Kiên quyết xử lý đối tượng gây rối
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích” với nhóm đối tượng hành hung nữ nhân viên phụ xe buýt tuyến số 103B Mỹ Đình - chùa Hương là hoàn toàn chính xác. Theo Khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2017 thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất côn đồ; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, Điều 245 Bộ luật Hình sự quy định về gây rối trật tự công cộng, trường hợp các đối tượng phạm tội gây rối trật tự công cộng có tổ chức, gây cản trở, đình trệ giao thông, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng… thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Đây là bài học cho những kẻ cố tình gây rối trật tự công cộng nói chung và đi ngược lại mục tiêu xây dựng văn hóa xe buýt nói riêng. Do đó, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, giáo dục, nêu gương người tốt, việc tốt để tạo thói quen ứng xử có văn hóa, cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những đối tượng gây rối để chấm dứt những hành vi tương tự xảy ra.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng, thành phố Hà Nội:
Cần sự chung tay của cộng đồng
Đến nay, mạng lưới xe buýt tại Hà Nội được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến hết năm 2019, Hà Nội dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt 20-21%. Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ nhằm thu hút ngày càng đông người dân đi xe buýt. Tuy nhiên, về văn hóa của hành khách và lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt thời gian qua vẫn còn nhiều việc phải bàn.
Qua theo dõi, hằng ngày, trên các chuyến xe buýt vẫn còn xảy ra tình trạng va chạm giữa hành khách với nhau, hành khách với nhân viên xe buýt. Một số hành khách cố tình không chấp hành nội quy xe buýt mặc dù đã được lái xe và nhân viên phục vụ nhắc nhở... Vụ việc xảy ra vừa qua trên chuyến xe buýt chạy tuyến Mỹ Đình - chùa Hương là một ví dụ. Theo tôi, để xây dựng văn hóa trên xe buýt rất cần sự tham gia của cả cộng đồng, từ đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ cho tới hành khách.
Anh Đặng Quang Hiệp, lái xe tuyến 43 Công viên Thống Nhất - Đông Anh, Công ty TNHH Bắc Hà:
Cùng nhau xây dựng văn hóa ứng xử văn minh
Trong quá trình làm nghề đã nhiều lần gặp hành khách lên xe say xỉn, nói năng thô tục hoặc nói chuyện rất to, nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở để không ảnh hưởng đến người xung quanh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hành khách cố tình không chấp hành, khiến chúng tôi phải đỗ xe lại, chỉ đến khi mọi người cùng lên tiếng can thiệp thì hành khách mới điều chỉnh hành vi của mình. Để nâng cao chất lượng phục vụ, hằng năm chúng tôi đều được tham gia các lớp tập huấn, học tập nội quy, quy chế, cách ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống. Chúng tôi luôn coi khách hàng là thượng đế, mềm mỏng xử lý, trừ khi khách hàng quá xúc phạm lái xe, nhân viên phục vụ, chúng tôi mới phải báo cáo lãnh đạo công ty, xin ý kiến giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý. Để hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra, cùng với việc tự điều chỉnh hành vi của mình, chấp hành nghiêm quy định của ngành, tôi mong rằng hành khách khi lên xe buýt cũng cần ứng xử văn minh.
Bà Nguyễn Thị Thu, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội:
Xây dựng những ứng xử đẹp trên xe buýt
Những năm gần đây, thay vì đi bằng phương tiện cá nhân, tôi đã chọn cách vào nội thành làm việc bằng xe buýt, bởi giá vé vừa rẻ, đi lại bằng xe buýt lại an toàn. Điều đáng buồn là tuy lượng người sử dụng xe buýt tăng cao nhưng không phải ai cũng ý thức được văn hóa ứng xử trên xe buýt. Nhiều hành khách nam giới, các bạn trẻ thản nhiên ngồi ghế mà không nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Nhiều trường hợp chỉ một va chạm nhỏ là sẵn sàng nổi cáu, xảy ra to tiếng.
Ngoài ra, về phía nhà xe, bên cạnh những lái xe, nhân viên phục vụ niềm nở, nhiệt tình thì vẫn còn có lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ứng xử thiếu chuẩn mực với hành khách. Mặt khác, hạ tầng giao thông quá chật chội, tiến độ thi công các công trình giao thông chậm chạp khiến hàng loạt tuyến đường nội đô ùn tắc thường xuyên, tạo áp lực lớn về tâm lý… nên cả người phục vụ và hành khách đều khó kiềm chế cảm xúc, dẫn tới những hành vi ứng xử chưa đẹp. Rất mong chính quyền và các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp căn bản như nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền để góp phần nâng cao văn hóa sử dụng phương tiện công cộng.
Theo Hằng Nga/ Báo Hà Nội Mới