1. Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
2. Nội dung
Theo Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”.
Cả hai vợ chồng hoặc một bên (vợ hoặc chồng) đều có quyền làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn. Nếu xét thấy mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên (đơn phương xin ly hôn): bạn chủ động làm thủ tục xin ly hôn tại tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc giải quyết vụ án thì phía bị đơn có thể làm đơn xin ly hôn vắng mặt gửi tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Đơn xin ly hôn vắng mặt phải có các nội dung: bị đơn đồng ý ly hôn với nguyên đơn và nói rõ nguyện vọng về con chung, tài sản chung (nếu có); Nói rõ lý do vắng mặt và yêu cầu Tòa án Việt Nam xử vắng mặt. Cam kết sẽ không tranh chấp hay khiếu nại gì về sau. Đơn xin ly hôn vắng mặt mà bị đơn gửi cho tòa án phải được chứng thực chữ ký tại cơ quan có thẩm quyền nước sở tại và phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Thủ tục xin ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm: Đơn khởi kiện xin ly hôn hoặc Đơn xin thuận tình ly hôn (theo mẫu); Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; bản sao có chứng thực các giấy tờ như CMND, hộ khẩu; Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài: Bản sao hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy khai sinh của con và các giấy tờ về quyền tài sản (nếu có)…
Nơi nộp hồ sơ: tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi đương sự thường trú hoặc tạm trú.
Thời gian giải quyết: theo quy định của Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời gian chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn tối đa là 04 tháng, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì được gia hạn nhưng không quá 02 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kế từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn này là 02 tháng. Trong thực tiễn, thời gian giải quyết vụ án ly hôn có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn thời gian mà luật quy định tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án.
Về án phí ly hôn: theo Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án và Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/06/2012 hướng dẫn án phí, lệ phí tòa án của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì án phí ly hôn được tính theo mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức án phí ly hôn hiện nay là 200.000 đồng (nếu không tranh chấp về tài sản).
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP TRÂN TRỌNG!
Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006248 hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com
Trụ sở chính:
LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân)