Liệu người trong tình trạng “ngáo đá” thực hiện hành vi phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không hoặc có được miễn, giảm trách nhiệm hình sự không?
Chiều 11/9, Công an TP Tam Kỳ xác nhận thông tin bắt Nam để
điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Trước đó, vào 7h cùng ngày, cụ bà
Doãn Thị Kiện (73 tuổi, ngụ phường An Mỹ, TP Tam Kỳ) đang lau dọn đồ trong nhà
thì bất ngờ bị Nguyễn Duy Nam (40 tuổi, trú phường An Xuân, TP Tam Kỳ) xông vào dùng dao đâm một nhát vào vai.
Nghe tiếng la hét, người dân gần đó chạy đến và phát hiện cụ
bà nằm bất động dưới nền nhà, trên người bê bết máu. Cụ Năm sau đó được người dân đưa tới bệnh viện cấp cứu vì vết
thương sâu ở bả vai.
Theo người dân trong khu vực, sáng cùng ngày, Nguyễn Duy Nam
có biểu hiện nghi “ngáo đá” nên gặp ai cũng chửi bới, quậy phá.
Trước khi xông vào nhà đâm cụ Năm, Nguyễn Duy Nam đi lang
thang ngoài đường và xảy ra va chạm giao thông với người khác. Tuy nhiên, vì đối
tượng này quá hung hăng nên không ai dám can thiệp.
(Nguồn: Dân trí)
Có thể thấy, tình trạng “ngáo đá” dẫn
đến sinh ảo giác, không làm chủ được hành vi dẫn đến việc vi phạm pháp luật
liên tục xảy ra. Đáng báo động là đối tượng sử dụng loại ma túy này chủ yếu là
thanh thiếu niên và đang phát triển theo chiều hướng gia tăng. Điển hình như sự
việc nêu trên, câu hỏi đặt ra là liệu người trong tình trạng “ngáo đá” thực hiện
hành vi phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không hoặc có được miễn, giảm
trách nhiệm hình sự không?
Ngáo đá là hiện tượng xảy ra khi sử dụng
ma túy đá gây ra tình trạng hoang tưởng ảo giác như ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị
hại, bị giết, nhìn thấy quái vật. Đây là tình trạng rất nguy hiểm bởi nó chi phối
hành vi, mất khả năng điều khiển hành vi của mình và có thể gây nên bất cứ hành
vi mất kiểm soát nào. Căn cứ Điều 13 Bộ Luật hình sự 2015 quy định như sau:
“Người phạm tội trong
tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do
dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm
hình sự.”
Như vậy, người trong tình trạng “ngáo
đá” có hành vi phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, tình trạng
mất khả năng điều khiển hành vi do sử dụng ma túy đá không được coi là tình tiết
giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Chính vì vậy,
người nào thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” vẫn phải chịu
trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình đã gây ra theo pháp luật quy định.
Quay lại vụ việc nêu
trên, ngày 21/09, Công an TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT vừa tống
đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với
Nguyễn Duy Nam về hành vi “cố ý gây thương tích” để điều tra, làm rõ. Vậy pháp
luật điều chỉnh như thế nào về hành vi “cố ý gây thương tích”?
Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, theo đó, các yếu tố
cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích được xác định như sau:
- Khách thể của tội cố ý gây thương tích: chính là quyền được
pháp luật bảo vệ về sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ, bị kẻ phạm tội
xâm phạm.
- Mặt khách quan của tội cố ý gây thương tích:
+ Hành vi khách quan: Gây thương tích, tổn hại sức khỏe của
người khác, là hành vi nguy hiểm cho xã hội trái với quy định pháp luật
+ Công cụ, phương tiện gây thương tích: Có thể là dao, kiếm,
súng, đạn, vật sắc nhọn,... tùy vào cách thức sử dụng có thể xác định được đó
là hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người.
+ Vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích: Trên
thực tế khi muốn tước đoạt sinh mạng của ai đó thì người phạm tội sẽ tấn công
vào những nơi xung yếu trên cơ thể như: vùng đầu, vùng ngực, vùng cổ, vùng bụng…kết
hợp việc sử dụng công cụ, phương tiện nếu là công cụ, phương tiện ít nguy hiểm,
cùng với việc tấn công vào những nơi được coi là không xung yếu trên cơ thể, có
thể xác định là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe mà không phải
là hành vi giết người.
+ Mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công: Nếu cường độ tấn
công không mạnh và những vị trí tấn công không xung yếu, không nhằm tước đi
sinh mạng của nạn nhân, khi đó sẽ không xác định là hành vi giết người mà là
hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
+ Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội cố ý gây thương tích
hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác thể hiện ở tỷ lệ thương tật ( tỷ lệ %)
mất sức lao động của nạn nhân. Do đó, tùy vào tỷ lệ thương tật mà người phạm tội
gây nên có thể chịu những khung hình phạt khác nhau.
- Chủ thể của tội phạm: là người đã có lỗi cố ý trong việc thực
hiện hành vi cố ý gây thương tích, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi
chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
- Mặc chủ quan của tội phạm: Người phạm tội mong muốn gây ra
thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006248 hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com
Trụ sở chính: LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân).
Phạm Vân.