn phòng luật sư đều ngừng hoạt động. Do vậy, để bảo đảm
quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong hoàn cảnh số lượng luật sư hạn
chế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949,
sau đó được thay thế bởi Sắc lệnh số 144/SL ngày 22/12/1949 với nội dung
cho phép nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không
phải là luật sư bênh vực cho mình, cụ thể như sau: “Từ nay, trước tòa án
việc xử hộ và thương mại, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử
việc tiểu hình, đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, nguyên cáo, bị
cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho
mình. Công dân đó phải được Ông Chánh án thừa nhận”.
Để cụ thể hóa Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949, Bộ Tư pháp đã ban hành
Nghị định số 1/NĐ-VY ngày 12/01/1950 quy định các điều kiện để làm bào
chữa viên và phụ cấp của bào chữa viên nhằm phù hợp với điều kiện Việt
Nam khi đó, thể hiện mục tiêu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là
xây dựng một nền tư pháp công bằng, dân chủ. Thực hiện quy định của pháp
luật về bào chữa viên, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân
Pháp và xây dựng miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam, đội ngũ bào chữa
viên đã được hình thành và ngày càng phát triển. Bên cạnh các luật sư đã
tham gia kháng chiến, thì nhiều luật sư, luật gia đã từng làm việc
trong bộ máy của chế độ thực dân Pháp cũng hăng hái gia nhập đội ngũ bào
chữa viên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3. Giai đoạn từ năm 1954 đến nay
Sau Hiệp định Giơnevơ (Genève) năm 1954, Việt Nam bị chia cắt hai miền. Ở
miền Nam, trường Đại học Luật khoa Huế, Đà Lạt, Sài Gòn của chế độ Việt
Nam Cộng hòa đào tạo các cử nhân luật, một số sinh viên tốt nghiệp cử
nhân luật được đào tạo tiếp để trở thành luật sư. Trong các tòa vi cảnh,
tòa sơ thẩm, tòa đại hình, tòa thượng thẩm đều có công tố viên và có
luật sư tranh luận, bào chữa bảo vệ thân chủ. Luật sư có quyền tham gia
tại giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử và tranh tụng tại phiên tòa.
Ở miền Bắc, Hiến pháp 1959 được ban hành, tiếp tục khẳng định quan điểm
của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền bào chữa để bảo vệ quyền, lợi ích
hợp pháp của công dân. Hiến pháp 1959 là cơ sở pháp lý để thiết lập hệ
thống tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân, Bộ Tư pháp không còn
tồn tại, công tác hành chính tư pháp được chuyển giao cho Tòa án tối cao
đảm nhiệm, trong đó có công tác bào chữa. Điều 101, Hiến pháp 1959 quy
định: “Quyền bào chữa của người bị cáo được bảo đảm”. Năm 1963, văn
phòng luật sư thí điểm đầu tiên được thành lập, đặt tên là Văn phòng
luật sư Hà Nội (Văn phòng luật sư).
Sau khi tổ chức Văn phòng luật sư, tình hình yêu cầu luật sư bào chữa và
bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước tòa ngày càng tăng.
Lúc đầu luật sư nhận bào chữa những vụ án do tòa án chỉ định, về sau các
bị cáo, đương sự có nhu cầu mời luật sư thì trực tiếp đến Văn phòng
luật sư. Năm 1972, Ủy ban pháp chế của Chính phủ được thành lập, năm
1974 Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao Văn phòng luật sư sang Ủy ban
pháp chế của Chính phủ để quản lý theo chức năng quy định tại Nghị định
190/CP ngày 9/10/1972.
Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, năm 1980 Hiến pháp nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời tiếp tục khẳng định quyền bào chữa của bị
cáo. Bên cạnh đó, Hiến pháp 1980 còn quy định về việc thành lập tổ chức
luật sư để trợ giúp tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
mình, đồng thời với việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập lại Bộ Tư pháp,
ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị
định 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp. Bộ
Tư pháp có nhiệm vụ quản lý hoạt động hành chính tư pháp trong đó bao
gồm cả hoạt động của luật sư. Ngày 31/10/1983, Bộ Tư pháp ban hành Thông
tư số 691/QLTPK hướng dẫn về công tác bào chữa với nội dung quy định là
ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã có tổ chức luật sư, bào chữa
thì củng cố lại về tổ chức, quản lý chặt chẽ hơn. Còn ở các tỉnh khác
nếu có đủ điều kiện và được ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thì thành lập
Đoàn bào chữa viên nhân dân. Đến cuối năm 1987, cả nước đã có 30 tỉnh,
thành phố thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân và Đoàn luật sư với gần
400 bào chữa viên. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì thành lập Đoàn
luật sư.
Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ
VI diễn ra năm 1986 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội
Việt Nam lúc đó, trong đó có hoạt động tư pháp. Để cụ thể hóa quan điểm
chỉ đạo trên, nhiều đạo luật về tố tụng đã được ban hành theo hướng mở
rộng dân chủ trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trước tòa án và các cơ quan
tiến hành tố tụng khác. Ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ
tịch nước) đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức luật sư (PLTCLS). PLTCLS là cơ
sở pháp lý quan trọng về thiết chế luật sư, tạo cơ sở cho việc hình
thành và phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam. Từ 186 luật sư năm 1989
đến ngày 30/9/2001, số luật sư trong cả nước là 2.100 luật sư. Nhìn
chung, số lượng luật sư thời kỳ này trong cả nước tăng chậm, chưa đáp
ứng được nhu cầu của xã hội phát triển. Sở dĩ có tình trạng này là do
đội ngũ những người có đủ điều kiện gia nhập Đoàn luật sư còn ít, các
quy định của PLTCLS, Quy chế Đoàn luật sư và bản thân hoạt động của các
Đoàn luật sư vẫn chưa tạo thuận lợi, chưa thực sự hấp dẫn nên chưa thu
hút được đông đảo những người có đủ điều kiện gia nhập Đoàn luật sư. Mặt
khác, một số Đoàn luật sư chưa quan tâm thích đáng đến công tác phát
triển luật sư. Các thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội chuyển mình chậm
cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng luật sư phát triển chậm.
Nếu như PLTCLS có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho
việc hình thành đội ngũ luật sư ở nước ta trong thời kỳ đổi mới thì Pháp
lệnh Luật sư số 37/2001/PL-UBTVQH1 ngày 25/7/2001 là bước tiến quan
trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thiết chế luật sư ở nước
ta, đưa thiết chế luật sư của nước ta xích gần hơn với thông lệ quốc tế.
Nội dung của Pháp lệnh thể hiện quan điểm cải cách mạnh mẽ tổ chức và
hoạt động luật sư theo hướng chuyên nghiệp hoá đội ngũ luật sư và nghề
luật sư, tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp kết
hợp với quản lý của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập
quốc tế của nghề luật sư ở Việt Nam. Với nội dung tiến bộ, phù hợp với
yêu cầu khách quan, hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư đã có bước
phát triển đáng kể, đặc biệt là tư vấn cho khách hàng trong các lĩnh vực
như đầu tư, kinh doanh, thương mại ngày càng nhiều, chất lượng dịch vụ
được nâng cao.
Ngày 07/11/2006, Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã
tạo ra những cơ hội mới để phát triển đất nước và song hành với nó là
những thách thức đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mà nhiệm
vụ quan trọng là phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các
thiết chế liên quan cùng với cơ chế vận hành theo lộ trình phù hợp với
các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Để thực hiện nhiệm vụ và lộ
trình đó, trong các năm 2005, 2006, 2007, Việt Nam đã ban hành một số
lượng lớn các đạo luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung các đạo luật cũ, không
còn phù hợp, trong đó có việc ban hành Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày
29/6/2006. Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Luật sư số 65/2006/QH11.
Ngày 16/01/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg
về việc phê duyệt Đề án "Thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc" và để thực
hiện Đề án này, ngày 04/6/2008, Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc đã
chính thức ra mắt tại Hà Nội. Hội đồng lâm thời gồm 15 luật sư tiêu biểu
đại diện cho các Đoàn luật sư của các vùng, miền trong cả nước. Đại hội
Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội đã
thông qua việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào ngày 12/5/2009.
Kể từ đây, giới luật sư Việt Nam đã có một tổ chức thống nhất trong phạm
vi toàn quốc.
Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 149/QĐ-TTg, lấy
ngày 10/10 hằng năm là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam. Như vậy,
sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm của
lịch sử, giới luật sư Việt Nam chính thức có ngày lễ trang trọng của
mình.
ThS.LS Ngô Văn Hiệp
Nguồn tin: Tạp chí Luật sư Việt Nam (số 7 - tháng 9/2014)