Phần 1
Còn nhiều tên tuổi lớn chưa đặt tên phố ở Thủ
đô
Trên nhiều
đô thị của cả nước, có nhiều đường phố mang tên danh nhân là luật gia, luật sư
có cống hiến cho đất nước, nhưng Hà Nội chưa có đường phố mang tên họ.
Ở TP Hồ Chí
Minh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Tp Nam Định… có đường phố mang tên Phan Anh.
Luật sư Phan Anh (1912-1990), quê làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh là một
trí thức lớn yêu nước. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông theo học ngành Luật tại
Trường Đại học Đông Dương. Năm 1937, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật. Năm 1938, ông
sang Pháp để trình luận án Tiến sĩ Luật, nhưng Thế chiến thứ 2 bùng nổ nên ông
không kịp bảo vệ luận án và phải về nước năm 1940, hành nghề luật sư. Năm 1940,
ông cùng cộng sự thành lập Báo Thanh Nghị (1941-1945). Ông là một trong 5 cây
bút trụ cột, phụ trách nhiều chuyên mục của báo.
Sau Cách
mạng Tháng Tám năm 1945, ông sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch
Uỷ ban kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong chính phủ Liên hiệp
và là Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Hội nghị
Fontainbleu.
Ông từng đảm
nhiệm những chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Thương
nghiệp, Bộ trưởng Ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông còn là
người cùng sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, làm chủ tịch Hội và là Thường vụ Hội
Luật gia quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam và Phó Chủ
tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới. Từ năm 1988, ông làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ
tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tổng đài tư vấn miễn phí 19006248
Thành phố Bà
Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đường phố mang tên Nguyễn Mạnh Tường. Nguyễn
Mạnh Tường (1909-1997) sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội,
nhưng quê quán ông lại là làng Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là một
luật sư, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.
Ông học
tiếng Pháp từ nhỏ, trước học trường Paul Bert, sau học trường Albert Sarraut,
Hà Nội. Năm 1926, ông đỗ Tú tài triết học (16 tuổi), hạng ưu, được học bổng
sang Pháp học Luật và Văn chương tại Trường đại học Tổng hợp Montpellier
(1927). Năm 1929, ông đỗ Cử nhân văn chương, và năm sau đỗ Cử nhân Luật (1930).
Tháng 5 năm
1932, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ Luật, với luận án chính: “Cá nhân trong xã hội
Việt Nam cổ” và luận án bổ túc “Tổng luận về luật đời Lê”. Tháng 6 năm 1932,
ông bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương với luận án chính “Giá trị bi kịch trong
tuồng của A. Musset” và luận án bổ túc “Việt Nam trong các tác phẩm của Jules
Boissières”.
Ở tuổi 23
bảo vệ thành công hai Luận án Tiến sĩ Luật khoa và Văn khoa là một thành tựu
kiệt xuất. Báo chí Pháp hồi đó ca ngợi : “Luận văn của Ngài quả là một tác phẩm
pháp lý, hơn nữa còn là một tác phẩm pháp lý và văn học. Nền tảng của tác phẩm
thật là vững vàng và không hề có một lời chỉ trích nào. Cả hình thức cũng thật
xán lạn… Công trình nghiên cứu của Ngài thực sự là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh”…
Ông về nước
làm Luật sư. Năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lên Việt khu Việt
Bắc, rồi vào Liên khu III và IV, được cử làm Luật sư tại các Tòa án quân sự,
Tòa án đại hình và là thành viên Ban Giám đốc Trường dự bị đại học.
Năm 1951 ông
tham gia Đảng Xã hội Việt Nam. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông về
lại Hà Nội, tiếp quản trường Đại học Luật và Đại học Sư phạm, rồi được cử làm
Giám đốc Đại học Luật, Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm, và được bầu làm Chủ tịch
Hội đồng Luật sư Hà Nội. Cũng trong khoảng thời gian này, ông được phong Giáo
sư, và tham gia giảng dạy tại các Trường đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp Hà
Nội
Sau những
biến cố, ông được chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài tại
Viện nghiên cứu phương pháp và chương trình giáo dục thuộc Bộ Giáo dục, và là
cộng tác viên của nhà xuất bản Giáo dục cho đến khi nghỉ hưu.
TP Nam Định,
TP Hồ Chí Minh, TP Long Xuyên (An Giang) có đường Trịnh Đình Thảo. Luật
sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986) người làng Mọc – Chính Kinh, Nhân Mục, nay thuộc
phường quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông là Tiến sỹ Luật khoa, Cử nhân
Văn chương, hành nghề luật sư tại Pháp và Việt Nam.
Khi làm luật
sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, ông đã tận tình giúp đỡ và bảo vệ cho những
người yêu nước chẳng may bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xét xử, trong đó có bà
Ngô Thị Phúc, một nhà hoạt động cách mạng và sau trở thành người bạn đời của
ông. Lúc bị bắt bà được phân công làm tài chính cho Đảng. Bà là chủ nhân của
Xưởng trà Liên Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn. Bà chính là người móc nối để luật sư
đến với cách mạng.
Nhiều người
nhớ ơn ông vì ông là con người trung thực, liêm khiết, yêu thương người bị nạn,
đặc biệt là người nghèo khó. Người ta khâm phục ông vì ông dám nói lên tiếng
bênh vực lẽ phải, điều mà nhiều trí thức thời đó muốn nhưng không dám làm hoặc
không làm được.
Ông từng là
Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trọng Kim (1945); nguyên Chủ tịch Liên
minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng
Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976); Đại
biểu Quốc hội khóa VI.
Tp Hồ Chí
Minh, Tp Quy Nhơn, Tp Vũng Tàu… có đường phố mang tên Thái Văn Lung. Luật sư
Thái Văn Lung (1916 – 1946) người huyện Thủ Đức, Gia Định, sinh ra trong một
gia đình trí thức Công giáo. Ông đỗ Cử nhân Khoa Luật tại Đại học Paris (Pháp),
đồng thời học thêm ở Trường Khoa học Chính trị và Trường Thuộc địa. Do có quốc
tịch Pháp nên Thái Văn Lung tham gia học Trường Sĩ quan Pháo binh, trở thành sĩ
quan pháo binh tham gia quân đội trong 4 năm và xuất ngũ với quân hàm trung úy.
Năm 1945,
ông trở về nước làm việc tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Tháng 6, ông cùng với
Nguyễn Văn Thủ, Phạm Ngọc Thạch, Lưu Hữu Phước… tham gia sáng lập lực lượng
Thanh niên Tiền phong, trong đó ông phụ trách làm huấn luyện quân sự của tổ
chức.
Sau Cách
mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ. Ông được cử làm
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Thủ Đức, xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang
của huyện, được nhân dân gọi là bộ đội Thái Văn Lung. Sau tổng tuyển cử ngày 6
tháng 1 năm 1946, ông trở thành một trong những đại biểu Quốc hội khóa I thuộc
tỉnh Gia Định. Năm 1946, khi đang tham gia Ban chỉ huy quân sự huyện và chỉ huy
lực lượng bộ đội Thái Văn Lung chống Pháp, ông đã bị bắt trong một trận đánh.
Sau khi bị tra tấn khốc liệt, ông mất vào ngày 2 tháng 7 năm 1946, khi chưa
tròn 30 tuổi. Ông là anh trai của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, là bác của Nghệ
sĩ Piano nổi tiếng Đặng Thái Sơn.
Nhiều đô thị
lớn có đường phố mang tên Trần Công Tường. Luật sư Trần Công Tường (1915 –
1990) người làng Vĩnh Thạnh, tỉnh Gò Công (Tiền Giang). Thuở nhỏ, đi học
trường Pháp, ông chọn những môn khó nhất như: Lịch sử cổ điển châu Âu bằng
tiếng cổ Hy Lạp, cổ La tinh và luôn được xếp đầu bảng. Ông đỗ tú tài Pháp rất
dễ dàng. Học trường Tây mà giỏi hơn Tây, ông đã thực hiện được lời cha dạy,
không để Tây coi thường người Việt.
Năm 1936,
ông ra Hà Nội học trường Luật, chung một lớp với Võ Nguyên Giáp. Thấy Trần Công
Tường là người Nam bộ, thông minh, yêu nước, có tư tưởng tiến bộ, dần dần Võ
Nguyên Giáp kết thân và vận động Trần Công Tường tham gia vào các hoạt động của
Đảng. Những năm 1937-1940, Trần Công Tường học đại học văn học và chính trị tại
Paris. Trong những năm 1940-1945, luật sư Trần Công Tường đã tích cực bênh vực
quyền lợi của các chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước tại các Tòa án ở
Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Đà Lạt, Vĩnh Long, Đà Nẵng… Trong Cách mạng Tháng
8-1945, luật sư Trần Công Tường đã tiếp thu các cơ sở tư pháp tại Sài Gòn, được
cách mạng cử làm Giám đốc Tư pháp Nam bộ và Tổng Chưởng lý Nam bộ.
Tháng
11-1946, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam, tham gia các đoàn đàm
phán với phái đoàn Pháp tại Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ, luật sư Trần Công Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao
nhiều trọng trách trong các hội nghị quốc tế, ông luôn là một trợ lý đắc lực về
tư pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là thành viên đoàn Việt Nam tham dự hội
nghị Genève 1954 về Đông Dương, phụ trách phần chính trị, soạn dự thảo Tuyên bố
chung của hội nghị.
Từ tháng 5
năm 1958 đến tháng 5 năm 1959 ông giữ chức vụ Phó Chánh án rồi Quyền Chánh án
TANDTC. Từ năm 1972 khi Chính phủ thành lập Ủy ban Pháp chế, luật sư Trần Công
Tường làm Chủ nhiệm Ủy ban này cho đến năm 1978.
Giới luật
gia cả nước mong rằng Hà Nội sẽ sớm có những đường phố mới, mang tên Trần Công
Tường, Trịnh Đình Thảo, Thái Văn Lung, Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường… mà cống
hiến cũng như tên tuổi của họ đã được khẳng định; cũng như những luật gia, luật
sư có nhiều cống hiến, mới qua đời như Vũ Đình Hòe (1912-2011), Phùng Văn Tửu
(1923-1997), Lê Giản (1913-2003), Phạm Hưng (1927-2018), Trịnh Hồng Dương
(1938-2008)…