Liên
quan đến quy định sắp được đưa vào thực hiện, anh Nguyễn Văn Bắc – hành
nghề lái xe taxi tại hãng Mai Linh thắc mắc: “Đèn vàng chỉ trong thời
gian 3 giây, trong khi không phải giao cắt nào trên đường cũng có đèn
báo thời gian cho tín hiệu đèn giao thông. Vậy khi điều khiển xe tới gần
vạch dừng đỗ, nếu tín hiệu hiệu đèn giao thông chuyển sang đèn vàng thì
tôi làm sao có thể xử lý kịp? Nhất là khi ngồi trong xe ô tô, tầm quan
sát sẽ không tốt như ngồi trên xe mô tô, phanh gấp thì rất dễ dẫn tới
tình trạng xe đi sau không kịp xử lý và xảy ra va chạm với xe đi trước,
nếu cố vượt qua thì lại bị phạt. Liệu quy định phạt người vi phạm vượt
đèn vàng có phù hợp?”.
Phạt
tiền tới 400.000 đồng đối với xe mô tô, tới 2.000.000 đồng đối với xe ô
tô với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (bao
gồm cả đèn vàng). Đây sẽ là mức phạt được thực hiện theo Nghị định
46/2016 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định
số 107/2014/NĐ-CP), kể từ ngày 1/8 tới đây.
Luật
Giao thông đường bộ tại Khoản 3, Điều 10 quy định; người tham gia giao
thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu
đèn giao thông. Quy tắc cụ thể như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi.
- Tín hiệu đỏ là cấm đi.
-
Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi
quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy
là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho
người đi bộ qua đường. Tuy Luật quy định như vậy, thế nhưng tại nước ta,
không ít người tham gia giao thông vẫn cho rằng, đèn vàng là vẫn được
di chuyển.
Lý giải cho
thói quen “vượt đèn vàng”, anh Phạm Hữu Thắng, sống tại quận Hai Bà
Trưng – Hà Nội cho biết: “Đèn vàng thường có thời gian từ 3 đến 5 giây
trước khi chuyển sang đèn đỏ. Trước đây tôi cho rằng, đây là khoảng thời
gian chuyển tiếp, để người tham gia giao thông có thời gian giảm tốc
độ, dừng trước vạch kẻ đường. Giả sử như đã đến quá gần vạch kẻ đường
thì cũng có thể để ý quan sát xe cộ từ các chiều giao thông khác để di
chuyển thận trọng hơn. Ngoài ra, tôi thấy cứ đến sau 22h là đèn tín hiệu
giao thông chuyển sang nhấp nháy màu vàng, đây cũng là lý để nhiều
người tham gia giao thông cho rằng, đèn vàng là vẫn được vượt qua
đường”.
Đồng quan điểm với
anh Thắng, anh Thái Doãn Bình, lái xe tại doanh nghiệp Quảng cáo Trẻ Hà
Nội chia sẻ: “Vượt đèn đỏ là lỗi cố tình vi phạm, không chấp hành đèn
tín hiệu giao thông. Với lỗi này, đương nhiên nên xử phạt nặng. Tuy
nhiên, việc chuyển đèn tín hiệu từ xanh sang vàng chỉ có 3 giây, 3 giây
nhưng với khoảng cách 5 mét và tốc độ 30 km/giờ mà phanh gấp thì rất dễ
dẫn tới tai nạn, nhất là khi khu vực đó không có đèn báo thời gian
chuyển tín hiệu. Tôi cho rằng, trong khi hệ thống đèn tín hiệu giao
thông ở nước ta chưa được đầu tư đồng bộ (chưa hoàn toàn có đèn tín hiệu
báo thời gian ở mọi nơi), cộng thêm ranh giới vi phạm giữa việc vượt
đèn vàng và không vượt đèn vàng rất khó xác định, thì không nên đánh
đồng mức phạt vi phạm giữa việc vượt đèn đỏ và vượt đèn vàng như trong
Nghị định”.
Trên
thực tế, hiện nay tại nhiều giao lộ, đèn tín hiệu giao thông không được
trang bị đồng hồ đếm ngược, đèn vàng cũng chỉ xuất hiện trong thời gian
rất ngắn, nên người tham gia giao thông rất khó có thể xác định được
khi nào đèn từ xanh chuyển sang vàng để điều chỉnh tốc độ di chuyển cho
phù hợp và kịp dừng lại trước vạch dừng. Tuy nhiên, có thể thấy, tình
trạng cố tình vượt qua đường khi tín hiệu đèn vàng đã bật của người tham
gia giao thông diễn ra thường xuyên, ở nhiều nơi. Việc này gây ra không
ít những bất cập mà mặt trái của nó là nhiều vụ va chạm, tai nạn giao
thông diễn ra ngay thời điểm giao thoa của tín hiệu đèn giao thông giữa
hai chiều đi.
Đồng tình với
nội dung trên trong Nghị định 46/2016, bác Tạ Văn Quân, sống tại Hoàng
Mai – Hà Nội chia sẻ: "Đèn vàng là để người tham gia giao thông chạy
chậm lại rồi dừng khi đèn sang đỏ. Nếu là người có ý thức thì chắc chắn
họ sẽ dừng lại khi có tín hiệu đèn vàng, còn không thì cố tình vượt, mà
một khi cố tình vượt thì có thể sẽ xảy ra tai nạn. Sẽ không còn những
trường hợp người dân thấy đèn vàng là cố tăng tốc để vượt, như vậy rất
nguy hiểm. Tôi cho rằng, việc phạt người đi xe vượt đèn vàng sẽ giúp
người khác an toàn hơn khi lưu thông trên đường”.
Trao
đổi cùng phóng viên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, đoàn Luật sư TP Hà Nội –
Công ty luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp – cho biết: “Tín
hiệu đèn vàng có tác dụng bổ trợ cho đèn đỏ, qua đó để các phương tiện
tham gia giao thông nhận biết, giảm tốc độ trước khi dừng hẳn ở đèn đỏ.
Tuy nhiên, ở nước ta, tín hiệu đèn vàng thường kéo dài không lâu trước
khi chuyển sang đèn đỏ. Như vậy, có 2 trường hợp đối với đèn vàng:
Trường hợp thứ nhất là, người tham gia giao thông đã thấy tín hiệu đèn
vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu vượt qua tín hiệu đèn vàng
thì lúc này được xem là vượt đèn vàng, có thể bị xử phạt theo quy định
mới; trường hợp thứ hai là, vừa qua vạch dừng thì tín hiệu giao thông
chuyển sang vàng, lúc này người điều khiển phương tiện giao thông được
phép đi tiếp, không có sự vi phạm nào”.
Việc
phân biệt giữa 2 trường hợp này có hay không có sự vi phạm tưởng chừng
dễ dàng nhưng trên thực tế, ranh giới giữa chúng rất mong manh. Các nhà
làm luật đang có sự đánh đồng tín hiệu đèn vàng và đèn đỏ là một, dẫn
tới việc áp dụng quy định này là chưa thực sự khả thi.
Ngoài
ra, luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho rằng, hạ tầng giao thông tại nước
ta còn nhiều hạn chế. Luật quy định về việc vượt đèn vàng sẽ bị phạt là
nhằm để tránh xảy ra trường hợp người tham gia giao thông cố tình vượt
qua trong lúc giao thoa giữa đèn vàng và đèn đỏ là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, cũng do những hạn chế trong hạ tầng giao thông, không phải
hầu hết các trụ đèn tại các nút giao thông đều có trang bị đèn tín hiệu
báo thời gian chuyển tín hiệu. do đó, việc chấp hành theo tín hiệu đèn
giao thông của người đi đường cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với
quy định trên./.
Bài, ảnh: Vũ Hoàng
http://dangcongsan.vn/tieu-diem/xu-phat-vuot-den-vang-ranh-gioi-mong-manh-400487.html