Chính sách hình
sự của nước ta hiện nay đã có nhiều thay đổi theo xu hướng có lợi cho người phạm
tội. Bộ luật hình sự mới ra đời 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và có hiệu lực thi
hành từ ngày 01/01/2018 đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc
đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả trong tình hình mới, góp phần khắc
phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, lợi dụng chính sách pháp luật hình sự mới
có lợi cho người phạm tội, một số đối tượng phạm tội đã cấu kết với một số cán
bộ y tế lập các hồ sơ bệnh án giả tâm thần nhằm trốn tránh sự trừng phạt của
pháp luật. Điều này đã gây khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử
đối với các bị can, bị cáo phạm tội, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội đặc
biệt nghiêm trọng như: Giết người, mua bán, vận chuyển ma túy số lượng rất lớn...
Nhiều vụ án đã phải đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vì đối tượng có hồ sơ bệnh án
tâm thần.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người phạm tội coi bệnh
án tâm thần như “kim bài miễn tử” và làm mọi cách để có được tờ bệnh án tâm thần.

Tư vấn pháp luật 1900.6248
Thứ nhất, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm
hình sự.
Thứ hai, người phạm tội sẽ thoát án tử hình.
Thứ ba, người phạm tội sẽ không phải chấp hành hình phạt
tù.
Với những mặt lợi trên, không ít người đã bất chấp làm
giả bệnh án tâm thần nhằm mục đích trốn tránh, giảm nhẹ sự trừng phạt của pháp
luật. Những hành vi trên đều là những hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hình phạt của những hành vi trên không được quy định rõ ràng trong
quy định của pháp luật. Cùng phân tích các hình phạt có thể áp dụng cho những
người tham gia như sau:
Về hình phạt dành cho cán bộ hành nghề y có thẩm quyền
làm giả bệnh án tâm thần thì có thể bị truy cứu về tội nhận hối lộ (trong trường
hợp người này nhận tiền) căn cứ theo Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 hoặc tội lạm
dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ (trong trường hợp không có căn cứ
chứng minh người này không hoặc sẽ không nhận lợi ích từ việc trên) căn cứ theo
Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Người làm giả bệnh án tâm thần không phải người có chức
vụ, quyền hạn thẩm quyền trong công việc đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức căn cứ theo
Điều 341 Bộ luật hình sự 2015.
Về trách nhiệm của người phạm tội làm giả bệnh án tâm
thần hiện không có quy định trong luật. Tuy nhiên, việc người phạm tội sử dụng
tiền bạc để thương lượng với cán bộ y tế trong việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần thì có thể bị
truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ căn cứ theo Điều 364 Bộ luật
hình sự 2015 về tội đưa hối lộ. Tùy theo mức độ vi phạm, tái phạm sẽ có quy định
về khung hình phạt khác nhau có hành vi này.
Như vậy có thể những người tham gia việc làm giả
bệnh án tâm thần cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu trách nhiệm
trước pháp luật về hành vi này. Tuy nhiên, biết việc làm của mình là trái pháp
luật, trái đạo đức, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, làm
cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà
nước, gây ra một hậu quả xấu cho xã hội nhưng một số người vẫn bất chấp, lợi dụng
kẽ hở của pháp luật để có thể giảm nhẹ trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi này
thật đáng lên án và trừng trị theo quy định của pháp luật