Theo quy định của
pháp luật, người mua, thuê mua nhà ở và chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí
bảo trì (tạm gọi là quỹ bảo trì) phần sở hữu chung của nhà chung cư khi
tòa nhà bắt đầu được đưa vào hoạt động. Số tiền này được tính trên tổng
giá trị hợp đồng mua nhà mà người mua nhà chung cư phải đóng cho chủ
đầu tư khi ký kết hợp đồng mua bán hoặc khi nhận bàn giao nhà. Khoản phí
này được thể hiện rõ trên hợp đồng mua bán và được tạm giữ bởi chủ đầu
tư. Cho đến khi thành lập Ban quản trị nhà chung cư, quỹ bảo trì chung
cư sẽ được chủ đầu tư bàn giao và được quản lý bởi Ban quản trị nhà
chung cư. Quỹ bảo trì được sử dụng cho mục đích duy tu, bảo trì các phần
sở hữu chung của tòa nhà chung cư nếu xảy ra xuống cấp, hỏng hóc khi đã
hết hạn bảo hành.
Luật Nhà
ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015. Theo Luật định, với
khoản kinh phí trên, trong thời hạn 7 ngày, chủ đầu tư có trách nhiệm
gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm để quản lý kinh phí này và thông
báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư biết. Cũng
trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi Ban quản trị nhà chung cư được thành
lập, chủ đầu tư phải chuyển giao khoản phí bảo trì bao gồm cả lãi suất
tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo Luật định.
Tuy
nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có khá nhiều chủ đầu tư triển
khai việc bàn giao khoản phí này còn chậm trễ, thậm chí vin vào một số
lý do và khất lần không bàn giao. Vấn đề này đã gây bức xúc đối với
nhiều cư dân hiện đang sống tại một số khu căn hộ chung cư, thậm chí là
những chung cư thuộc diện “cao cấp” tại Hà Nội
Chị Lê
Thị Thúy Quỳnh, một cư dân tại tòa nhà chung cư Keang Nam – Phạm Hùng,
một trong những khu căn hộ cao cấp bậc nhất tại Hà Nội, cho biết: “Chúng
tôi đã thực hiện theo đúng tiến trình của Luật, đã thành lập Ban quản
trị chung cư từ hơn 2 năm nay, cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục quy
định. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phần “trách nhiệm” từ
chủ đầu tư trong lĩnh vực này. Ban quản trị của chúng tôi đã có đơn gửi
lên các cấp lãnh đạo, mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để mang
lại công bằng cho người dân”.
Qua trao đổi với chị Quỳnh, chúng
tôi được biết, căn hộ của gia đình chị mua ký hợp đồng trực tiếp với chủ
đầu tư. Ngoài ra, chị thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đóng phí bảo trì
2% trước khi nhận nhà tại đây. Có thể thấy, mặc dù là một trong những
khu căn hộ cao cấp tại Hà Nội, thế nhưng mức độ hài lòng của người dân
sống tại đây vẫn là "vấn đề" đáng quan tâm.
Trước
đó, trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, ông Nguyễn Văn Cẩn - Trưởng
Ban quản trị tòa nhà cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã rất nhiều lần đấu
tranh, thậm chí chính quyền địa phương cũng vào cuộc yêu cầu phía chủ
đầu tư là Công ty TNHH Keangnam Vina phải trả tiền quỹ bảo trì cho Ban
quản trị, nhưng chủ đầu tư khất lần không trả. Chúng tôi cho rằng, sau
ngày 1/7, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực và với chế tài bắt buộc
thì chủ đầu tư sẽ hoàn trả, nhưng càng ngóng thì càng mất tăm!".
Anh Lê
Công Tuấn, cũng là một cư dân sống tại tại tòa nhà Keangnam, chia sẻ:
“Năm 2011, tôi bỏ một số tiền lớn để mua căn hộ tại đây, mong muốn gia
đình có một cuộc sống tiện nghi, chất lượng cao. Nhưng đến thời điểm
này, qua rất nhiều những “sự cố”, tôi vô cùng thất vọng với cách làm
việc của phía chủ đầu tư. Qua Ban quản trị tòa nhà, tôi được biết, hiện
chủ đầu tư tòa nhà còn giữ của cư dân số tiền lớn, là số tiền của chúng
tôi đóng góp để bảo trì tòa nhà. Tôi hy vọng Ban quản trị tòa nhà sớm
đòi được số tiền này để đảm bảo quyền lợi cho cư dân tại đây”.
Việc
“khó khăn” đối với tiếp quản quỹ bảo trì nhà chung cư hiện nay không
phải là cá biệt. Có không ít chủ đầu tư dự án cho đến nay vẫn cố tình
“phớt lờ” các quy định của pháp luật trong việc thực hiện bàn giao khoản
kinh phí này.
Tại chung cư D11, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Tổ 4,
Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, dù Ủy ban nhân dân quận đã có Quyết
định số 4796/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 về việc công nhận Ban quản trị
chung cư. Mặc dù Quyết định được ban hành từ cách đây 3 năm, nhưng cho
tới thời điểm hiện tại, người dân sống tại chung cư D11 vẫn đang “vất
vả” với việc đi đòi chủ đầu tư tòa nhà thực hiện bàn giao khoản phí
trên. Mới đây nhất, sau những “cố gắng” để làm việc với chủ đầu tư của
tòa nhà không thành công, Ban quản trị dự án nhà cao tầng kết hợp dịch
vụ D11 Khu đô thị mới Cầu Giấy đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Nhân dân
quận Hoàn Kiếm kiện Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội - Hanco 3.
Gặp và
trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc
tế Hồng Thái và đồng nghiệp (người đại diện hợp pháp cho Ban quản trị
tòa nhà chung cư D11), Luật sư Thái cho biết, sáng 2/11, đơn
kiện đã được gửi lên Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm để khởi kiện Hanco3,
yêu cầu chủ đầu tư là Hanco3 thực hiện bàn giao quỹ bảo trì khu nhà ở
cao tầng D11. Đây cũng được ghi nhận là vụ việc lần đầu tiên cư dân sinh
sống tại các dự án nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội khởi kiện chủ đầu
tư đòi Quỹ bảo trì chung cư.
Lý giải
về việc khởi kiện của đại diện khu dân cư tại đây, Luật sư Nguyễn Hồng
Thái cho biết: Chung cư D11 được mở bán từ năm 2005 đến 2009 và được đưa
vào sử dụng từ đầu năm 2011. Trong đó, 60% căn hộ được bán sau năm 2006
và trong hợp đồng không thỏa thuận về khoản kinh phí bảo trì. Như vậy,
đối chiếu theo luật định, phía chủ đầu tư là Hanco3 phải nộp vào quỹ bảo
trì số tiền 2%, tương ứng với số m2 sàn Hanco3 bán, tương đương khoảng 5
tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều cố gắng của Ban quản trị tòa
nhà trong việc đòi quyền lợi, Ban quản trị nhà chung cư vẫn chưa nhận
được số tiền trên từ chủ đầu tư.
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Hồng
Thái cũng cho biết, ông đã nhiều lần gửi công văn, giấy mời tới Hanco3
và một số cơ quan liên quan với mong muốn được hợp tác để giải quyết sự
việc trên nhưng không nhận được phản hồi. Hiện nay, Tòa án Nhân dân quận
Hoàn Kiếm đã tiếp nhận đơn và xem xét để giải quyết vụ việc..
Một
trường hợp khác, tổ hợp chung cư N05 Trung Hòa - Nhân Chính, bao gồm 4
tòa tháp chung cư cao 25 tầng với gần 1.000 căn hộ, được Tổng công ty Cổ
phần Vinaconex đầu tư, với quy mô hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án đã chính
thức hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân từ năm 2012. Theo đại diện
ban quản trị chung cư, khoản quỹ bảo trì tại đây được xác định khoảng
70 tỷ đồng, ban quản trị cũng đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu phía bên
chủ đầu tư bàn giao khoản quỹ trên. Thế nhưng, cho đến nay, người dân
sống tại đây vẫn chưa nhận được khoản quỹ bảo trì trên để thực hiện việc
duy tu, sửa chữa.
Chị Trần Thúy Nga – cư dân nhà 25T2 cho biết:
“Tại rất nhiều cuộc họp, ban quản trị tòa nhà đã đề nghị phía Vinaconex
phải trả lại cho chúng tôi quỹ bảo trì. Hiện nay, sau 3 năm sử dụng,
tòa nhà đã có nhiều hạng mục đang xuống cấp, nhưng chúng tôi vẫn chưa
nhận được quỹ bảo trì để duy tu, sửa chữa”. Được biết, đại diện phía bên
Vinaconex cũng đã có văn bản trả lời cho việc “chậm trễ” này. Tuy vậy,
cho đến nay, khoản quỹ trên vẫn chưa được bàn giao cho ban quản trị
chung cư N05.
Thời
gian gần đây, nhà chung cư được sử dụng khá phổ biến tại những thành phố
lớn, có mật độ dân cư cao. Điều này góp phần tích cực vào việc giải
quyết chỗ ở cho người dân, cũng như mang lại nét văn hóa sinh hoạt văn
minh, hiện đại.
Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư "nhập nhèm” trong
việc bàn giao và sử dụng khoản quỹ này thời gian gần đây đang gây ra
những bức xúc đối với bộ phận cư dân sống tại những toà nhà chung cư.
Người dân hy vọng, với sự nghiêm minh của pháp luật và sự ra tay của các
cơ quan quản lý, cơ quan giám sát thực thi pháp luật và sự phản ánh của
các phương tiện thông tin đại chúng, hiện tượng sai trái của các
chủ đầu tư sẽ sớm giải quyết được dứt điểm./.