Sáng nay 14-6, tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này vừa bắt giữ, khởi tố 10 bị can trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu và buôn lậu ôtô.
Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Công an Hà Tĩnh bắt giữ Trịnh Sỹ Hùng (26 tuổi, trú ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), Trần Quang Đông (28 tuổi, trú ở huyện Long Thành, Đồng Nai), Nguyễn Kim Long (39 tuổi, trú ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) về hành vi buôn lậu, làm giả giấy tờ của các cơ quan tổ chức. Mở rộng vụ án, lực lượng chức năng bắt giữ Nguyễn Hữu Sỹ (36 tuổi, trú ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh), Nguyễn Trung Kiên (42 tuổi, trú ở Hà Nội), Lê Trần Vĩnh Thịnh (25 tuổi, trú TP Đà Nẵng) và Hoàng Đức Ý (36 tuổi, trú ở Quảng Trị) về hành vi làm giả tài liệu cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả cơ quan tổ chức. Tiếp đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố đối với Nguyễn Thao (39 tuổi, trú ở tỉnh Bắc Ninh), Vũ Thế Hiệp (40 tuổi, trú ở TP Nha Trang, Khánh Hòa) và Nguyễn Đức Điệp (41 tuổi, trú ở tỉnh Bắc Ninh).
Lực lượng chức năng bước đầu xác định Trần Quang Đông (28 tuổi, trú tại xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), là nghi phạm cầm đầu nhóm đối tượng làm giả tài liệu và con dấu để cung cấp cho đường dây này. Còn Đinh Thị Vân (51 tuổi, trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), là nghi phạm cầm đầu mắt xích sản xuất BKS ôtô giả.
Theo quy định của pháp luật về hình sự, các hành vi của nhóm đối tượng trên sẽ bị xử lý như sau:
"Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 348
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."
Như vậy, với hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi buôn lậu xe hơi, thu lợi hàng tỷ đồng, các đối tượng này sẽ phải chịu hình phạt theo khoản 3 của Điều này, có khung hình phạt từ 03 đến 07 năm tù.
Đối với hành vi buôn lậu xe ô tô, thu lợi với số lượng rất lớn, các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm cho tội buôn lậu, được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
"Điều 188. Tội buôn lậu
1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm."
Như vậy, với mức độ thu lợi rất lớn, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt của khoản 4 Điều này, phải chịu hình phạt tù với khung từ 12 đến 20 năm tù.
Tổng cộng, các đối tượng phải chịu mức hình phạt từ 15 đến 27 năm tù.
Ngoài ra, các đối tượng còn phải chịu hình phạt bổ sung là hình phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 341 và khoản 5 Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài, gọi số: 1900.6248