BỘ TÀI CHÍNH
-----
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 72/2008/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2008
|
HƯỚNG DẪN THỰC
HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/2008/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VẬN
ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ NHÂN
DÂN KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, HOẢ HOẠN, SỰ CỐ NGHIÊM TRỌNG, CÁC BỆNH
NHÂN MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ về vận động,
tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc
phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc
bệnh hiểm nghèo;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điểm như sau:
1. Phạm vi áp dụng
1.1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện những nội dung liên quan trong việc
tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện
hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng,
các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
1.2. Các khoản kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương,
hỗ trợ từ ngân sách các địa phương khác cho các địa phương bị thiên tai, hoả
hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới
trong phạm vi ngân sách địa phương; các khoản hỗ trợ bằng hiện vật từ Dự trữ
quốc gia không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư này.
2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2.1. ‘‘Ban Cứu trợ’’ là Ban vận động và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ
được thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2.2. ‘‘Cơ quan thông tin đại chúng’’ gọi tắt là các cơ quan Báo, Đài
ở trung ương và địa phương (Báo Lao động, Báo Công an Nhân dân, Báo Tuổi trẻ,
Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, …và
các cơ quan Báo, Đài ở địa phương).
2.3. ‘‘Hàng cứu trợ’’ là các sản phẩm hàng hoá bao gồm: các loại
thực phẩm, nước uống, quần áo, hàng gia dụng, thuốc chữa bệnh, sách vở, các
loại vật tư phục vụ sản xuất, sửa chữa, xây dựng các công trình phúc lợi xã
hội, sửa chữa, khôi phục nhà cửa của nhân dân bị hư hại do thiên tai.
2.4. ‘‘Tiền cứu trợ’’ là khoản tiền huy động được từ các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước đóng góp để thực hiện công tác cứu trợ đối với các địa
phương, các hộ gia đình, cá nhân bị thiên tai hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng,
bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
3. Nguyên tắc, mức đóng góp và sử dụng các
nguồn hỗ trợ
3.1. Nhà nước khuyến khích và tạo Điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong
nước, ngoài nước đóng góp để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự
cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo nguyên tắc tự nguyện
với lòng hảo tâm.
3.2. Mức đóng góp: các tổ chức, cơ quan không quy định mức đóng góp tối
thiểu để ép buộc đối với từng đối tượng tham gia đóng góp.
3.3. Việc đóng góp, hỗ trợ có thể thực hiện ở cơ quan nơi cán bộ, công chức
làm việc; đóng góp ở tổ dân phố, thôn, bản và có thể đóng góp nhiều lần.
3.4. Toàn bộ nguồn tiền và hàng cứu trợ huy động được qua cuộc vận động cứu
trợ phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng cho mục tiêu khắc phục hậu quả
thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
không sử dụng cho các mục tiêu khác.
4. Các tổ chức, đơn vị tiếp nhận, phân
phối tiền, hàng cứu trợ
4.1. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và tổ chức phân phối tiền, hàng cứu
trợ: theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ;
4.2. Riêng các tổ chức,
đơn vị sau đây thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều
9 được tiếp nhận nhưng không tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ:
a) Các cơ quan thông tin
đại chúng ở Trung ương và địa phương quy định tại Khoản 1, Điều
5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ; được tiếp nhận
tiền, hàng cứu trợ do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ các
địa phương, các nạn nhân, gia đình của nạn nhân bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố
nghiêm trọng; không tổ chức phân phối tiền, hàng cho các địa phương, cá nhân
(trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
theo địa chỉ); thực hiện giao nộp các khoản đóng góp cho Ban Cứu trợ cùng cấp.
b) Các tổ chức, đơn vị ở trung ương, địa phương (theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của
Chính phủ) được cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cho phép tiếp nhận
tiền, hàng cứu trợ thực hiện nộp các khoản đóng góp cho Ban Cứu trợ cùng cấp.
c) Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố tổ
chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng
góp, nộp các khoản đóng góp trực tiếp cho Ban Cứu trợ cùng cấp.
5. Về thành lập và nhiệm vụ của Ban Cứu
trợ và các tổ chức, cơ quan tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ
5.1. Thẩm quyền quyết định thành lập Ban Cứu trợ:
Ban Cứu trợ các cấp được thành lập theo quy định tại Điều 6,
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ.
5.2. Nhiệm vụ của Ban Cứu trợ và các cơ quan tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ:
a) Ban Cứu trợ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều
8, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ.
b) Ban Cứu trợ trực tiếp tiếp nhận các khoản đóng góp bằng tiền, kim khí
quí, đá quí, các loại vật tư, hàng hoá (gạo, mỳ ăn liền, thực phẩm, nước
uống...) và chịu trách nhiệm quản lý, phân phối kịp thời tiền, hàng cứu trợ đến
các địa phương, nhân dân các vùng bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng
đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định tại Điều 10,
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ.
c) Hướng dẫn các Đoàn cứu trợ, tổ chức, cá nhân cứu trợ làm các thủ tục
giao tiền, hàng cho Ban Cứu trợ theo quy định của Ban Cứu trợ, đảm bảo công
khai và minh bạch.
d) Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân,
gia đình nạn nhân, các đối tượng bảo trợ xã hội cần sự giúp đỡ thì Ban Cứu trợ
có trách nhiệm hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân đó chuyển trực tiếp số tiền,
hàng cứu trợ đến các đối tượng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân cứu trợ.
đ) Để tạo Điều kiện đưa nhanh hàng cứu trợ đến các địa phương và các đối
tượng cần cứu trợ, Ban Cứu trợ hướng dẫn, tạo Điều kiện để các tổ chức, cá nhân
vận chuyển hàng hoá đến Ban Cứu trợ của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của các địa
phương bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng.
6. Quy định về tiếp nhận, phân phối và sử
dụng tiền, hàng cứu trợ
6.1. Quy định về tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng tiền:
Việc tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng tiền để hỗ trợ khắc phục hậu
quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày
14/5/2008 của Chính phủ; trong đó:
a) Quy định về mở tài khoản để tiếp nhận tiền cứu trợ
- Ban Cứu trợ của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở tài khoản
tại Kho bạc nhà nước.
- Ban Cứu trợ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh mở tài khoản
tại Kho bạc nhà nước tỉnh, Ban Cứu trợ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
huyện và cấp xã mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước huyện.
- Ban Cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ các cấp, Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được mở
tài khoản tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc nhà nước.
- Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương; các tổ chức,
đơn vị được phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ được mở tài khoản ở Ngân hàng
thương mại hoặc Kho bạc nhà nước để quản lý các khoản tiền ủng hộ của các tổ
chức, cá nhân để khắc phục hậu quả trong thời gian thiên tai, hoả hoạn, sự cố
nghiêm trọng xảy ra và số tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ
trong năm; khi có phát sinh trên tài khoản này phải thực hiện chuyển vào tài
khoản của Ban Cứu trợ các cấp chậm nhất trong ngày làm việc của ngày hôm sau
đối với số tiền đóng góp, ủng hộ thu được trong thời gian phát động cuộc vận
động; và định kỳ 7 ngày nộp vào tài khoản của Ban Cứu trợ các cấp đối với số
tiền đóng góp ủng hộ phát sinh ngoài thời gian phát động cuộc vận động (các cơ
quan ở trung ương chuyển vào tài khoản của Ban Cứu trợ Uỷ ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan thuộc địa phương thì chuyển vào tài khoản
của Ban Cứu trợ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh hoặc cấp huyện).
- Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương mở sổ
chi tiết hoặc mở thêm một tài khoản để theo dõi riêng số tiền ủng hộ của các tổ
chức, cá nhân thu được qua các cuộc vận động giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh
hiểm nghèo, để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng theo địa chỉ; số tiền thu
được không phải chuyển vào tài khoản của Ban Cứu trợ các cấp.
- Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức thu tiền
cứu trợ có trách nhiệm nộp vào tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp.
b) Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại thực hiện tiếp nhận các nguồn
tiền hỗ trợ, thực hiện chi trả từ tài khoản tiền gửi của Ban Cứu trợ theo quyết
định của chủ tài khoản và không thu phí thanh toán đối với các khoản hỗ trợ.
6.2. Quy định về tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng hiện vật:
Việc tiếp nhận và quản lý nguồn cứu trợ bằng hiện vật để hỗ trợ khắc phục
hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng được thực hiện theo quy định
tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày
14/5/2008 của Chính phủ; trong đó:
a) Các tổ chức, cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng cứu trợ có trách
nhiệm tạo mọi Điều kiện và thực hiện các thủ tục giao nhận hàng theo đúng quy
định để các tổ chức, cá nhân cứu trợ đưa được hàng cứu trợ đến địa điểm giao
hàng hoặc giao hàng cứu trợ trực tiếp cho người dân, đảm bảo thuận lợi, nhanh
chóng.
b) Căn cứ Điều kiện cụ thể, Ban Cứu trợ các cấp quy định và có văn bản
hướng dẫn các đơn vị liên quan thành lập các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ trên
cơ sở Điều kiện giao thông đi lại thuận lợi; tận dụng kho chứa hàng của cơ
quan; trường hợp không có nơi tập kết hàng thuận lợi, không có kho chứa hàng
thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ thuê kho tàng, bến bãi hoặc địa
điểm, dựng lều, trại để tiếp nhận nhanh hàng cứu trợ, không để ứ đọng, ách tắc.
c) Trường hợp cần cứu trợ khẩn cấp và để giải phóng nhanh hàng hoá cứu trợ
tại điểm tiếp nhận, Ban Cứu trợ cần quyết định phân phối ngay hàng cứu trợ
thiết yếu cho các đối tượng được hỗ trợ.
d) Trường hợp cứu trợ bằng vàng, bạc, kim khí quí, đá quý thì Ban Cứu trợ
bán số vàng, bạc, kim khí quí, đá quý đó cho Ngân hàng Thương mại hoặc tổ chức
bán đấu giá và nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Cứu trợ cùng cấp.
6.3. Phân phối, sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ
a) Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp với các cơ
quan liên quan quy định tại Khoản 2, Điều 10, Nghị định số
64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ tổ chức phân phối tiền, hàng cứu
trợ cho các địa phương và nhân dân bị thiệt hại đảm bảo công bằng, minh bạch.
b) Việc sử dụng tiền, hàng cứu trợ thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 11, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày
14/5/2008 của Chính phủ.
c) Tiền, hàng hỗ trợ cho các nạn nhân, thân nhân của nạn nhân bị ảnh hưởng
của thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng v.v... phải được ký nhận trực tiếp,
đầy đủ của từng đối tượng; trường hợp vì lý do nào đó không ký nhận trực tiếp
thì người nhận phải ghi rõ là ký thay.
7. Quản lý tài chính
7.1. Tiền, hàng cứu trợ phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, ưu tiên
hỗ trợ khẩn cấp cho dân sinh nhằm ổn định cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài
cho những người bị nạn.
7.2. Các khoản chi phí phát sinh trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận
chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ được xử lý như sau:
a) Tiền thuê kho, bến bãi tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ của các đơn vị
khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh
phí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
b) Các khoản công tác phí phát sinh (tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ, tiền
mua vé phương tiện đi lại):
- Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển,
phân phối tiền, hàng cứu trợ, mà những đơn vị này thuộc đối tượng được ngân
sách nhà nước cấp kinh phí thường xuyên hoặc được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước
thì sử dụng dự toán được giao của đơn vị để chi trả. Trường hợp chi phí cho
công tác phí và các khoản chi phí khác liên quan phát sinh lớn ảnh hưởng đến
việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị thì đơn vị báo cáo cơ quan tài chính cùng
cấp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển,
phân phối tiền, hàng cứu trợ, mà những đơn vị này không thuộc đối tượng được
ngân sách nhà nước hỗ trợ thì sử dụng kinh phí của đơn vị để thực hiện.
c) Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối
tiền, hàng cứu trợ không sử dụng nguồn tiền, hàng cứu trợ tiếp nhận được để chi
trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận
chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ.
7.3. Đối với các khoản chi phí phát sinh trong việc vận động đóng góp, tiếp
nhận, vận chuyển hàng cứu trợ, chuyển tiền của các cơ quan thông tin đại chúng
để giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sử dụng bằng nguồn kinh phí của
đơn vị, không sử tiền ngân sách nhà nước để chi trả.
7.4. Nguồn cứu trợ sử dụng qua từng đợt còn dư được chuyển sang kỳ sau, năm
sau để sử dụng tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm
trọng; không sử dụng cho mục tiêu khác.
8. Chế độ báo cáo
8.1. Ban Cứu trợ cấp tỉnh thực hiện báo cáo và hướng dẫn Ban Cứu trợ cấp huyện,
cấp xã thực hiện chế độ báo theo quy định tại Khoản 1, Điều 13
Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ.
8.2. Kết thúc cuộc vận động, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
lập báo cáo kết quả cuộc vận động gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên
quan theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Nghị định số
64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ.
8.3. Kết thúc năm ngân sách, Ban Cứu trợ các cấp lập báo cáo tiếp nhận và
sử dụng kinh phí hỗ trợ, lấy xác nhận của Kho bạc nhà nước (trường hợp Ban Cứu
trợ mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước) báo cáo với cơ quan tài chính cùng cấp
số tiền, hàng thu được qua cuộc vận động; số tiền, hàng đã phân bổ; số tiền,
hàng hiện còn chưa phân bổ. Các đơn vị được hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu
quả thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng có trách nhiệm báo cáo quyết toán
kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành cho cơ quan tài chính cùng
cấp để tổng hợp ghi thu, ghi chi qua ngân sách nhà nước theo quy định của Luật
ngân sách nhà nước.
8.4. Biểu mẫu báo cáo theo phụ lục (đính kèm).
9. Quy định về thực hiện công khai các
khoản huy động đóng góp (tiền, hàng) để thực hiện cứu trợ
9.1. Các cơ quan, tổ chức thực hiện công khai:
a) Ban Cứu trợ của Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ
thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Uỷ
ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
b) Các Quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP
ngày 25/9/2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, quỹ từ
thiện.
c) Các cơ quan, tổ chức, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể cá nhân
thuộc đơn vị mình đóng góp.
9.2. Nội dung công khai:
a) Đối với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam; các Quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở trung ương: thực hiện công khai chi
tiết số tiền, hàng của từng tổ chức, cá nhân đã đóng góp; số tiền, hàng đã
chuyển cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị thiên tai, hoả hoạn, sự
cố nghiêm trọng; số tiền, hàng còn dư tại thời điểm công khai.
b) Cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các Quỹ xã
hội, quỹ từ thiện các cấp ở địa phương: thực hiện công khai chi tiết số tiền,
hàng của từng tổ chức, cá nhân đã đóng góp; số tiền, hàng đã chuyển cho các
quận, huyện; cho các xã, phường bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng; số
tiền, hàng còn dư thời điểm công khai.
c) Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện công khai đối với số
tiền, hàng ủng hộ các quốc gia khác bị thiên tai như quy định đối với tiền,
hàng cứu trợ trong nước.
d) Cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương thực hiện công
khai số tiền, hàng ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ các bệnh nhân mắc
bệnh hiểm nghèo; số tiền, hàng đã hỗ trợ; số tiền còn dư chưa sử dụng.
đ) Các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân
thuộc đơn vị mình thực hiện công khai số tiền, hàng thu được; số tiền, hàng đã
chuyển cho Ban Cứu trợ cùng cấp; số tiền, hàng còn dư tại thời điểm công khai
(nếu có).
e) Các cơ quan, đơn vị tổ chức phân phối, sử dụng tiền, hàng cứu trợ thực
hiện công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ cho các đối
tượng.
9.3. Hình thức công khai: có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức công
khai sau:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan; trang thông tin điện tử của cơ
quan (nếu có);
b) Phát hành ấn phẩm;
c) Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa
phương;
9.4. Thời điểm và thời gian công khai:
a) Thời điểm công khai: chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc vận
động (đối với các cơ quan thông tin đại chúng) và kết thúc việc phân phối tiền,
hàng cứu trợ đối với các tổ chức, cơ quan có nhiệm vụ phân phối tiền, hàng cứu
trợ.
b) Thời gian công khai: niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan ít nhất là 15
ngày; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng: 3 số liên tiếp trên
Báo viết; 3 ngày liên tiếp trên chương trình của Đài Phát thanh, Đài Truyền
hình
10. Về kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý,
phân phối tiền, hàng cứu trợ
10.1. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các cơ quan liên quan định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc
thu, chi tiền, hàng cứu trợ cho nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do
thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
10.2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan
phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp kiểm tra việc thực hiện vận động, tiếp
nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ và tổ chức cứu trợ cho nhân dân bị thiệt hại
do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng trong phạm vi quản lý theo quy định
của pháp luật.
10.3. Các cơ quan tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ có trách nhiệm
cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan trong việc tiếp nhận, quản lý, phân
phối tiền, hàng cứu trợ khi các cơ quan kiểm tra yêu cầu.
10.4. Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng
tiền, hàng cứu trợ sai mục đích, đối tượng; báo cáo sai sự thật; lợi dụng công
tác cứu trợ để huy động đóng góp nhằm mục đích vụ lợi thì tuỳ theo mức độ vi
phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
pháp luật.
11. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu gặp vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài
chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ NSNN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Công Nghiệp
|