QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Luật
số: 32/2018/QH14
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2018
|
LUẬT
CHĂN NUÔI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Chăn nuôi.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động chăn nuôi;
quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà
nước về chăn nuôi.
Điều 2. Giải thích
từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ
thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi,
điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
2. Hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh
trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản
phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc
mục đích khác của con người.
3. Chăn nuôi nông hộ là hình thức
tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình.
4. Chăn nuôi trang trại là hình
thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản
xuất, kinh doanh chăn nuôi.
5. Vật nuôi bao gồm gia súc, gia
cầm và động vật khác trong chăn nuôi.
6. Gia súc là các loài động vật có
vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.
7. Gia cầm là các loài động vật có
02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và
chăn nuôi.
8. Động vật khác trong chăn nuôi là
động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục
động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy
sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán
quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
9. Giống vật nuôi là quần thể vật
nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có
ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát
triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc
điểm của giống cho thế hệ sau.
10. Dòng là một nhóm vật nuôi trong giống, mang những đặc
điểm chung của giống nhưng có
đặc điểm riêng đã ổn định.
11. Dòng, giống vật nuôi mới là
dòng, giống vật nuôi lần đầu được tạo ra trong nước hoặc lần đầu được nhập khẩu
vào Việt Nam.
12. Giống vật nuôi quý, hiếm là giống vật nuôi có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa
tuyệt chủng.
13. Giống vật nuôi bản địa là giống
vật nuôi được hình thành và tồn tại ở địa bàn nhất định trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
14. Giống gốc là đàn giống cấp cụ
kỵ, ông bà đối với lợn, gia cầm; đàn giống hạt nhân đối với giống gia súc khác;
đàn thuần chủng đối với ong; giống nguyên chủng đối với tằm.
15. Đàn giống cấp cụ kỵ đối với lợn,
gia cầm là đàn giống vật nuôi thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn để sản xuất ra đàn giống cấp ông bà.
16. Đàn giống cấp ông bà đối với lợn,
gia cầm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp cụ kỵ để sản
xuất ra đàn giống cấp bố mẹ.
17. Đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn,
gia cầm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp ông bà để sản
xuất ra đàn thương phẩm.
18. Đàn giống hạt nhân là đàn giống
tốt nhất, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được nuôi dưỡng và chọn lọc theo một
quy trình nhất định nhằm đạt được tiến bộ di truyền cao để sản xuất ra đàn nhân
giống.
19. Đàn nhân giống là đàn giống do
đàn giống hạt nhân sinh ra để
sản xuất đàn thương phẩm hoặc được chọn lọc để bổ sung vào đàn giống hạt
nhân.
20. Đàn thương phẩm là đàn vật nuôi
được sinh ra từ đàn giống cấp bố mẹ hoặc từ đàn nhân giống.
21. Nguồn gen giống vật nuôi là các
động vật sống và sản phẩm giống của chúng mang thông tin di truyền có khả năng
tạo ra hoặc tham gia tạo ra giống vật nuôi mới.
22. Hệ phả vật nuôi là bản ghi chép
thể hiện mối quan hệ huyết thống của cá thể vật nuôi với tổ tiên của chúng.
23. Sản phẩm giống vật nuôi bao gồm
con giống, tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền khác được
khai thác từ vật nuôi.
24. Tạo dòng, giống vật nuôi là việc chọn lọc và phối giống hoặc sử
dụng các phương pháp khoa học, biện pháp kỹ thuật để tạo ra một dòng, giống vật
nuôi mới.
25. Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm,
mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh,
thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.
26. Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là
hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy
trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh
trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.
27. Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của
các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật
nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn
chỉnh.
28. Thức ăn bổ sung là nguyên liệu
đơn hoặc hỗn hợp của các
nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất
dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật
nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.
29. Thức ăn truyền thống là sản
phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm
thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường,
rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác.
30. Nguyên liệu đơn là các đơn chất
ở dạng tự nhiên hoặc tổng hợp được dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
31. Thức ăn chăn nuôi thương mại là
thức ăn chăn nuôi được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường.
32. Chất chính trong thức ăn chăn nuôi
là chất quyết định công dụng và bản chất của thức ăn chăn nuôi.
33. Sản phẩm chăn nuôi bao gồm
thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, kén tằm, tổ yến, xương, sừng, móng, nội
tạng; lông, da chưa qua chế biến và các sản phẩm khác được khai thác từ vật
nuôi.
Điều 3. Nguyên tắc
hoạt động chăn nuôi
1. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá
trị, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
2. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất,
chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn
thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Bảo tồn, khai thác và phát triển hợp lý nguồn gen giống vật nuôi bản địa,
nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; tiếp thu nhanh tiến bộ di truyền giống của
thế giới; kết hợp chăn nuôi
hiện đại với chăn nuôi truyền thống; phát triển chăn nuôi phù hợp với vùng sinh thái.
4. Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi; bảo đảm hài hòa lợi
ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi;
bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trong chăn nuôi.
5. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tuân
thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 4. Chính sách
của Nhà nước về chăn nuôi
1. Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau
đây:
a) Thống kê, điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi, đánh
giá tiềm năng và hoạt động chăn nuôi theo định kỳ 05 năm và hằng năm; xây dựng
chiến lược phát triển chăn
nuôi; dự báo thị trường, dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật trong chăn nuôi;
b) Bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.
2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân
sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công
nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới tạo ra
sản phẩm có tính đột phá trong
chăn nuôi; nhập khẩu và nuôi giữ giống gốc;
b) Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch
bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành
phố, thị xã, thị trấn, khu
dân cư không được phép chăn nuôi;
c) Xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
cho cơ sở nghiên cứu khoa học
và công nghệ, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề
trong hoạt động chăn nuôi, khuyến nông chăn nuôi, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn;
d) Xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm
chăn nuôi chủ lực, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi quốc gia; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chợ đầu mối, cơ
sở đấu giá để quảng bá, tiêu thụ giống và sản phẩm chăn nuôi; xúc tiến thương
mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;
đ) Hỗ trợ thiệt hại về chăn nuôi, phục hồi
giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân
đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và các hoạt động
sau đây:
a) Tổ chức chăn nuôi theo quy mô trang
trại, theo chuỗi giá trị;
phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi;
b) Đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên
tiến, công nghệ mới trong
giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, công nghệ xử lý chất thải chăn
nuôi để làm phân bón và mục đích khác;
c) Đầu tư hoạt động bảo hiểm vật nuôi;
nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Điều 5. Chiến lược
phát triển chăn nuôi
1. Chiến lược phát triển chăn nuôi trên
phạm vi cả nước được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp
với chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Nội dung chính của chiến lược phát
triển chăn nuôi bao gồm quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp,
chương trình, đề án và tổ chức thực hiện.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi.
Điều 6. Hoạt động
khoa học và công nghệ trong chăn nuôi
1. Hoạt động khoa học và công nghệ trong
chăn nuôi được Nhà nước ưu tiên bao gồm:
a) Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục
vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về chăn nuôi;
b) Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng,
nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ
mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và
thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa
học và Công nghệ đề xuất, đặt
hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi
theo từng giai đoạn.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất, đặt
hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi phù hợp với chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn.
4. Tổ chức, cá nhân có năng lực được tham
gia đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi theo quy
định của Luật này, Luật Khoa học và công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ.
Điều 7. Ứng dụng
công nghệ trong chăn nuôi
1. Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên,
khuyến khích ứng dụng trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi,
điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
2. Tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ
cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong chăn nuôi được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật
này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 8. Xây dựng
vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
1. Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phải
đáp ứng các yêu cầu của vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của pháp
luật về thú y của Việt Nam và quy định quốc tế; phù hợp với điều kiện của vùng
sinh thái, lợi thế vùng, miền gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
2. Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phải căn cứ vào quy
hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định tiêu chí và công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Điều 9. Hợp tác,
liên kết sản xuất trong chăn nuôi
1. Phát triển các hình thức hợp tác, liên
kết theo chuỗi giá trị trong
hoạt động chăn nuôi để có đủ sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường;
nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên
tham gia.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác, liên
kết sản xuất trong chăn nuôi phải ký kết hợp đồng, được hưởng chính sách quy định tại Điều 4
của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết và thực hiện cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại
sản phẩm chăn nuôi.
Điều 10. Hợp tác
quốc tế về chăn nuôi
1. Đàm phán, ký kết, thực hiện thỏa thuận,
điều ước quốc tế về chăn nuôi.
2. Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển
giao công nghệ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong chăn nuôi.
3. Trao đổi nguồn gen quý, hiếm; trao đổi
giống vật nuôi, giống cây thức ăn chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích
ứng với biến đổi khí hậu.
4. Hợp tác trong xây dựng và thừa nhận lẫn nhau về hệ thống
chứng nhận chất lượng trong
chăn nuôi.
Điều 11. Cơ sở dữ
liệu quốc gia về chăn nuôi
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi là
hệ thống thông tin liên quan đến chăn nuôi, được xây dựng thống nhất từ trung
ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật và quản lý bằng công nghệ thông
tin.
2. Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn
nuôi bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp
luật liên quan đến chăn nuôi;
b) Cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn
gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
c) Cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế
biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi;
d) Cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn
dịch bệnh;
đ) Cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.
3. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin,
cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định của pháp
luật.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia
về chăn nuôi.
Điều 12. Các hành
vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi
1. Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành
phố, thị xã, thị trấn, khu
dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà
không gây ô nhiễm môi trường.
2. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
3. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc
thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
4. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích
thích sinh trưởng.
5. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống
vật nuôi.
6. Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.
7. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng
chất cấm trong chăn nuôi.
8. Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản
phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
9. Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm
chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.
10. Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước
cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận
thương mại.
11. Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn
nuôi.
12. Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được
xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường.
13. Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.
14. Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
Chương II
GIỐNG VÀ SẢN PHẨM GIỐNG VẬT NUÔI
Mục 1. NGUỒN GEN
GIỐNG VẬT NUÔI
Điều 13. Quản lý nguồn gen giống vật nuôi
1. Nguồn gen giống vật nuôi do Nhà nước
thống nhất quản lý.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham
gia quản lý nguồn gen giống vật nuôi theo quy định của Luật này và quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Điều 14. Thu thập,
bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi
1. Tổ chức, cá nhân thu thập, bảo tồn,
khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi phải tuân thủ quy định của
Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nội dung thu thập, bảo tồn, khai thác
và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bao gồm:
a) Điều tra, khảo sát và thu thập nguồn gen giống vật nuôi;
b) Đánh giá nguồn gen giống vật nuôi theo
các chỉ tiêu sinh học và giá trị sử dụng;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen
giống vật nuôi;
d) Bảo vệ và duy trì nguồn gen giống vật nuôi;
đ) Sử dụng nguồn gen giống vật nuôi đã
được đánh giá, xác định giá trị sử dụng vào hoạt động chọn, tạo và nhân giống
vật nuôi.
3. Phương thức bảo tồn nguồn gen giống vật
nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và
các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Chính phủ quy định việc thu thập,
bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi thuộc phạm vi quản lý
của ngành nông nghiệp.
Điều 15. Trao đổi
nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm
1. Tổ chức, cá nhân được trao đổi nguồn
gen giống vật nuôi quý, hiếm để phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo dòng, giống vật
nuôi mới và sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
2. Việc trao đổi quốc tế nguồn gen giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học,
triển lãm, quảng cáo phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
3. Tổ chức, cá nhân trao đổi quốc tế nguồn
gen giống vật nuôi quý, hiếm phải thực hiện quy định của Luật này và pháp luật
về thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học của Việt Nam.
4. Việc trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm của Việt
Nam cho bên thứ ba phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
5. Khi trao đổi quốc tế nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm để phổ biến trong sản xuất
hoặc tạo ra giống mới do tổ chức, cá nhân Việt Nam cung cấp và thuộc quyền tác
giả của Việt Nam thì tổ chức, cá nhân Việt Nam được hưởng quyền tác giả theo
quy định của điều ước quốc tế
mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước trao đổi quốc tế là thành viên.
Điều 16. Trình tự,
thủ tục trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu trao đổi
nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
2. Hồ sơ trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm bao gồm:
a) Đơn đăng ký trao đổi nguồn gen giống
vật nuôi quý, hiếm;
b) Lý lịch nguồn gen giống vật nuôi quý,
hiếm cần trao đổi;
c) Các văn bản có liên quan đến trao đổi nguồn
gen giống vật nuôi quý, hiếm.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn
bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định và quyết định
trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp từ chối phải nêu rõ
lý do.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định biểu mẫu hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 17. Vật nuôi
biến đổi gen và nhân bản vô tính vật nuôi
1. Vật nuôi biến đổi gen là vật nuôi có
cấu trúc di truyền bị thay đổi bằng công nghệ chuyển gen.
2. Việc nghiên cứu, chọn, tạo, thử nghiệm,
sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phóng thích, trao đổi quốc tế và hoạt động khác đối với vật nuôi biến
đổi gen được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
3. Nhân bản vô tính vật nuôi là việc sử
dụng kỹ thuật nhân bản từ tế bào sinh dưỡng để tạo ra vật nuôi.
4. Tổ chức, cá nhân được nghiên cứu về
nhân bản vô tính vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Mục 2. SẢN XUẤT, MUA
BÁN GIỐNG VẬT NUÔI VÀ SẢN PHẨM GIỐNG VẬT NUÔI
Điều 18. Yêu cầu
đối với giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường
1. Đã công bố tiêu chuẩn áp dụng.
2. Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
3. Đáp ứng yêu cầu kiểm dịch theo quy định
của pháp luật về thú y.
Điều 19. Danh mục
giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu
1. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn bao
gồm các giống vật nuôi có số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.
2. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu
bao gồm các giống vật nuôi quý, hiếm và là lợi thế của Việt Nam.
3. Chính phủ ban hành Danh mục giống vật
nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; quy định trình tự,
thủ tục ban hành, cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục
giống vật nuôi cấm xuất khẩu.
Điều 20. Nhập khẩu
giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi
1. Giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi
nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm
quyền của nước xuất khẩu ủy quyền xác nhận bằng văn bản về nguồn gốc, xuất xứ,
chất lượng giống, mục đích sử dụng để nhân giống, tạo giống.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực
thi, điều kiện sản xuất giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi tại nước xuất
khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi
lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam;
c) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sinh học đối với
giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập khẩu vào Việt Nam.
3. Giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi
nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng, thực hiện kiểm dịch theo quy
định của pháp luật về thú y.
4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu đực giống,
tinh, phôi giống gia súc phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu lần đầu nộp
01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành phần hồ sơ theo
quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày
nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản
yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời
bằng văn bản, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu tinh, phôi từ lần thứ
hai của cùng cá thể giống thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn;
c) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu
đực giống từ lần thứ hai của cùng giống và cùng cơ sở sản xuất thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 21. Xuất
khẩu, trao đổi quốc tế giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi
1. Hồ sơ, chất lượng giống vật nuôi và sản
phẩm giống vật nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu
và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Xuất khẩu hoặc trao đổi quốc tế giống
vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học,
triển lãm, quảng cáo phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo trình tự, thủ tục
sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân xuất khẩu nộp 01 bộ hồ
sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành phần hồ sơ theo quy định
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày
nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải
có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính
phủ, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do.
Điều 22. Điều kiện
sản xuất, mua bán con giống vật nuôi
1. Con giống vật nuôi là cá thể vật nuôi
dùng để nuôi sinh sản, nhân giống.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật
nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại Điều 55 của
Luật này;
b) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù
hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi;
c) Cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ
thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;
đ) Cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống, sản xuất
con giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về một trong các
chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;
đ) Có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp
giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.
3. Tổ chức, cá nhân mua bán con giống vật
nuôi phải có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống
theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.
Điều 23. Điều kiện
sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi, dịch vụ thụ
tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất tinh, phôi,
trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều
22 của Luật này;
b) Có hồ sơ theo dõi chỉ tiêu chất lượng
tinh trong thời gian kiểm tra, khai thác tinh đực giống;
c) Có trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng
yêu cầu kỹ thuật để sản xuất, kiểm tra, đánh giá, bảo quản và vận chuyển tinh,
phôi, trứng giống, ấu trùng.
2. Cá nhân làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo,
cấy truyền phôi giống vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
a) Có chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân
tạo hoặc kỹ thuật cấy truyền phôi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
b) Khi làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy
truyền phôi phải ghi chép thông tin về chủ hộ, số hiệu đực giống, cái giống,
ngày phối giống, lần phối.
3. Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để
phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải thực hiện các yêu cầu sau
đây:
a) Kê khai đực giống theo quy định tại
Điều 54 của Luật này;
b) Sử dụng đực giống có nguồn gốc, hồ sơ
giống, đã được kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
4. Tổ chức, cá nhân mua bán tinh, phôi
giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có dụng cụ, thiết bị bảo quản phù hợp với từng loại tinh, phôi;
b) Nơi bảo quản phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm
bởi thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại;
c) Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người,
vật nuôi, môi trường xung quanh;
d) Có sổ sách theo dõi việc bảo quản, mua
bán tinh, phôi.
5. Tổ chức, cá nhân sản xuất trứng giống
gia cầm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều
22 của Luật này;
b) Trứng giống được khai thác từ đàn giống
cấp bố mẹ hoặc tương đương trở lên.
6. Tổ chức, cá nhân mua bán trứng giống,
ấu trùng giống vật nuôi phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 của Luật này.
Điều 24. Yêu cầu
chất lượng của đực giống, cái giống trong sản xuất
1. Đực giống sử dụng trong sản xuất giống
phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có lý lịch, hệ phả rõ ràng;
b) Được sản xuất từ cơ sở sản xuất giống,
phù hợp với chất lượng giống công bố áp dụng;
c) Đực giống sử dụng trong cơ sở sản xuất tinh nhằm mục đích
thương mại phải được kiểm tra năng suất cá thể, đạt chất lượng theo quy định.
2. Cái giống sử dụng trong sản xuất giống
phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Có lý lịch, hệ phả rõ ràng;
b) Được sản xuất từ cơ sở sản xuất giống,
phù hợp với chất lượng giống công bố áp dụng, đạt chất lượng theo quy định.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định mức chất lượng giống đối với đực giống, cái giống.
Điều 25. Quyền và
nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi
1. Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi có
quyền sau đây:
a) Được sản xuất, mua bán sản phẩm giống
vật nuôi khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 của
Luật này;
b) Được hưởng chính sách của Nhà nước đối
với cơ sở sản xuất, mua bán
sản phẩm giống vật nuôi;
c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
d) Được giữ bí mật thông tin về hoạt động
sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi có
nghĩa vụ sau đây:
a) Kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy
định tại Điều 54 của Luật này;
b) Bảo đảm các điều kiện cơ sở sản xuất,
mua bán sản phẩm giống vật nuôi trong quá trình sản xuất, mua bán;
c) Lưu hồ sơ giống trong thời gian tối thiểu là 03 năm kể từ ngày sản
xuất, mua bán;
d) Cung cấp cho người mua sản phẩm giống
vật nuôi hồ sơ bao gồm thông tin về tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, tên giống vật nuôi, số lượng sản phẩm
giống vật nuôi xuất bán, hệ phả đối với gia súc, bản công bố tiêu chuẩn áp
dụng, quy trình chăn nuôi;
đ) Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất
lượng sản phẩm giống vật nuôi
phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng;
e) Thu hồi sản phẩm giống vật nuôi không
bảo đảm về chủng loại, nguồn gốc, chất lượng và bồi thường thiệt hại theo quy
định của pháp luật;
g) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mục 3. KHẢO NGHIỆM,
KIỂM ĐỊNH DÒNG, GIỐNG VẬT NUÔI
Điều 26. Khảo
nghiệm dòng, giống vật nuôi
1. Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi là
việc chăn nuôi và theo dõi một dòng, giống vật nuôi cụ thể trong điều kiện và thời gian nhất định để
xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng,
khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của dòng, giống đó.
2. Dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm trước khi đưa
ra sản xuất, trừ dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học
và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm
quyền cho phép.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm theo
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tại cơ sở đủ
điều kiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn ban hành quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về khảo
nghiệm dòng, giống vật nuôi.
Điều 27. Điều kiện
cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Các điều kiện quy định tại Điều 55 của
Luật này;
2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ
thuật phù hợp với việc khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tương ứng;
3. Có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ
đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;
4. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù
hợp.
Điều 28. Kiểm định
dòng, giống vật nuôi
1. Kiểm định dòng, giống vật nuôi là việc
đánh giá và xác nhận lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh của dòng,
giống vật nuôi sau khi đưa ra sản xuất.
2. Việc kiểm định dòng, giống vật nuôi
được thực hiện trong trường
hợp sau đây:
a) Có khiếu nại tố cáo về chất lượng dòng, giống vật nuôi;
b) Có yêu cầu trưng cầu, giám định của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
công bố cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi được thực hiện kiểm định dòng,
giống vật nuôi.
Điều 29. Nguyên
tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới
1. Mỗi dòng, giống vật nuôi mới chỉ được
đặt một tên phù hợp bằng
tiếng Việt.
2. Việc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới
phải bảo đảm không thuộc trường hợp sau đây:
a) Trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên dòng,
giống vật nuôi đã được công nhận;
b) Chỉ bao gồm chữ số;
c) Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa,
đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
d) Trùng với cách đọc hoặc cách viết tên
của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân;
đ) Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ
trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
trừ trường hợp có sự chấp
thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
Điều 30. Công nhận
dòng, giống vật nuôi mới
1. Hồ sơ công nhận dòng, giống vật nuôi
mới bao gồm:
a) Đơn đề nghị công nhận dòng, giống vật
nuôi mới, ghi rõ tên dòng, giống vật nuôi, nguồn gốc, xuất xứ;
b) Kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm
vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ
quan có thẩm quyền cho phép.
2. Việc công nhận dòng, giống vật nuôi mới
được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận
dòng, giống vật nuôi mới gửi 01 bộ hồ sơ bản giấy hoặc bản điện tử theo quy
định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày
nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải
có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận
được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định,
đánh giá hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận dòng, giống vật nuôi mới; trường hợp không đạt yêu
cầu phải nêu rõ lý do.
Điều 31. Quyền và
nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
1. Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
có quyền sau đây:
a) Được thực hiện khảo nghiệm dòng, giống
vật nuôi theo quy định của pháp luật;
b) Được thực hiện kiểm định dòng, giống
vật nuôi theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm,
kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;
đ) Từ chối cung cấp thông tin liên quan
đến kết quả thực hiện, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi
có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở khảo nghiệm
trong quá trình hoạt động;
b) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện khảo nghiệm, kiểm
định;
c) Tuân thủ quy định của pháp luật về an
toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường;
d) Lưu hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 03 năm sau khi kết thúc khảo nghiệm, kiểm định;
đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chương III
THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Điều 32. Yêu cầu
đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường
1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố
hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất
lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ
thuật tương ứng.
3. Sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận
đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền cấp.
4. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn
nuôi trên Cổng thông tin điện
tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Nhãn hoặc tài liệu kèm theo thức ăn
chăn nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Luật này.
Điều 33. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc
1. Sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc do tổ chức,
cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm thức
ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức
ăn đậm đặc bao gồm:
a) Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc sản xuất trong nước bao gồm
tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 34 của Luật này;
b) Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc nhập khẩu
bao gồm tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 3 Điều 34 của
Luật này. Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có chứng thực và bản dịch ra tiếng
Việt có chứng thực.
3. Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để tự công bố thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc. Thông tin
sản phẩm công bố phải phù hợp
với hồ sơ công bố theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Ngay sau khi tự công bố thông tin sản
phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và tự chịu
trách nhiệm về chất lượng và an toàn của sản phẩm đã công bố.
4. Việc thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn
đậm đặc được thực hiện như sau:
a) Trường hợp thay đổi về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng
sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại thông tin sản phẩm theo quy định
tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
b) Trường hợp thay đổi thông tin không thuộc quy định tại điểm
a khoản này thì tổ chức, cá nhân tự thay đổi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
Điều 34. Công bố thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung
1. Sản phẩm thức ăn bổ sung phải được thẩm
định để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn. Quy định này không áp dụng đối với nguyên liệu đơn.
2. Hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản
phẩm thức ăn bổ sung sản xuất trong nước bao gồm:
a) Đơn đề nghị công bố thông tin sản phẩm;
b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất
thức ăn chăn nuôi;
c) Hợp đồng thuê, gia công thức ăn chăn
nuôi đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thuê, gia công tại cơ sở sản xuất thức
ăn chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn
nuôi;
d) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, văn bản
thông báo tiếp nhận công bố hợp quy của sản phẩm;
đ) Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu
chất lượng và an toàn của sản phẩm trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng
được cấp bởi phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ
định hoặc thừa nhận;
e) Mẫu của nhãn sản phẩm.
3. Hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản
phẩm thức ăn bổ sung nhập khẩu bao gồm:
a) Đơn đề nghị công bố thông tin sản phẩm;
b) Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn
bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;
c) Một trong các giấy chứng nhận Hệ thống
quản lý chất lượng (ISO), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Phân tích nguy cơ và
kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc giấy chứng nhận tương đương của cơ sở sản
xuất;
d) Bản thông tin sản phẩm do tổ chức, cá
nhân sản xuất cung cấp bao gồm thành phần nguyên liệu, công dụng, hướng dẫn sử
dụng; chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
đ) Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ
chức, cá nhân đăng ký theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng
hóa; nhãn phụ của sản phẩm thể hiện bằng tiếng Việt theo quy định;
e) Phiếu kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu
chất lượng và an toàn của sản phẩm được cấp bởi phòng thử nghiệm do cơ quan có
thẩm quyền của nước xuất xứ chỉ định hoặc được công nhận bởi tổ chức công nhận
quốc tế hoặc tổ chức công nhận khu vực hoặc phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định
hoặc thừa nhận;
g) Mẫu của nhãn sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất
cung cấp.
Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có chứng
thực và bản dịch ra tiếng Việt có chứng thực.
4. Hồ sơ đề nghị công bố lại thông tin sản
phẩm thức ăn bổ sung được quy định như sau:
a) Đối với thức ăn bổ sung sản xuất trong
nước thì theo quy định tại
điểm a khoản 2 Điều này;
b) Đối với thức ăn bổ sung nhập khẩu thì
theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
5. Việc công bố thông tin sản phẩm thức ăn
bổ sung được thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn để nộp hồ sơ đề nghị công bố thông tin sản phẩm thức ăn
bổ sung theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ
sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ và công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
6. Thời gian lưu hành của sản phẩm thức ăn
bổ sung là 05 năm kể từ ngày sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn công bố trên Cổng thông
tin điện tử. Trong thời gian 06 tháng trước khi hết hạn lưu hành, tổ chức, cá
nhân có nhu cầu thực hiện công bố lại theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều
này.
Điều 35. Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung
1. Trường hợp thay đổi thông tin của sản phẩm thức ăn bổ sung
về tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của tổ chức, cá nhân đăng ký, quy cách bao gói
sản phẩm thì tổ chức, cá nhân tự thực hiện thay đổi thông tin trên Cổng thông
tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trường hợp thay đổi thông tin của sản
phẩm thức ăn bổ sung về tên nhà sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất, tên sản phẩm,
ký hiệu tiêu chuẩn công bố áp dụng, dạng, màu sắc sản phẩm, hướng dẫn sử dụng,
thời hạn sử dụng sản phẩm thì tổ chức, cá nhân phải đề nghị thay đổi thông tin
trên Cổng thông tin điện tử
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hồ sơ, trình tự, thủ tục sau
đây:
a) Hồ sơ đề nghị thay đổi thông tin bao
gồm đơn đề nghị thay đổi thông tin, bản tiêu chuẩn công bố áp dụng, bản tiếp
nhận công bố hợp quy (nếu có), mẫu của nhãn sản phẩm, Giấy chứng nhận đủ điều
kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đối với thức ăn bổ sung nhập khẩu phải bổ
sung bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy xác nhận nội dung thay đổi của
nhà sản xuất; bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc
giấy xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp đổi
tên cơ sở sản xuất, tên thương mại thức ăn chăn nuôi nhập khẩu;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ
ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường
hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận và công bố
thông tin thay đổi của sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử, trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
3. Các quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều này không áp dụng đối với nguyên liệu đơn.
Điều 36. Công bố
sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
công bố và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về sản phẩm thức ăn truyền thống, nguyên
liệu đơn các nội dung sau đây:
a) Tên sản phẩm;
b) Yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.
2. Thức ăn chăn nuôi không phải công bố
trên Cổng thông tin điện tử
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm:
a) Thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ là
thức ăn chăn nuôi do cơ sở tự phối trộn để dùng cho nhu cầu chăn nuôi của cơ
sở, không được trao đổi và mua bán trên thị trường;
b) Thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng là thức
ăn chăn nuôi sản xuất theo đơn đặt hàng giữa cơ sở đặt hàng với nhà cung cấp
thức ăn chăn nuôi, chỉ được sử dụng trong nội bộ của cơ sở đặt hàng, không được
trao đổi và mua bán trên thị
trường;
c) Thức ăn chăn nuôi khác không thuộc quy
định tại khoản 1 Điều này.
Điều 37. Khảo
nghiệm thức ăn chăn nuôi
1. Khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi là việc
đánh giá chất lượng, an toàn của thức ăn chăn nuôi đối với vật nuôi và môi trường thông qua việc nuôi dưỡng thử nghiệm trên vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc
chu kỳ sản xuất. Nội dung khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi bao gồm:
a) Phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi;
b) Đánh giá độc tính, độ an toàn đối với
vật nuôi và môi trường;
c) Nội dung khác theo đặc thù của từng
loại thức ăn chăn nuôi.
2. Thức ăn chăn nuôi lần đầu được nhập
khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ chưa được Việt Nam thừa nhận về quy trình khảo
nghiệm, công nhận thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất tại Việt Nam có chứa chất mới
chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam phải khảo nghiệm trước khi công bố sản phẩm,
trừ thức ăn chăn nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp
Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
3. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi
phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các điều kiện quy định tại Điều 55 của
Luật này;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu khảo
nghiệm từng loại thức ăn chăn nuôi;
c) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một
trong các chuyên ngành chăn
nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn ban hành danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và danh mục nguyên
liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi và quy định việc thừa nhận lẫn nhau về quy
trình khảo nghiệm, công nhận
thức ăn chăn nuôi với quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động trao đổi thương mại thức ăn chăn nuôi với
Việt Nam.
Điều 38. Điều kiện
sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn
nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải đáp ứng các điều kiện sau
đây:
a) Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy
hại, hóa chất độc hại;
b) Thiết kế khu sản xuất, bố trí thiết bị
theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, bảo đảm tách
biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo;
c) Có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp
để sản xuất thức ăn chăn nuôi;
d) Có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức
ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;
đ) Có biện pháp kiểm soát sinh vật gây
hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn để không ảnh hưởng đến an toàn, chất
lượng thức ăn chăn nuôi;
e) Có trang thiết bị, dụng cụ đo lường
được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định;
g) Có hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân
tích chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất;
h) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y,
sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch;
i) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa
kháng sinh phải có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo
giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và
thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh;
k) Có biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng
quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn
nuôi tiêu thụ nội bộ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, d,
đ, e, g, i và k khoản 1 Điều này, trừ trường hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi
tiêu thụ nội bộ sử dụng trong chăn nuôi nông hộ.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1
Điều này.
Điều 39. Cấp, cấp
lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn
nuôi
1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy
chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi
đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại,
thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn,
trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất
thức ăn chăn nuôi được cấp lại trong trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin về tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất
thức ăn chăn nuôi.
3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung trong
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;
b) Cơ sở không còn đủ điều kiện quy định
tại khoản 1 Điều 38 của Luật này;
c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp
luật quy định phải thu hồi
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.
4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ
tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn
nuôi thương mại.
Điều 40. Điều kiện mua bán thức ăn chăn nuôi
1. Có trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản
thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp.
2. Nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi
phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.
3. Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây
hại.
Điều 41. Nhập khẩu
thức ăn chăn nuôi
1. Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải được
kiểm tra nhà nước về chất
lượng theo quy định tại khoản 4 Điều 43 của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn
nuôi phải có hoặc thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi đáp ứng yêu cầu bảo đảm
chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ
chức, cá nhân cung cấp.
3. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu
thức ăn chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
Trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm, nuôi thích nghi, nghiên cứu, làm
mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất
khẩu phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực
thi, điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, phòng thử nghiệm tại nước xuất khẩu
theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn
thực phẩm, an toàn dịch bệnh
của thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 42. Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi
1. Hồ sơ, chất lượng thức ăn chăn nuôi
xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Việc xuất khẩu thức ăn chăn nuôi phải
tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 43. Kiểm tra nhà nước về chất lượng
thức ăn chăn nuôi
1. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn
chăn nuôi phải tuân thủ quy định của Luật này, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng
hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi thương
mại sản xuất và lưu hành trong
nước bao gồm:
a) Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp
dụng và công bố hợp quy (nếu có);
b) Việc thực hiện các biện pháp quản lý
chất lượng thức ăn chăn nuôi;
c) Việc thực hiện ghi nhãn sản phẩn thức
ăn chăn nuôi;
d) Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra
sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia tương ứng và quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó tập trung kiểm tra, đánh giá các
chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu
chất chính trong thức ăn chăn
nuôi.
3. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất
lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, thức
ăn truyền thống bao gồm lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra các chỉ tiêu an
toàn quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định khác của
pháp luật có liên quan.
4. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất
lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:
a) Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu;
b) Kiểm tra thực tế về số lượng, khối lượng, quy cách bao
gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, xuất xứ và các chỉ tiêu cảm quan khác của sản phẩm;
c) Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để thử nghiệm
đánh giá sự phù hợp về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
5. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất
khẩu bao gồm:
a) Kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng và
công bố hợp quy (nếu có);
b) Kiểm tra thực tế về quy cách bao gói,
ghi nhãn, hạn sử dụng, cảm quan về sản phẩm;
c) Phân tích chất lượng theo yêu cầu của
doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu.
6. Nội dung kiểm tra nhà nước về thức ăn
chăn nuôi xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về bao gồm:
a) Kiểm tra về nguyên nhân thức ăn chăn
nuôi xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về;
b) Kiểm tra thực tế về quy cách bao gói,
ghi nhãn, hạn sử dụng, cảm quan về sản phẩm;
c) Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra
chất lượng và an toàn của sản phẩm.
7. Việc xử lý vi phạm về chất lượng thức
ăn chăn nuôi được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
thức ăn chăn nuôi tùy theo mức độ vi phạm chất lượng mà bị xử phạt vi phạm hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
b) Xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất
lượng theo hình thức cải chính thông tin, tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng,
tái xuất, tiêu hủy.
8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 44. Lấy mẫu
và thử nghiệm thức ăn chăn nuôi
1. Việc lấy mẫu kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi
được thực hiện theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Người lấy mẫu thức ăn chăn nuôi phục vụ
công tác quản lý nhà nước phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp
chứng chỉ lấy mẫu thức ăn chăn nuôi.
3. Kết quả thử nghiệm thức ăn chăn nuôi phục vụ công
tác quản lý nhà nước chỉ được thừa nhận theo phương pháp thử tại phòng thử
nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định. Trường hợp phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa
được thống nhất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp
dụng tạm thời.
4. Căn cứ thử nghiệm bao gồm các chỉ tiêu
chất lượng do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm công bố áp dụng,
chỉ tiêu an toàn quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Điều 45. Thức ăn
chăn nuôi chứa kháng sinh
1. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi phải là thuốc thú y
được phép lưu hành tại Việt Nam.
2. Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đơn
của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về
thú y để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh.
3. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa
kháng sinh phải tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp
thức ăn chăn nuôi.
4. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải
thể hiện thông tin về tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo
sản phẩm.
5. Chính phủ quy định tiêu chí đối với các
loại vật nuôi ở giai đoạn con non được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa
kháng sinh để phòng bệnh và lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi.
Điều 46. Ghi nhãn
thức ăn chăn nuôi
1. Ghi nhãn thức ăn chăn nuôi thực hiện
theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và theo quy định sau đây:
a) Đối với thức ăn chăn nuôi thương mại thì nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải
thể hiện thông tin về tên sản phẩm, thành phần nguyên liệu chính, chỉ tiêu chất
lượng, nơi sản xuất, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng
dẫn sử dụng; thông tin về tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản
phẩm;
b) Đối với thức ăn chăn nuôi khác thì nhãn
sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo phải có thông tin để nhận biết và truy xuất
được nguồn gốc sản phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định chi tiết về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi.
Điều 47. Quảng cáo
thức ăn chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân quảng cáo thức ăn chăn
nuôi phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
2. Nội dung quảng cáo thức ăn chăn nuôi phải
phù hợp với thông tin sản phẩm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 48. Quyền và
nghĩa vụ của
cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi
1. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có
quyền sau đây:
a) Được hưởng chính sách của Nhà nước có
liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi;
b) Được sản xuất thức ăn chăn nuôi theo
quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến sản xuất thức ăn chăn
nuôi theo quy định của pháp luật;
d) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại ngoài quyền
quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì được gia công các loại thức ăn
chăn nuôi phù hợp theo quy
định của pháp luật.
2. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có
nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở sản xuất
thức ăn chăn nuôi trong quá trình hoạt động;
b) Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm
soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, bảo đảm thức ăn chăn nuôi phù hợp với tiêu
chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, bảo
đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm thức ăn chăn nuôi, lưu quy trình kiểm soát
chất lượng thức ăn chăn nuôi;
c) Chỉ được sử dụng các loại sản phẩm,
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phù hợp với quy định của pháp luật; nguyên liệu
sử dụng trong thành phẩm phải có thời hạn sử dụng tối thiểu bằng thời hạn sử dụng của thành phẩm;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện sản xuất và chất lượng thức
ăn chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp
luật về chất lượng thức ăn chăn nuôi do cơ sở sản xuất;
đ) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thương
mại phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, ghi nhãn thức ăn chăn nuôi và lưu đầy đủ hồ
sơ tại cơ sở sản xuất theo quy định; lưu nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm
thức ăn chăn nuôi trong thời
gian tối thiểu là 02 năm; lưu mẫu thức ăn chăn nuôi trong thời gian tối thiểu
là 30 ngày kể từ ngày sản phẩm hết hạn sử dụng; báo cáo tình hình sản xuất thức
ăn chăn nuôi định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và
thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
Điều 49. Quyền và
nghĩa vụ của cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
1. Cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu
thức ăn chăn nuôi có quyền sau đây:
a) Được hưởng chính sách của Nhà nước có
liên quan đến hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi;
b) Được mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu sản
phẩm thức ăn chăn nuôi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp
luật có liên quan;
c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp
luật.
2. Cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu
thức ăn chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở mua bán, xuất
khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong quá trình hoạt động;
b) Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo đảm chất lượng, thông tin về
nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi;
c) Áp dụng các biện pháp bảo quản chất
lượng sản phẩm theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân sản xuất nhằm duy trì chất
lượng thức ăn chăn nuôi;
d) Niêm yết giá và chấp hành việc kiểm tra
về giá thức ăn chăn nuôi;
đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về
điều kiện mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và chất lượng thức ăn chăn nuôi của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Không mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu sản
phẩm có chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi;
g) Chỉ được mua bán, nhập khẩu các loại
thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
h) Ghi và lưu các thông tin của thức ăn
chăn nuôi trong quá trình mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm truy xuất
nguồn gốc;
i) Xây dựng quy trình đánh giá và lựa chọn
tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; xây dựng
và thực hiện kế hoạch kiểm tra chất lượng lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu
để bảo đảm phù hợp với hợp đồng mua bán, tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy
chuẩn kỹ thuật.
Điều 50. Quyền và
nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi có quyền sau đây:
a) Được cung cấp đầy đủ thông tin về chất
lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá
và hướng dẫn sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi từ tổ chức, cá nhân cung cấp;
b) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến sử dụng thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật;
c) Được bồi thường thiệt hại theo quy định
của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn
nuôi có nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất
lượng và an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường;
b) Tuân thủ quy định của pháp luật và
hướng dẫn của tổ chức, cá nhân cung cấp thức ăn chăn nuôi về vận chuyển, lưu
giữ, bảo quản, sử dụng thức
ăn chăn nuôi;
c) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng thức ăn chăn
nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Phối hợp xử lý thức ăn chăn nuôi và sản
phẩm chăn nuôi vi phạm về chất lượng và an toàn theo quy định của pháp luật;
đ) Ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi
chứa kháng sinh theo quy định.
Điều 51. Quyền và
nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi
1. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi có
quyền sau đây:
a) Được khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi theo
quy định của pháp luật;
b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm
thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật;
c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi có
nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở khảo nghiệm
thức ăn chăn nuôi trong quá
trình hoạt động;
b) Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn
nuôi;
c) Lưu hồ sơ khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi
trong thời gian tối thiểu là 03 năm;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về hoạt động khảo nghiệm thức ăn chăn
nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chương IV
ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ CHĂN NUÔI, XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN
NUÔI
Mục 1. ĐIỀU KIỆN
CƠ SỞ CHĂN NUÔI
Điều 52. Quy mô
chăn nuôi
1. Quy mô chăn nuôi bao gồm các loại sau
đây:
a) Chăn nuôi trang trại bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ;
b) Chăn nuôi nông hộ.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 53. Đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi
1. Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của
gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới
tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống.
2. Mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số
đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp.
3. Việc xác định quy mô chăn nuôi phải căn
cứ vào mật độ chăn nuôi.
4. Chính phủ quy định mật độ chăn nuôi cho
từng vùng căn cứ vào chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, môi
trường sinh thái.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào mật
độ chăn nuôi của vùng quy định mật độ chăn nuôi của tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương.
Điều 54. Kê khai
hoạt động chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai
hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định
loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê
khai hoạt động chăn nuôi.
Điều 55. Chăn nuôi
trang trại
1. Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các
điều kiện sau đây:
a) Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với
chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu
về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật này;
b) Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho
hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;
c) Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy
định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Có chuồng trại, trang thiết bị chăn
nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;
đ) Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động
chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để
bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm
sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;
e) Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn
nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ
nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại
quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại bảo đảm an
toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Điều 56. Chăn nuôi
nông hộ
Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu
sau đây:
1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở
của người;
2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc
chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh
phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải
chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Điều 57. Quyền và
nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau
đây:
a) Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai
hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này được hỗ trợ thiệt
hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp
luật;
b) Được hưởng chính sách của Nhà nước có
liên quan đến hoạt động chăn nuôi;
c) Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;
d) Quảng bá sản phẩm theo quy định của
pháp luật;
đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan
đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ
sau đây:
a) Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi
theo quy định tại Điều 54 của Luật này;
b) Thực hiện các biện pháp an toàn sinh
học, vệ sinh môi trường trong
chăn nuôi;
c) Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định
của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi
theo quy định của pháp luật.
Điều 58. Cấp, cấp
lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang
trại quy mô lớn
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền
cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi
được cấp lại trong trường hợp
sau đây:
a) Bị mất, bị hỏng;
b) Thay đổi thông tin về tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn
nuôi.
3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi
bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn
nuôi;
b) Cơ sở chăn nuôi trang trại không còn đủ điều kiện quy định tại
Điều 55 của Luật này;
c) Cơ sở chăn nuôi trang trại có hành vi vi phạm khác mà pháp luật
quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
4. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ
tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Mục 2. XỬ LÝ CHẤT
THẢI CHĂN NUÔI
Điều 59. Xử lý
chất thải trong chăn nuôi trang trại
1. Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải
rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác.
2. Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc
hữu cơ được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi
trang trại có trách nhiệm xử
lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước
khi sử dụng cho cây trồng
hoặc làm thức ăn cho thủy sản;
b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa
xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử
dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng;
c) Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải
nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi
trường.
3. Việc xử lý nước thải chăn nuôi được quy
định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi
trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn
nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả
thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;
c) Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận
chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý
phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
4. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.
5. Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp
luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Điều 60. Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ
Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các
yêu cầu sau đây:
1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí
thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung
quanh;
2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải
nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi
trường.
Điều 61. Xử lý
tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi
1. Tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra
từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi.
2. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi
trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ phải xử lý tiếng ồn phát
ra trong hoạt động chăn nuôi
đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.
Điều 62. Quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi
1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi
trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật;
b) Có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã
công bố áp dụng;
c) Thông tin về sản phẩm đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần
đầu được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo
nghiệm ở Việt Nam phải khảo nghiệm trước khi công bố sản phẩm.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 63. Quản lý
cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi
1. Quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý
chất thải chăn nuôi bao gồm:
a) Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải
nguy hại;
b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường
hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi
trường;
c) Dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất sản phẩm;
d) Thiết bị, dụng cụ đo lường để giám sát
chất lượng, bảo đảm độ chính xác theo quy định của pháp luật về đo lường;
đ) Kho bảo quản sản phẩm xử lý chất thải,
chăn nuôi cần chế độ bảo quản riêng;
e) Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ
đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công
nghệ sinh học, công nghệ môi trường.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chương V
CHĂN NUÔI ĐỘNG VẬT KHÁC VÀ ĐỐI XỬ NHÂN ĐẠO VỚI VẬT
NUÔI
Mục 1. CHĂN NUÔI
ĐỘNG VẬT KHÁC
Điều 64. Quản lý nuôi chim yến
1. Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ
thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến.
2. Hoạt động nuôi chim yến bao gồm dẫn dụ,
ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến.
3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim
yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch
bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 65. Quản lý
nuôi ong mật
1. Đàn ong nuôi lấy mật là đàn ong đã được
thuần hóa và phải bảo đảm an toàn dịch bệnh.
2. Tổ chức, cá nhân nuôi ong lấy mật phải
bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn ong, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong, vệ sinh
an toàn thực phẩm đối với sản
phẩm khai thác từ ong mật.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định về khoảng cách giữa các điểm đặt ong mật, phương thức di
chuyển đàn ong mật, cây trồng,
vùng hoa nuôi ong mật, sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng.
Điều 66. Quản lý
nuôi chó, mèo
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu
cầu sau đây:
1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó,
mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng
bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y
cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người
và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi
thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 67. Quản lý
nuôi hươu sao
1. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nuôi
hươu sao đã được thuần hóa, có nguồn gốc hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về
nguồn gốc của hươu sao được nuôi.
2. Tổ chức, cá nhân nuôi hươu sao phải có
chuồng nuôi phù hợp với đặc tính sinh học của hươu sao, bảo đảm an toàn cho
người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh
thú y, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 68. Quản lý
chăn nuôi động vật khác
1. Tổ chức, cá nhân được chăn nuôi động
vật khác quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật này và động vật khác
thuộc Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi.
2. Chính phủ ban hành Danh mục động vật
khác được phép chăn nuôi. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy
định việc chăn nuôi động vật khác thuộc Danh mục động vật khác được phép chăn
nuôi.
Mục 2. ĐỐI XỬ NHÂN
ĐẠO VỚI VẬT NUÔI
Điều 69. Đối xử
nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi
phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;
2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm
vệ sinh;
3. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định
của pháp luật về thú y;
4. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Điều 70. Đối xử
nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển
Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải
thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận
chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương,
sợ hãi cho vật nuôi;
2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật
nuôi;
3. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Điều 71. Đối xử
nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ
Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các
yêu cầu sau đây:
1. Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ;
2. Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập,
hành hạ vật nuôi;
3. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước
khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Điều 72. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác
1. Vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác
phải được đối xử nhân đạo theo quy định tại các điều 69, 70 và 71 của Luật này.
2. Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn
trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được
cộng đồng xã hội chấp thuận.
Chương VI
CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI
Điều 73. Giết mổ vật nuôi
1. Việc giết mổ vật nuôi phải tuân thủ quy
định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
2. Cơ sở giết mổ phải có hồ sơ về nguồn
gốc, xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào
giết mổ.
Điều 74. Mua bán,
sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi
1. Cơ sở mua bán, sơ chế, chế biến sản
phẩm chăn nuôi phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực
phẩm, bảo vệ môi trường.
2. Sản phẩm chăn nuôi được mua bán, sơ
chế, chế biến phải có xuất xứ rõ ràng bảo đảm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
3. Mua bán sản phẩm chăn nuôi tại vùng
công bố dịch bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y.
4. Không sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ sơ
chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được
phép sử dụng hoặc trong danh
mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; hóa chất không rõ nguồn
gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm là sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp
luật.
Điều 75. Bảo quản
sản phẩm chăn nuôi
1. Việc bảo quản sản phẩm chăn nuôi tại cơ
sở sơ chế, chế biến, nơi bày bán và trong vận chuyển phải thực hiện theo quy
định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
2. Không sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ bảo
quản sản phẩm chăn nuôi đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử
dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép;
hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng để bảo quản sản phẩm chăn
nuôi theo quy định của pháp luật.
3. Ghi rõ thời gian, thời hạn và quy định kỹ thuật trong bảo quản
sản phẩm chăn nuôi để người sử dụng sản phẩm chăn nuôi biết.
Điều 76. Dự báo
thị trường sản phẩm chăn nuôi
1. Hằng năm, Bộ Công Thương dự báo nhu cầu
thị trường về sản phẩm chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo
nguồn cung sản phẩm chăn nuôi; công bố trên bản tin chuyên ngành, phương tiện
thông tin đại chúng.
2. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật giá và thị trường
sản phẩm chăn nuôi trong nước
theo tuần, thị trường quốc tế theo tháng và theo yêu cầu quản lý nhà nước, công bố trên bản tin chuyên ngành, phương tiện thông
tin đại chúng.
Điều 77. Xuất khẩu
vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu
sản phẩm chăn nuôi và vật nuôi không thuộc Danh mục giống vật nuôi cấm xuất
khẩu.
2. Hồ sơ, chất lượng vật nuôi và sản phẩm
chăn nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu và phù
hợp với quy định của pháp
luật Việt Nam.
Điều 78. Nhập khẩu
vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi
1. Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập
khẩu phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn
thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Trước khi vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam tại cửa khẩu theo quy định, vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi
nhập khẩu phải được kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch
bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra về văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức
thực thi, điều kiện sản xuất, kinh doanh vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi tại nước xuất xứ theo quy định của
pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập
khẩu lần đầu từ nước xuất xứ;
c) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất
lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của sản phẩm chăn nuôi
nhập khẩu vào Việt Nam;
d) Trường hợp sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu
có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, cung cấp tại nước xuất xứ trước khi cho
phép nhập khẩu.
4. Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vi phạm
pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh phải được thu
hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản
3 Điều này; việc nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm và cửa khẩu được phép
tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam.
Chương VII
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHĂN NUÔI
Điều 79. Trách
nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước
về chăn nuôi trong phạm vi cả
nước.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi trong phạm vi cả nước và có trách nhiệm sau
đây:
a) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược,
kế hoạch, đề án trong chăn nuôi;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp
có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong chăn nuôi;
c) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia trong chăn nuôi; quy định chỉ tiêu chất lượng bắt buộc phải công bố; xây dựng và hướng dẫn quy trình
thực hành chăn nuôi tốt;
d) Tổ chức thống kê, điều tra cơ bản, báo
cáo trong chăn nuôi;
đ) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ
cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương
trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về
chăn nuôi;
g) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ
biến, giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
h) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi theo
thẩm quyền;
i) Đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế về
chăn nuôi.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan,
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Điều 80. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi
thuộc phạm vi quản lý;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp
có thẩm quyền ban hành văn
bản hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật về chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng,
ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chăn nuôi;
c) Xây dựng nội dung chiến lược phát triển
chăn nuôi của địa phương phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi trên phạm vi cả nước và chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương;
d) Xây dựng và tổ chức vùng chăn nuôi, sản
xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi
trường;
đ) Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ
biến, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu
nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi
trên địa bàn;
g) Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất,
bảo đảm nguồn nước để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết
mổ tập trung theo thẩm quyền; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều
kiện chăn nuôi đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn;
h) Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết
định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không
được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di
dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình,
có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền,
phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
b) Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất
theo thẩm quyền để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi;
c) Tổ chức quản lý, phát triển chăn nuôi
tại địa phương; thống kê,
đánh giá và hỗ trợ thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi sau thiên tai, dịch bệnh;
d) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi trong
địa bàn huyện theo thẩm quyền.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về chăn nuôi;
b) Tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt
động chăn nuôi trên địa bàn;
c) Thống kê cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi,
cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
Điều 81. Trách
nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của
Mặt trận, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình,
có trách nhiệm tuyên truyền,
vận động thực hiện chính sách, pháp luật về chăn nuôi; tham gia góp ý kiến xây
dựng pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
xã hội tham gia góp ý kiến xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực thuộc ngành
chăn nuôi, tham gia thực hiện hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 82. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày
01 tháng 01 năm 2020.
2. Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này
có hiệu lực thi hành.
Điều 83. Quy định
chuyển tiếp
1. Tổ chức, phòng thử nghiệm đã được chỉ
định; giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ trong chăn nuôi đã được cấp trước ngày Luật
này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
2. Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động
trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thuộc khu vực quy định tại khoản 1
Điều 12 của Luật này thì trong
thời hạn là 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt
động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.
3. Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động
trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng điều kiện chăn nuôi
thì trong thời hạn là 05 năm
kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi
đáp ứng quy định của Luật này.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Thị Kim Ngân
|