Mỗi trường hợp hứa xin việc, cựu cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình đều nhận từ 70-400 triệu. Từ năm 2015-2018, ông đã lừa hơn 30 trường hợp với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
Sau khi đưa tiền cho ông Lương Duy Tuyển (SN 1976, trú tại phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới) nhưng không nhận được công việc như đã hứa, nhiều nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan chức năng cầu cứu.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an phát hiện, chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi đang là chuyên viên Phòng Tổng hợp và chính sách cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, Lương Duy Tuyển đã lừa hơn 30 người với số tiền lên đến hơn 7,5 tỷ đồng.
Những lần gặp các nạn nhân, ông Tuyển thường khoe mình làm việc ở tỉnh Quảng Bình nên có nhiều mối quan hệ, thân quen với lãnh đạo các sở ban ngành, nếu ai cần xin việc chỉ cần đưa tiền rồi viết giấy sẽ có việc trong vòng 7 ngày đến khoảng 3 tháng. Nếu không có việc, ông sẽ hoàn tiền lại.
Chưa hết, ông này còn khoe vợ mình là lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Đồng Hới nên có thể xin việc vào ngành giáo dục, chỉ cần bỏ tiền ra là có việc.
“Năm 2017, có người quen giới thiệu ông Tuyển nên chúng tôi đã đến gặp và nhờ xin việc cho con tại sân bay Đồng Hới.
Sau khi gặp mặt, ông ấy bảo chúng tôi phải đưa 350 triệu và hứa sau 3 tuần sẽ có việc. Tin lời, tôi phải đi vay nóng để chồng đủ tiền với hy vọng con có việc làm.
Ông ta nhận xong rồi chỉ viết giấy mượn tiền, chờ mãi nhưng con không có việc nên chúng tôi bắt xe về đòi lại tiền để khỏi phải trả lãi cao thì ông Tuyển hứa mãi. Đến bây giờ, ông mới chỉ trả lại 60 triệu", bà Mai Thị T. trú tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy kể.
Không chỉ bà T., ông N. V. S. ở TP Đồng Hới cũng cho biết, vì có bằng cấp chuyên môn nên em vợ muốn xin việc vào làm ở Cảng Hàng không Đồng Hới, vị trí là an ninh sân bay. Ông Tuyển đòi giá 500 triệu đồng và cả 2 bên cùng ngồi thương lượng, sau đó chốt giá 400 triệu.
Ban đầu, ông S. đưa cho ông Tuyển 200 triệu đồng, sau đó đưa thêm 2 lần tiền khác (lần thứ 2 là 30 triệu và lần cuối 15 triệu) để lo thủ tục. Một thời gian sau thấy nghi ngờ nên ông S. đến đòi lại tiền nhưng ông Tuyển liên tục hối thúc phải đưa đủ số tiền trên mới có việc.
"Thấy nghi ngờ nên tôi nhiều lần tìm gặp và đến nhà ông Tuyển đòi tiền, ông này khất xin mãi. Đến thời điểm sau đó mới chỉ trả lại 150 triệu đồng. Lúc ông Tuyển nhận tiền của tôi là tầm giữa năm 2018", ông S. nói.
Các nạn nhân phải chờ đợi hàng năm trời, nhiều người đến nhà đòi tiền đều không được trả, có người chỉ trả được vài triệu so với số tiền ông Tuyển cầm hàng trăm triệu mỗi người và ông này không hề xin được việc cho ai như lời hứa.
Tháng 3/2019, ông Lương Duy Tuyển được điều chuyển sang làm chuyên viên trung tâm hỗ trợ việc làm cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình.
Theo ông ông Trần Xuân Vinh - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì việc ông Tuyển bị điều chuyển liên quan đến năng lực chuyên môn và có nhiều chuyện "nhập nhằng" chứ không phải việc phát hiện ông Tuyển có hành vi lừa đảo.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình xác nhận, cơ quan này đã họp và đình chỉ công tác đối với ông Tuyển.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Lương Duy Tuyển về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng.
Theo quy định của Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người có chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ sẽ bị xử phạt như sau:
"Điều 354. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này."
Trong trường hợp người đó lừa đảo người khác để được nhận hối lộ thì sẽ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Như vậy hành vi nhận hối lộ hoặc lừa đẩo để nhận hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật, người pham tội sẽ bị xử lý theo pháp luật về hình sự.
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP
TRÂN TRỌNG!