Các hành vi như sơn, vẽ, cạo sơn xe hoặc đập kính, phá
gương, chọc lốp hay các hành vi phá hoại lên xe ô tô của người khác nếu làm hư hỏng
xe thì phải bồi thường thiệt hại, ngoài ra, còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng
đến 5.000.000 đồng do thực hiện hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
của người khác” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định
167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật
tự, an toàn xã hội.
Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn bị truy cứu
trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù
từ 6 tháng đến chung thân khi gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới
2.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về
hành vi này hoặc đã bị kết án về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Đối với hành vi khóa xe của người khác, cũng có thể bị phạt
với mức phạt tương tự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167
nêu trên hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3
tháng đến 5 năm khi chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10.000.000 đồng
trở lên theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, việc xử phạt hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối
với các hành vi phá hoại xe chỉ được thực hiện khi có các căn cứ, bằng chứng cần
thiết. VD như hình ảnh, video quay lại cảnh phá hoại hoặc lời khai của người
làm chứng … Nếu việc phá hoại xe được thực hiện ở nơi kín đáo, không ai thấy hoặc
không có phương tiện kỹ thuật quay chụp lại được, thì chủ xe khó có thể xác định
được ai là người trực tiếp phá hoại để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
