HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
01/2010/NQ-HĐTP
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 10 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG
MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 248 VÀ ĐIỀU 249 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ
HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và
Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Về một số quy định tại Điều
248 của Bộ luật hình sự
1. “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ
hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
2. Khi xác định trách nhiệm
hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật
dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh
bạc để xem xét; cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần
đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000
đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình
sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ
luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc
không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc
nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu
trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải
bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
c) Trường hợp đánh bạc từ hai
lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc
bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh
bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng
“phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ
luật hình sự;
d) Trường hợp đánh bạc từ năm
lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc
bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện
vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình
tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm
a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật hình sự.
3. “Tiền hoặc hiện vật dùng
đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng
đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ
được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng
đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định
đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
4. Khi xác định tiền, giá trị
hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:
a) Trường hợp nhiều người
cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác
định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là
tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người
cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
b) Trường hợp đánh bạc dưới
hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề,
một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc)
được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham
gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua
ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình
sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này
là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.
Ví dụ 1: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7-2010, trong khoảng
thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 500.000 đồng,
đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 2.000.000 đồng, trong trường hợp này chỉ
coi A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền
là 3.500.000 đồng.
Ví dụ 2: Ngày 20-7-2010, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B
mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là
500.000 đồng, mua số 20 với số tiền là 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền
3.000.000 đồng; trong trường hợp này,
chỉ coi B đánh bạc một lần.
Trong các trường hợp nêu tại ví dụ 1 và ví dụ 2 trên đây, nếu số tiền cá
độ đua ngựa, số tiền mua số đề của mỗi đợt từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội
nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình
sự.
5. Việc xác định số tiền hoặc
giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng
đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... như sau:
5.1. Xác định số tiền hoặc
giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc
a) Trường hợp người chơi số đề,
cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng
số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được
nhận từ chủ đề, chủ cá độ.
Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng
số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi
số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện
sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... và B đã
trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường
hợp này là 100.000 đồng + (60.000 đồng × 70 lần) = 4.300.000 đồng.
b) Trường hợp người chơi số đề,
cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn
trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền
mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.
Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết
a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu B không trúng số nào thì số tiền B dùng đánh bạc
trong trường hợp này là 100.000 đồng.
Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại
tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của B bị phát hiện, ngăn chặn trước
khi có kết quả mở thưởng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là
100.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng B có trúng số đề
hay không trúng số đề).
5.2. Xác định số tiền hoặc
giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc
a) Trường hợp có người chơi số
đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh
bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người
chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người
trúng (có thể là một hoặc nhiều người).
Ví dụ: D là chủ đề của 5 người
chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng
cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề
thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng
× 70 lần × 2 người) = 7.250.000 đồng.
b) Trường hợp không có người
chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn
trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền
chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của
những người chơi số đề, cá độ.
Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại
tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu cả 5 người chơi không trúng số đề thì số
tiền mà chủ đề dùng đánh bạc là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng.
Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại
tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước
khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng đánh bạc trong trường hợp này là
50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng (không
phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề).
Điều 2. Về một số quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự
1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
thuộc một trong các trường hợp sau đây là “với quy mô lớn”:
a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc
trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến
dưới 50.000.000 đồng.
b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản
cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc;
khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát
khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để
trợ giúp cho việc đánh bạc;
c) Tổng số tiền hoặc hiện vật
dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
2. Người tổ chức đánh bạc hoặc
gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản
1 Điều này, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ
2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm
hình sự về “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” nhưng họ phải chịu trách nhiệm
hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.
3. “Thu lợi bất chính lớn, rất
lớn hoặc đặc biệt lớn” được xác định như sau:
a) Thu lợi bất chính từ
10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng là thu lợi bất chính lớn.
b) Thu lợi bất chính từ
30.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng là thu lợi bất chính rất lớn.
c) Thu lợi bất chính từ
90.000.000 đồng trở lên là thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội
đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 23 tháng 9 năm 2010 và có
hiệu lực thi hành sau bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Mục 6, mục
7 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm
phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình
sự và mục 9 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của
Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của
Bộ luật hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
3. Kể từ ngày Nghị quyết này
có hiệu lực, nếu người thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự mà theo Nghị quyết này
là không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ
thẩm hoặc phúc thẩm, thì cần phân biệt như sau:
a) Trường hợp Viện kiểm sát
có Công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị
can mà Toà án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ, thì Toà án áp dụng điểm
b khoản 2 Điều 176 của Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định trả hồ sơ cho
Viện kiểm sát;
b) Trường hợp Viện kiểm sát
có Công văn (hoặc Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ
vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà xét xử vụ án đó áp dụng
Điều 181 của Bộ luật tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án;
c) Trường hợp Viện kiểm sát vẫn
giữ nguyên quyết định truy tố, thì Toà án có thẩm quyền phải ra quyết định mở
phiên toà và Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật
hình sự, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo; trường hợp bị cáo đang bị tạm
giam thì áp dụng khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự
trả tự do cho bị cáo;
d) Trường hợp vụ án đang
trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì Toà án cấp phúc thẩm phải mở phiên toà và
Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự, điểm a khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, sửa bản án sơ
thẩm, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo;
đ) Đối với các trường hợp
đình chỉ vụ án được hướng dẫn tại điểm b hoặc được miễn trách nhiệm hình sự được
hướng dẫn tại các điểm c và d khoản 3 này các bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm
về các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng... (kể
cả việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật) hoặc xét xử về các tội phạm khác (nếu
có), thì vẫn được giải quyết theo thủ tục chung.
4. Trường hợp người phạm tội
đã bị kết án trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các văn bản trước
đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để
kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ
kháng nghị khác; nếu theo Nghị quyết này họ không phải chịu trách nhiệm hình sự
thì giải quyết theo thủ tục miễn chấp hành hình phạt. Việc miễn chấp hành hình
phạt được thực hiện như sau:
a) Đối với người đang chấp
hành hình phạt tù, thì Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị kết án
đang chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại
theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
b) Đối với người đang hoặc
chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo đang chấp hành thời gian thử
thách thì Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện nơi người đó chấp hành hình
phạt, chấp hành thời gian thử thách của án treo ra quyết định miễn chấp hành
toàn bộ hoặc phần hình phạt còn lại theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân cùng cấp.
c) Đối với người bị xử phạt tù
đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt
hoặc chưa chấp hành hình phạt, thì Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi người
đó cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc
miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân cấp tỉnh nơi người đó cư trú hoặc làm việc;
d) Trường hợp một người bị kết
án về nhiều tội (trong cùng một bản án hoặc trong nhiều bản án), trong đó có tội
theo hướng dẫn của Nghị quyết này thì không phải là tội phạm nữa, thì việc miễn
chấp hành hình phạt đối với tội này được thực hiện như sau:
- Nếu người bị kết án chưa chấp
hành hình phạt hoặc đang chấp hành hình phạt nhưng thời gian đã chấp hành hình
phạt chưa vượt quá mức hình phạt mà Toà án đã xử phạt đối với tội không thuộc
trường hợp được hướng dẫn tại Nghị quyết này, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ
hình phạt đối với tội mà theo hướng dẫn của Nghị quyết này thì không phải là tội
phạm nữa.
- Nếu người bị kết án đang chấp hành hình phạt nhưng thời gian đã chấp
hành hình phạt bằng hoặc vượt quá mức hình phạt mà Toà án đã xử phạt đối với tội
không thuộc trường hợp được hướng dẫn tại Nghị quyết này, thì họ được miễn chấp
hành phần hình phạt còn lại.
5. Khi đình chỉ vụ án,
miễn trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành hình phạt, thì Toà án ra quyết định
đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự hoặc quyết định miễn chấp hành hình phạt cần
giải thích cho người được đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn
chấp hành hình phạt biết là việc đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn
chấp hành hình phạt này là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước ta,
chứ không phải oan sai do cơ quan tiến hành
tố tụng gây ra; do đó, họ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
6. Trong quá trình thực hiện
nếu có vướng mắc cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản
ánh cho Toà án nhân dân tối cao để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp
thời.
Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Uỷ ban pháp luật của Quốc hội (để giám sát);
- Uỷ ban tư pháp của Quốc hội (để giám sát);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp);
- Bộ Tư pháp(để phối hợp);
- Bộ Công an(để phối hợp);
- Các TAND và TAQS các cấp (để thực hiện);
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC (để thực hiện);
- Lưu: VP, Viện KHXX (TANDTC).
|
TM. HỘI ĐỒNG
THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN
Trương Hoà Bình
|