Như chúng ta đã biết hoạt động bán hàng rong là hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lưu động, mang tính chất thường xuyên. Đặc biệt tại các thành phố lớn, chúng ta bắt gặp hình ảnh này tràn lan trên các vỉa hè, trước các quán xá,cửa hàng... Vậy người bán hàng rong thực chất có được coi là thương nhân hay không. Nếu là thương nhân họ có phải nộp loại thuế nào hay không?
Trước tiên, chúng ta cần phải làm rõ quy định của pháp luật để giải thích khái niệm Thế nào là thương nhân?
Thương nhân là chủ thể thực hiện hành vi thương mại bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Căn cứ theo khoản 1, điều 6, luật thương mại 2005.
Cá nhân buôn bán hàng rong là người tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của chính họ.Công việc của họ mang tính thường xuyên,liên tục ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, không có tính chất chuyên môn nghề nghiệp. Tính chất chuyên môn nghề nghiệp ở đây được hiểu là sự tận tụy, gắn bó với công việc và thực hiện không phải vì cái lợi ích cá nhân mà vì những mục tiêu chung cho xã hội.
Chính vì vậy, người bán hàng rong không thể được coi là thương nhân.
Cũng căn cứ theo quy định tại điều 5, VBHN01/2016 quy định về thuế giá trị gia tăng thì hoạt động buôn bán hàng rong không thuộc đối tượng chịu thuế. Đây có lẽ là sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với các đối tượng buôn bán nhỏ lẻ trong xã hội. Bởi các công việc này thực chất thu nhập không đáng kể và chủ yếu là để trang trải, đáp ứng cuộc sống hàng ngày cho họ và gia đình.