Nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội làm nơi giao dịch, đăng công khai rao bán các sản phẩm liên quan đến cây thuốc phiện anh túc như cây, hạt, quả, hoa anh túc,… Chỉ cần vào facebook gõ từ khóa tìm kiếm “cây anh túc” sẽ xuất hiện hàng loạt trang như “Quả tươi/hạt cây anh túc”, “Chuyên bán rượu, hoa anh túc”, “Hạt giống cây hoa anh túc”... rao bán các sản phẩm liên quan về loại cây thuốc phiện này.
Đáng chú ý, khi bấm vào các tài khoản này, còn có hàng loạt những bài đăng hình ảnh, video cụ thể các sản phẩm bán như video về cây hoa anh túc, ảnh chụp bình rượu ngâm quả anh túc, thậm chí là hạt giống, luống cây trồng hoa anh túc,…
Liên hệ với người quản lý trang facebook “Quả tươi/Hạt cây anh túc”, ngỏ ý mua thì được người này báo giá, nếu mua nguyên quả, giá 2.800.000 đồng/kg loại 35 - 40 quả có trọng lượng 1kg. Nếu mua cả cây, hoa, quả có giá 2.200.000 đồng/kg.”
Bên cạnh các loại sản phẩm tươi liên quan cây thuốc phiện, các đối tượng này còn bán kèm cả bình rượu ngâm quả cây hoa anh túc kèm lời giới thiệu sản phẩm cây thuốc phiện này khi ngâm vào những bình rượu được quảng cáo “như một loại thần dược cho nam giới với công dụng tăng cường sức khoẻ, tráng dương, uống tốt dạng như “một người khỏe hai người vui”.”
Theo lời người bán trên mạng xã hội thì mỗi bình rượu được ngâm với 7 lít rượu, tùy từng lượng quả ngâm mà giá thành khác nhau. Cũng từ lời giới thiệu rao bán của người này, công thức để ngâm một bình rượu khoảng 7 lít cần khoảng 1,5 quả anh túc, rượu mới đủ độ ngon và có tác dụng tốt.
“Bình ít quả gồm 0,5kg quả có giá 2,7 triệu/bình; bình nhiều quả gồm 1,5kg quả có giá 3,5 triệu/bình” - người quản lý trang facebook “Quả tươi/Hạt cây anh túc” cho biết.
Người này còn giới thiệu, ngoài ra nếu muốn mua quả tươi cây hoa anh túc còn nguyên mủ sẽ có giá 1,5 triệu/1kg, quả nhỏ nhỏ đều thì được khoảng từ 8 – 9 quả.”
Người bán cho biết, những khách hàng ở Hà Nội và các tỉnh thành muốn mua phải đặt cọc trước một số tiền 500.000 đồng để làm tin. Sau khi chuyển tiền cọc, hàng sẽ được gửi xuống bến xe (khách ra liên hệ để lấy) hoặc cung cấp địa chỉ nhà cụ thể hàng sẽ được gửi đến tận nhà. Khách nhận và kiểm tra hàng, rồi thanh toán nốt số tiền còn lại.
Rao bán hoa và quả cây anh túc có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm bị xử lý như thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám Đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, đoàn Luật sư TP Hà Nội, hoa anh túc có các tên gọi khác như: a phiến, á phiện, thuốc phiện, thẩu, trẩu.
Cây hoa anh túc là thành phần chính để chiết xuất lấy nhựa, sản xuất thuốc phiện (Một loại thuốc gây nghiện cực mạnh) khiến những người sử dụng nó bị gây nghiện nghiêm trọng.
Trong nhựa anh túc có chứa các thành phần như morphin, codein, narcotin, papaverin…Thuốc phiện là một chất ma túy.
Trao đổi về vấn đề việc rao bán hoa và quả hoa anh túc công khai trên mạng xã hội, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, trong cây anh túc có chứa chất ma túy, thuộc danh sách bị cấm theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc rao bán hoa và quả cây anh túc hay còn gọi là cây thuốc phiện là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội mua bán trái phép chất ma túy như sau:
“1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Mua bán với 02 người trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;
o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm n khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Do vậy, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định, việc rao bán cây hoa anh túc là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào khối lượng của việc mua bán thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt các hình phạt bổ sung: phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định hoặc tịch thu tài sản.
Nguồn: Báo Giáo dục Thời đại