Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế mà chúng ta phải đóng góp vào Ngân sách nhà nước. Khoản đóng góp này là một số tiền cụ thể được trích ra từ thu nhập cá nhân của mỗi người. Đây là nhiệm vụ, đồng thời là nghĩa vụ mà mỗi công dân đang trong độ tuổi lao động phải thực hiện. Tương tự, trong các giao dịch bất động sản, cụ thể là mua bán, chuyển nhượng nhà ở, cả hai bên bán và mua sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đó là đóng thuế cho nhà nước. Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp thực hiện chuyển nhượng bất động sản đều phát sinh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, trường hợp nào chuyển nhượng bất động sản sẽ được miễn thuế? Liệu người khuyết tật có được miễn thuế khi giao dịch về đất không?

Hiện nay,
pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể về việc nộp thuế thu nhập cá nhân khi
thực hiện các giao dịch mua bán hay chuyển nhượng bất động sản. Khi chuyển nhượng
nhà đất thì người bán có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, có 02
trường hợp được miễn thuế khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất.
Trường hợp 1: Trường hợp giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất được
thực hiện giữa những người có cùng quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.
Khoản 1 Điều
3 Thông tư 111/2013/TT-BTC chỉ rõ, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa
vợ với chồng, giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; giữa
mẹ chồng, cha chồng với con dâu; giữa bố vợ, mẹ vợ với con rể; giữa ông nội, bà
nội với cháu nội; giữa ông bà ngoại với cháu ngoại; giữa anh chị em ruột với
nhau thì được miễn thuế TNCN.
Trường hợp 2: Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Thuế
thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi 2012) và Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC,
thu nhập từ chuyển nhượng nhà đất trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất
ở duy nhất thì được miễn thuế TNCN. Tuy nhiên, để được miễn thuế theo quy định
trên thì cá nhân đó phải đồng thời đáp ứng 3 điều kiện sau:
Thứ nhất, tại thời điểm chuyển nhượng,
cá nhân đó chỉ có quyền sở hữu 1 nhà ở hoặc quyền sử dụng 1 đất ở. Việc xác định
quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nếu vợ chồng có chung
quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và đó cũng là nhà đất chung duy nhất của
cả 2 vợ chồng, tuy nhiên một trong 2 người họ lại có nhà ở, đất ở riêng, thì
khi chuyển nhượng nhà/đất ở chung, vợ hoặc chồng chưa có nhà ở, đất ở riêng sẽ
được miễn thuế; vợ hoặc chồng có nhà ở, đất ở riêng không được miễn thuế.
Thứ hai, cá nhân đã sở hữu nhà, đất
tối thiểu 183 ngày. Theo đó, thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng
nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng phải tối thiểu là 183 ngày. Thời
điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở là ngày cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Đối với trường
hợp được cấp lại, cấp đổi theo quy định của pháp luật về đất đai thì thời điểm
xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở được tính theo thời điểm cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất trước khi được cấp lại, cấp đổi.
Thứ ba, cá nhân chuyển nhượng
toàn bộ nhà ở, đất ở. Tức là nếu cá nhân có quyền hoặc chung quyền sở hữu nhà,
quyền sử dụng đất ở duy nhất, nhưng chỉ chuyển nhượng một phần thì không được
miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.
Khi đáp ứng
đủ cả 3 điều kiện trên, người mua sẽ được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng ngôi
nhà hoặc thửa đất duy nhất. Tuy nhiên, để chứng thực việc tài sản đó là duy nhất,
bạn sẽ phải kê khai với cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với những gì
mình kê khai. Trường hợp phát hiện kê khai sai thì bạn sẽ không được miễn thuế
và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua việc
phân tích các quy định pháp luật ở trên ta thấy. Mặc dù người khuyết tật là những
đối tượng gặp khó khăn trong lao động, sinh hoạt, học tập, họ được hưởng rất
nhiều những chính sách hỗ trợ của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, theo như quy định
pháp luật về thuế hiện nay thì chỉ
có 02 trường
hợp được miễn thuế khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Nếu người khuyết tật
không thuộc 02 trường hợp nêu trên thì sẽ được không miễn thuế khi thực hiện
các giao dịch bất động sản.
Như vậy, trường hợp người khuyết tật có thu nhập chịu thuế mà không thuộc
trường hợp được miễn vẫn sẽ phải đóng thuế TNCN khi thực hiện các giao dịch bất động sản theo
quy định của pháp luật.