Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật Hồng Thái. Trường hợp của bạn Luật sư xin được tư vấn như sau:
Căn cứ theo Khoản 29, Điều 3, Luật đất đai 2013 có giải thích như sau về khái niệm Hộ gia đình sử dụng đất:
“29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”
Do đó, bố mẹ bạn, 5 anh em nhà bạn và vợ con người anh cả được coi là hộ gia đình sử dụng đất bởi khi được nhà nước cấp đất, mọi người đã sinh sống trên đây và có quan hệ hôn nhân, huyết thống. Những người này sẽ có quyền sử dụng đất và có quyền quyết định vấn đề liên quan đến mảnh đất này.
Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 2, Điều 212, Bộ luật dân sự 2015, quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình
“2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”
Dựa vào những điều luật trên chúng tôi xác định khi anh cả bạn muốn chuyển quyền sử dụng đất sang tên anh ấy thì cần có sự thỏa thuận của những người trong gia đình. Cụ thể là cần có sự đồng ý của bố mẹ bạn và 5 anh em trong gia đình bạn.
Vì vậy, việc chị tự ý chuyển nhượng là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể gửi đơn lên UBND xã nơi có mảnh đất để được hòa giải, nếu hòa giải không thành thì sẽ đưa đơn lên Tòa án giải quyết (do gia đình bạn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên căn cứ theo Khoản 1, Điều 203, Luật đất đai 2013, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai).
Tuy nhiên, để việc giải quyết được đúng theo mong muốn của bạn, bạn cần chứng minh được:
– Việc anh cả bạn tự ý chuyển nhượng mà chưa có sự đồng ý của bố mẹ bạn. Cụ thể, bạn yêu cầu anh bạn trình văn bản chuyển nhượng của bố mẹ; nếu anh bạn bảo bố mẹ chuyển nhượng bằng lời nói thì yêu cầu có người làm chứng.
Về việc chia thừa kế đất đai khi không có di chúc
Khi bố mẹ bạn chết không có di chúc, phần đất thuộc tài sản của bố mẹ sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Cụ thể sẽ chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất, căn cứ theo Khoản 1, Điều 651, Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Do đó, 5 anh em bạn sẽ được chia đều mảnh đất đó theo quy định của pháp luật.