Tiếp
viên Nguyễn Bích Ngọc (phải)
Ngày 15/4 theo thông tin đăng tải trên nhiều tờ báo,
tiếp viên hàng không Vietnam Airlines Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi) bị tình nghi
mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm đã được thả, vì các bằng chứng thu thập đến
nay chưa đủ, công tác điều tra vẫn tiếp tục.
Liên quan đến việc việc nữ tiếp viên hàng không được
trả tự do, PV Thời báo Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sỹ
Nguyễn Hồng Thái - Công ty Luật TNHH Đào và Đồng nghiệp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Thái phân tích:
“Thứ nhất: Theo nguyên tác suy đoán vô tội:
- Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ
thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình
sự và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa.
Hình phạt là do tòa quyết định. Một người sẽ không phải chịu hình phạt nếu
trong bản án kết tội của tòa đối với người đó tuyên miễn hình phạt.
- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan
điều tra, VKS. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình
vô tội.
- Buộc tội phải dựa trên chứng cứ. Bản cáo trạng của
VKS và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về
lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Mọi nghi ngờ về lỗi của
bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục luật định và
khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật
đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ.
Thứ hai: Tất cả nghĩa vụ chứng minh thuộc cơ quan điều
tra
Vì vậy, Khi chứng cứ yếu, chứng cứ thiếu và tất cả những
nghi ngờ thiếu căn cứ sẽ không thể coi là bằng chứng buộc tội.
Thứ ba: Tiếp viên hàng không khai không hề biết sự việc
trộm cắp. Không biết thì không có tội. Nếu tiếp viên Ngọc biết việc ăn cắp thì
đương nhiên Ngọc đã bị xét xử tại Nhật rồi.
Thứ Tư: Nếu phía Nhật Bản có đủ căn cứ mà chuyển căn cứ
đó sang Việt Nam thì Việt Nam vẫn xét xử theo quy định Người mang quốc tịch Việt
Nam trộm cắp ở nước ngoài (vai trò đồng phạm) và bị xử lý kỷ luật theo Thông tư
46/2013/TT-BGTVT ngày 25/11/2013 của Bộ Giao thông vận tải về chế độ kỷ luật
lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không.
Trường hợp nếu chỉ là những nghi ngờ mà không có đầy đủ
chứng cứ buộc tội nào thì không một cơ quan nào có quyền đưa ra bất kỳ hình thực
kỷ luật nào đối với các tiếp viên trên.”
Trước đó, Tờ Sankei Shimbun và Yomiuri Shimbun của Nhật
ngày 26/3 đồng loạt đăng tin cảnh sát nước này bắt giữ nữ tiếp viên 25 tuổi của
Vietnam Airlines Nguyễn Bích Ngọc. Theo đó, người này bị nghi ngờ vận chuyển 21
món hàng quần áo ăn cắp, trị giá khoảng 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng),
trên một chiếc xe bus dành riêng cho đoàn bay từ khách sạn ở Osaka đến Sân bay
Quốc tế Kansai, tháng 9 năm ngoái.
Cô bị cáo buộc là có ý định buôn lậu quần áo ăn cắp
theo đặt hàng của một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi sống ở Nhật.
Ngoài ra, tiếp viên Ngọc còn bị cáo buộc được trả tiền
hoa hồng để mang đồ ăn cắp cho các hãng hàng không khác.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam
đã yêu cầu đình chỉ công tác các nhân viên của Vietnam Airlines có liên quan đến
vụ việc theo quy định của Bộ giao thông vận tải về chế độ kỷ luật lao động đặc
thù đối với nhân viên hàng không.
Mặt khác, Cục yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá
nhân và tổ chức liên quan vụ việc. Nhân viên có các hành vi như: trộm cắp, buôn
lậu, vi phạm hình sự,... sẽ không được sử dụng lại.
Người phát ngôn của Tổng công ty Hàng
không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc, người
bị tình nghi vận chuyển hàng hóa ăn cắp về Việt Nam, đã được phía Nhật Bản thả.
Tuy nhiên thông tin này ông cũng mới chỉ biết qua báo chí, chứ phía Nhật Bản
chưa có thông báo cho Vietnam Airlines.
Cho đến chiều qua, Nguyễn Bích Ngọc chưa về đến Việt Nam,
nên phía Vietnam Airlines chưa thể có thông tin chính thức.
Sau khi bị bắt hồi tháng 3 vừa qua, nữ tiếp viên Nguyễn
Bích Ngọc của hãng Hàng không Vietnam Airlines đã phủ nhận cáo buộc và khẳng định
“không biết rằng đó là hàng hóa ăn cắp”.
Mọi thông tin phản hồi, đóng góp bài viết cho Góc luật
sư trên Thời báo Đông Nam
Á xin vui lòng gửi về địa chỉ phapluat@seatimes.vn. Trân trọng cảm ơn!