Công ty luật Hồng Thái có những bàn luận về vấn đề đang mang tính cạnh tranh giữa 2 loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô giữa Taxi truyền thống và Taxi công nghệ.
1.. Taxi Vinasun (Taxi truyền thống) dán decal sau xe phản đối Uber và Grap (Taxi công nghệ)
Đây là vụ việc điển hình về sự cạnh tranh giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh hiện đại, có ứng dụng công nghệ.
Liệu đây có phải thuộc trường hợp cạnh tranh không lành mạnh? Có phải thuế thất thu đối với mô hình kinh doanh mới này không?
Theo kinh nghiệm lâu năm và chuyên môn của bản thân thì tôi cho rằng việc phản đối này mang tính chất cảm tính không có căn cứ, xâm phạm đến uy tín cá nhân và tổ chức. Nếu một số hãng taxi truyền thống cố tình đưa thông tin sai sự thật qua các băng rôn về việc Uber, Grab có sự thất thu thuế hay trốn thuế nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh thì hành vi này vi phạm Điều 43 Luật cạnh trạnh “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử lý theo Điều 177 Luật cạnh tranh về các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh….
2. Liệu có sự mất công bằng trong vấn đề quản lý thuế?
- Grab, Uber nộp thuế theo tỷ lệ doanh thu
Trước những ý kiến cho rằng chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống. Bộ Tài chính đã khẳng định, Pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất về mức thuế suất, về điều kiện ưu đãi đầu tư, chế độ miễn, giảm thuế giữa các loại hình doanh nghiệp.
Do công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế. Vậy nên, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan sẽ được tính theo phương pháp tỷ lệ trên doanh thu tính thuế. Cụ thể, tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%, tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 2%.
- Đối với tổ chức là DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan).
- Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải thì nghĩa vụ thuế như sau: Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3% và tỷ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên doanh thu được hưởng là 1,5%.
Do đó, việc xác định nghĩa vụ thuế của Grab cũng áp dụng theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.
Taxi truyền thống nộp thuế GTGT 10%
Trước đề nghị của một số doanh nghiệp taxi truyền thống được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay.
Về thuế GTGT, pháp luật thuế hiện hành đã quy định: Đối với phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải là 10%, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào.
Do vậy, khi xác định thuế GTGT phải nộp doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT của các chi phí đầu vào như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định... Ngoài ra, theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 thì thuế suất thuế GTGT dần được quy về áp dụng thống nhất 10%, thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu và thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu.
Do vậy, kiến nghị “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.
3. Giải quyết xung đột sẽ được giải quyết như thế nào?
Taxi Truyền thống: Cần có sự nhạy cảm trong việc đánh giá sự phát triển của Khoa học công nghệ. Cũng cần phải có phương tiện quảng bá mô hình kinh doanh của hãng taxi truyền thống, tạo tính cạnh tranh lành mạnh.
4. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật?
Đây chỉ là giai đoạn thí điểm, đánh giá việc nên hay không nên cho thí điểm loại hình kinh doanh này, cần rà soát lại xem có sự mất công bằng trong việc kinh doanh 2 loại mô hình kinh doanh này để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Việc về quản lý thuế thì cơ quan nhà nước đã có việc quản lý rõ ràng, áp dụng đối với các doanh nghiệp có kinh doanh vận tải bằng ô tô. Còn đối với Logo, phù hiệu Bộ GTVT sai phạm trong việc không quản lý logo nhận diện của phương tiện tham gia thí điểm, vì đã giao cho các công ty sở hữu phần mềm như Uber, Grab tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện nên các hãng Taxi truyền thống cảm thấy cho rằng việc đó không công bằng theo quy định pháp luật, nên Cơ quan Nhà nước cần có quyết định hoặc chính sách rõ ràng trong việc quản lý 2 loại mô hình kinh doanh công nghệ này.
Theo thông tin tôi được biết, Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 3/10, nói về kiến nghị dừng thí điểm Uber, Grab của Hiệp hội taxi Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết theo phân cấp thì UBND sẽ chịu trách nhiệm phát triển, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có quản lý về quy hoạch phát triển hạ tầng, lưu lượng xe. Do đó, quyết định dừng hay tiếp tục thí điểm Uber, Grab sẽ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP TRÂN TRỌNG!
Luật sư tư vấn Luật Thuế, gọi: 19006248
Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006248 hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com
Trụ sở chính:
LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân)
Trân trọng!