CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 110/2018/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6
năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật di sản văn hóa ngày 18
tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về
quản lý và tổ chức lễ hội.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
Điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về quản lý và tổ
chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục đăng ký hoặc thông báo việc tổ
chức lễ hội tín ngưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật tín ngưỡng,
tôn giáo.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá
nhân là người Việt Nam; tổ chức, cá nhân là người nước ngoài tham gia hoạt động
lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Giải thích
từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây
được hiểu như sau:
1. Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội
tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức
theo nghi lễ truyền thống,
nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
2. Lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu,
quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc; tiềm năng du lịch về đất
nước, con người Việt Nam.
3. Lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá
về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu
biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề.
4. Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là
những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công
chúng Việt Nam.
Điều 4. Chính sách
của Nhà nước về lễ hội
1. Hỗ trợ hoạt động phục dựng, bảo vệ lễ
hội truyền thống nhằm duy trì các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng
đời sống tinh thần của nhân dân.
2. Khuyến khích các hoạt động văn hóa, văn
nghệ, thể thao dân gian truyền thống; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại
trong tổ chức lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước
ngoài.
3. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý hoạt động lễ hội.
4. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động
lễ hội.
Điều 5. Nguyên tắc
tổ chức lễ hội
1. Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục
truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn
vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng
góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về
lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
2. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng,
thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội
truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
3. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm,
bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái
với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
4. Giáo dục, định hướng con người hình
thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi
ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
5. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di
tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng
chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
6. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm
mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân
tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
7. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy
mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí.
Điều 6. Quyền và
trách nhiệm của người tham gia lễ hội
1. Người tham gia lễ hội có các quyền sau
a) Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối
với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa,
tâm linh, tín ngưỡng;
b) Thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn
đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;
c) Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và
hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.
2. Người tham gia lễ hội có các trách
nhiệm sau
a) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp
luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
b) Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với
thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm
linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
c) Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy
định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi
trường;
d) Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt
động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
đ) Không thực hiện việc đổi tiền có chênh
lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
e) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 2
Điều này còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành
chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện)
tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc
được giao thực thi nhiệm vụ).
Điều 7. Trách nhiệm
của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội
1. Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực
hiện trách nhiệm sau
a) Thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông
báo tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định này và thực hiện theo nội dung
đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
b) Thành lập, phê duyệt quy chế làm việc
của Ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban tổ chức lễ hội;
c) Chịu trách nhiệm về công tác quản lý và
tổ chức lễ hội theo quy định của Nghị định này;
d) Báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ
hội đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo
chậm nhất 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.
2. Ban tổ chức lễ hội thực hiện trách
nhiệm sau
a) Ban hành, phổ biến quy chế làm việc và
phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy thực hiện
nếp sống văn minh trong lễ hội;
b) Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý
nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình
thức tuyên truyền khác; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông
tin phản ánh của người tham gia lễ hội;
c) Xây dựng và triển khai phương án bảo
đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp
luật;
d) Quy định khu vực vui chơi giải trí và
khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ, bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di
tích; treo, đặt bảng phổ biến nội dung, biển hướng dẫn ở vị trí phù hợp, thuận
tiện cho việc tiếp nhận thông tin của người tham gia lễ hội;
đ) Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng
hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không
chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,
hàng không rõ nguồn gốc; không bày bán động vật quý hiếm, các thực phẩm không
đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định của pháp luật;
e) Không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội;
hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ
hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.
Điều 8. Tạm ngừng
tổ chức lễ hội
1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký
hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong
các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá
trị của lễ hội;
b) Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự,
an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường
gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người;
c) Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh
hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương;
d) Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền
thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền
thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.
2. Ban tổ chức lễ hội tự ngừng hoặc ngừng
ngay các hoạt động tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức lễ
hội trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chương II
ĐĂNG KÝ, THÔNG BÁO TỔ CHỨC LỄ HỘI
Điều 9. Đăng ký tổ
chức lễ hội
1. Lễ hội phải đăng ký với Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch trước khi tổ chức gồm:
a) Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề do cơ
quan trung ương tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp quốc gia) được tổ chức lần
đầu.
b) Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có từ
02 tỉnh trở lên tham gia tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp khu vực) được tổ
chức lần đầu.
c) Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được
tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
2. Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
trước khi tổ chức gồm:
a) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ
hội ngành nghề cấp tỉnh được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián
đoạn từ 02 năm trở lên;
b) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ
hội ngành nghề có nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
tham gia tổ chức (sau đây gọi là lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức lần đầu hoặc khôi
phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
3. Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân
cấp huyện trước khi tổ chức gồm:
a) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ
hội ngành nghề cấp huyện được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau
thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.
b) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ
hội ngành nghề có nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương tham gia tổ chức (sau đây gọi
là lễ hội cấp huyện) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau
thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
c) Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ
hội ngành nghề cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau
thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.
d) Lễ hội truyền thống cấp huyện, cấp xã
được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống.
Điều 10. Hồ sơ
đăng ký tổ chức lễ hội
Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội bao gồm:
1. Văn bản đăng ký nêu rõ tên lễ hội, sự
cần thiết, thời gian, địa điểm, quy mô, nội dung hoạt động lễ hội, dự kiến
thành phần số lượng khách mời.
2. Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an
toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
3. Dự kiến thành phần Ban tổ chức lễ hội.
4. Các tài liệu hoặc văn bản chứng minh về
nguồn gốc lễ hội (đối với lễ hội truyền thống).
5. Văn bản đồng ý tổ chức lễ hội tại Việt
Nam của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự hoặc Tổng Lãnh sự quốc gia, vùng lãnh thổ và
văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao (đối với lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài).
Điều 11. Trình tự
tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội quy mô cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội
có nguồn gốc từ nước ngoài
1. Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký
đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực
tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm
định nội dung sau:
a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;
b) Các chương trình, hoạt động trong khuôn
khổ lễ hội;
c) Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an
toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
3. Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung
liên quan đến các bộ, ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có văn bản
xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức
hoạt động lễ hội.
4. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản
trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy
định tại Điều 10 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông
báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực
hiện lại trình tự đăng ký theo quy định tại Điều này.
Điều 12. Trình tự
tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh
1. Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký
đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến)
trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định
nội dung sau:
a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;
b) Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an
toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
c) Tính xác thực của tài liệu hoặc văn bản
chứng minh; nội dung thực hành nghi lễ truyền thống (đối với lễ hội truyền thống).
3. Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung liên quan đến các bộ, ngành trung ương hoặc
các cơ quan, đơn vị ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản xin
ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết định việc chấp thuận tổ chức hoạt
động lễ hội.
4. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản
trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận
của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy
định tại Điều 10 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông
báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực
hiện lại trình tự đăng ký theo quy định tại Điều này.
Điều 13. Trình tự
tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội cấp huyện
1. Đơn vị tổ chức lễ hội gửi hồ sơ đăng ký
đến Ủy ban nhân dân cấp huyện (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến)
trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày.
2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận
được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định
nội dung sau:
a) Sự đầy đủ, hợp pháp của hồ sơ;
b) Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an
toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
c) Tính xác thực của tài liệu hoặc văn bản
chứng minh; nội dung thực hành nghi lễ truyền thống (đối với lễ hội truyền
thống).
3. Trường hợp hoạt động lễ hội có nội dung
liên quan đến các cơ quan chuyên môn hoặc các đơn vị ở địa phương, Ủy ban nhân
dân cấp huyện phải có văn bản xin ý kiến, tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và quyết
định việc chấp thuận tổ chức hoạt động lễ hội.
4. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản
trả lời và nêu rõ lý do. Chỉ được tổ chức lễ hội sau khi có văn bản chấp thuận
của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy
định tại Điều 10 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận đăng ký phải có văn bản thông
báo những nội dung cần bổ sung. Đơn vị tổ chức lễ hội bổ sung hồ sơ và thực
hiện lại trình tự đăng ký theo quy định tại Điều này.
Điều 14. Thông báo
tổ chức lễ hội
1. Lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp
quốc gia hoặc cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức hàng
năm phải thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi tổ chức lễ
hội.
2. Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ
hội ngành nghề cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm phải thông báo
với Ủy ban nhân dân cùng cấp trước khi tổ chức lễ hội.
Điều 15. Nội dung
văn bản thông báo tổ chức lễ hội
1. Tên lễ hội, sự cần thiết về việc tổ chức lễ hội;
2. Thời gian, địa điểm, quy mô và các hoạt
động của lễ hội;
3. Dự kiến thành phần, số lượng khách mời;
4. Dự kiến thành phần Ban tổ chức lễ hội;
5. Phương án bảo đảm an ninh trật tự, an
toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Điều 16. Trình tự
tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn
gốc từ nước ngoài; lễ hội cấp tỉnh
1. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ
hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được thực hiện
như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông
báo đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực
tuyến) trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến
trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông
báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả
lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Sau khi nhận được văn bản không đồng ý
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị tổ chức lễ hội phải tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của
hoạt động lễ hội.
2. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ
hội cấp tỉnh được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông
báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến)
trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo được tổ
chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội dung
thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
c) Sau khi nhận được văn bản không đồng ý
của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị tổ chức lễ hội phải tiến hành chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nội dung của hoạt động
lễ hội.
Điều 17. Trình tự
tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện, cấp xã
1. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ
hội có cấp huyện được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông
báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy
ban nhân dân cấp huyện nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời thì đơn vị gửi thông báo
được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường hợp không đồng ý với nội
dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trình tự tiếp nhận thông báo đối với lễ
hội cấp xã được thực hiện như sau:
a) Đơn vị tổ chức lễ hội gửi văn bản thông
báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20
ngày.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Ủy
ban nhân dân cấp xã nhận được văn bản thông báo, nếu không có ý kiến trả lời
thì đơn vị gửi thông báo được tổ chức lễ hội theo nội dung đã thông báo. Trường
hợp không đồng ý với nội dung thông báo, cơ quan tiếp nhận phải trả lời bằng
văn bản và nêu rõ lý do.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LỄ HỘI
Điều 18. Trách
nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách
nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trong phạm
vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền
ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt
động lễ hội.
2. Hướng dẫn, đôn đốc công tác kiểm kê,
lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội của các địa phương.
3. Quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu
khoa học về lễ hội; tổ chức, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức
hoạt động lễ hội.
4. Tổ chức thực hiện giao lưu, hợp tác
quốc tế trong hoạt động lễ hội.
5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề
án về quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội.
6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu
nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.
7. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy
định của pháp luật.
Điều 19. Trách
nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ, ngành liên quan
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách
nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ
sở trong công tác tuyên truyền về lễ hội;
b) Định hướng dư luận xã hội trong việc
bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của lễ hội.
2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thực hiện
chức năng quản lý các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, phối
hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý nội dung hoạt động
lễ hội nước ngoài tại Việt Nam.
3. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng
dẫn công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác bảo đảm y tế trong
hoạt động lễ hội.
4. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo,
hướng dẫn các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội cho hoạt
động lễ hội.
5. Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo
tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh hàng giả,
hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong hoạt động lễ hội.
6. Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc
quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài
trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện
quản lý nhà nước về lễ hội trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 20. Trách
nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền, có các
nhiệm vụ sau đây:
a) Chỉ đạo thực hiện kiểm kê, phân loại lễ
hội, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên
cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội;
b) Bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành
trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục
không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển;
c) Chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương
trong việc phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội
và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
d) Tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy
định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương;
đ) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu
nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội theo thẩm quyền;
e) Báo cáo định kỳ việc quản lý và tổ chức
lễ hội trên địa bàn gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31 tháng 12 hàng năm và
báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy
định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn; tiếp nhận nội dung đăng
ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện hoặc cấp xã; kiểm kê, phân
loại lễ hội và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội
tại địa phương.
Điều 21. Xử lý vi
phạm trong hoạt động lễ hội
1. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của
Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì
phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của
Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy
định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ
ngày 15 tháng 10 năm 2018.
2. Các quy định về tổ chức lễ hội tại mục
3, Chương 2 Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm
2005 của Thủ tướng Chính phủ; Chương V Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh
dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06
tháng 11 năm 2009 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành.
Điều 23. Điều
Khoản chuyển tiếp
1. Đối với những lễ hội đã được cơ quan có
thẩm quyền cấp phép trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không
phải thực hiện trình tự đăng ký lại.
2. Đối với các lễ hội không phải xin phép
trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện thủ tục thông
báo theo quy định tại Nghị định này.
Điều 24. Trách
nhiệm thi hành
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, Cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2). XH205
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|