1)Căn cứ pháp lý:
-Bộ luật lao động năm 2012
2)Nội dung tư vấn:
Đối với pháp luật Việt Nam:
Hiện tại pháp luật về an toàn lao động của luật Việt Nam đối với người lao động làm việc trong môi trường sử dụng robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ dừng lại những quy định về an toàn lao động như: những quy định chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong Bộ luật lao động năm 2012:
“Điều 133. Tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động
Mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.”
“Điều 138. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
b) Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;
c) Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động;
d) Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng;
đ) Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc;
e) Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.”
“2. Người lao động có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao;
b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc;
c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động.”
Ngoài ra Bộ luật lao động hiện hành cũng có những quy định về phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
“Điều 147. Kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
1. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
2. Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
3. Chính phủ quy định về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.”
Trí tuệ nhân tạo Sophia
Đứng trước thách thức đổi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà trụ cột phát triển đó là ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đưa AI sâu rộng vào các lĩnh vực có nhiều lao động làm việc.
Chính vì lẽ đó mà các nhà làm luật Việt Nam phải nhìn thấy trước được xu thế ấy và hoàn thiện pháp luật về Robot có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là Robot tham gia lao động cùng người lao động. Trước mắt thì còn quá sớm để khẳng định Robot được pháp luật thừa nhận như một người lao động. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải có những quy định về Robot, ít nhất là về mặt giải thích thuật ngữ và quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đảm bảo an toàn lao động đối với người lao động.