Hotline: 098.203.3335
TRANH TỤNG - TỐ TỤNG HÌNH SỰ - DÂN SỰ - HÀNH CHÍNH - ĐẤT ĐAI - HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
 

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP


Trụ sở chính:
Trụ sở chính: 38LK9, Tổng cục V, Bộ Công an, Tân Triều, Hà Nội

098 203 3335 (24/7)
luathongthai@gmail.com

Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

(Số lần đọc 936)
Mục lục bài viết [HIỆN]

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2007/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/2006/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ;

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ như sau.

Chương I

THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Mục 1NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1.1 Các quyền sở hữu công nghiệp phát sinh/được xác lập dựa trên các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29.11.2005 (sau đây gọi là “Luật Sở hữu trí tuệ”), các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Nghị định về sở hữu công nghiệp”) và theo quy định cụ thể tại điểm này.

1.2 Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là “thiết kế bố trí”), kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp văn bằng bảo hộ cho người đăng ký các đối tượng đó. Người được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là chủ sở hữu và được hưởng quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp trong phạm vi bảo hộ ghi trong văn bằng bảo hộ và trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Khi xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền sử dụng văn bằng bảo hộ làm căn cứ chứng minh quyền của mình mà không cần chứng cứ nào khác.

1.3 Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

1.4 Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid và Nghị định thư Madrid (sau đây gọi là “nhãn hiệu đăng ký quốc tế”) được xác lập trên cơ sở quyết định chấp nhận bảo hộ hoặc giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do Cục Sở hữu trí tuệ cấp theo yêu cầu của chủ nhãn hiệu. Quyết định và giấy chứng nhận nói trên có giá trị như văn bằng bảo hộ cấp cho người đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

1.5 Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi khiến cho nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ phù hợp quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.

1.6 Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với tên thương mại, chủ thể có tên thương mại phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện thời gian, lãnh thổ, lĩnh vực trong đó tên thương mại đã được chủ thể đó sử dụng.

1.7 Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ hoặc kết quả của hoạt động hợp pháp khác để tìm ra, tạo ra hoặc có được thông tin tạo thành bí mật kinh doanh và bảo mật thông tin đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với bí mật kinh doanh, chủ thể có bí mật kinh doanh phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện hoạt động mà trong đó thông tin tạo thành bí mật kinh doanh được tạo ra, tìm ra, có được và biện pháp bảo mật thông tin đó.

1.8 Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở thực tiễn của hoạt động cạnh tranh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, chủ thể phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ thể hiện đối tượng, lĩnh vực, lãnh thổ, thời gian kinh doanh liên quan đến hoạt động cạnh tranh.

2. Chủ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

2.1 Chủ đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “chủ đơn”) là tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Khi văn bằng bảo hộ sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được cấp, chủ đơn sẽ được ghi nhận là chủ văn bằng bảo hộ. Khi văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp, chủ đơn được ghi nhận là người đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.

2.2 Chủ đơn phải đáp ứng các điều kiện về quyền đăng ký sở hữu công nghiệp quy định tại các điều 86, 87, 88 của Luật Sở hữu trí tuệ và các điều 7, 8, 9 của Nghị định về sở hữu công nghiệp. Nếu không đáp ứng các điều kiện đó, việc đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ.

3. Đại diện của chủ đơn

3.1 Chủ đơn có thể tự mình hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp tại Cục

Sở hữu trí tuệ theo quy định tại điểm này và điểm 4 của Thông tư này.

3.2 Những tổ chức, cá nhân sau đây có thể đại diện cho chủ đơn:

a) Đối với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ:

(i) Trường hợp chủ đơn là cá nhân: người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chủ đơn, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo uỷ quyền của chủ đơn;

(ii) Trường hợp chủ đơn là tổ chức: người đại diện theo pháp luật của chủ đơn hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của chủ đơn uỷ quyền; tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo uỷ quyền của chủ đơn); người đứng đầu văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam (nếu chủ đơn là tổ chức nước ngoài).

b) Đối với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Sở hữu trí tuệ: tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo uỷ quyền của chủ đơn).

3.3 Khi tiến hành các thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ chỉ được phép giao dịch với chủ đơn hoặc người đại diện hợp pháp của chủ đơn. Những tổ chức, cá nhân không thuộc các trường hợp nêu tại điểm 3.2 của Thông tư này mà thực hiện việc đại diện cho chủ đơn đều bị coi là đại diện không hợp pháp.

4. Uỷ quyền đại diện tiến hành các thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp

4.1 Việc uỷ quyền đại diện và thực hiện uỷ quyền đại diện tiến hành các thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “uỷ quyền”) phải phù hợp với quy định pháp luật về uỷ quyền tại Phần thứ ba của Bộ luật Dân sự và các quy định tại Thông tư này.

4.2 Việc uỷ quyền phải được thể hiện thành văn bản (giấy uỷ quyền) và phải có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

b) Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền (nếu có);

c) Phạm vi uỷ quyền, khối lượng công việc được uỷ quyền;

d) Thời hạn uỷ quyền (giấy uỷ quyền không có thời hạn chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền);

e) Ngày ký giấy uỷ quyền;

g) Chữ ký (ghi rõ họ tên, chức vụ và con dấu, nếu có) của người đại diện hợp pháp của bên uỷ quyền (và của bên nhận thay thế uỷ quyền, bên nhận tái uỷ quyền, nếu có).

4.3 Thời điểm giấy uỷ quyền có giá trị pháp lý trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ được xác định như sau:

a) Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được giấy uỷ quyền hợp lệ;

b) Ngày Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận việc thay thế uỷ quyền hoặc tái uỷ quyền hợp lệ;

c) Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được thông báo thay đổi phạm vi uỷ quyền, chấm dứt uỷ quyền trước thời hạn, thay đổi địa chỉ của bên nhận uỷ quyền.

4.4 Trong trường hợp thay thế uỷ quyền hoặc tái uỷ quyền, giấy uỷ quyền chỉ được coi là hợp lệ nếu bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền có cam kết chịu trách nhiệm về mọi vấn đề phát sinh do bên uỷ quyền thực hiện trong giao dịch trước đó với Cục Sở hữu trí tuệ.

4.5 Nếu giấy uỷ quyền có phạm vi uỷ quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc giấy uỷ quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được uỷ quyền phải nộp bản sao giấy uỷ quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc giấy uỷ quyền đó.

5. Trách nhiệm của chủ đơn và đại diện của chủ đơn

5.1 Chủ đơn và đại diện của chủ đơn có trách nhiệm bảo đảm sự trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong quá trình đăng ký sở hữu công nghiệp theo các quy định sau đây:

a) Mọi tài liệu giao dịch phải được chủ đơn tự xác nhận bằng chữ ký của mình hoặc của đại diện, được đóng dấu xác nhận của tổ chức (nếu có). Trường hợp cần có xác nhận công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác thì phải được xác nhận theo quy định;

b) Mọi bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu tiếng nước ngoài đều phải có cam kết của chủ đơn hoặc của đại diện bảo đảm là dịch nguyên văn từ bản gốc.

5.2 Chủ đơn phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả và nghĩa vụ phát sinh do đại diện của chủ đơn thực hiện trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ.

5.3 Đại diện của chủ đơn phải chịu trách nhiệm trước chủ đơn về mọi hậu quả do việc khai báo, cung cấp thông tin không trung thực gây ra trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5.4 Sau đây, trừ những quy định riêng, chủ đơn và đại diện của chủ đơn được gọi chung là “người nộp đơn”.

6. Xử lý ý kiến của người thứ ba trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ

6.1 Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền có ý kiến bằng văn bản gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và về những vấn đề khác liên quan đến đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ. Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

6.2 Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của người thứ ba, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người thứ ba và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người thứ ba trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó. Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến của người nộp đơn và người thứ ba trên cơ sở chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp và tài liệu có trong đơn.

6.3 Trong trường hợp xét thấy ý kiến của người thứ ba là không có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ không phải thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, nhưng phải thông báo cho người thứ ba về việc từ chối xem xét ý kiến, có nêu rõ lý do.

6.4 Trong trường hợp ý kiến của người thứ ba liên quan đến quyền đăng ký, nếu xét thấy không thể xác định ý kiến của người thứ ba là có cơ sở hay không, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo để người thứ ba nộp đơn cho Toà án giải quyết. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo mà người thứ ba không thông báo cho Cục Sở hữu trí tuệ về việc đã nộp đơn cho Toà án giải quyết thì Cục Sở hữu trí tuệ coi như người thứ ba rút bỏ ý kiến. Nếu Cục Sở hữu trí tuệ được thông báo trong thời hạn như trên của người thứ ba, Cục Sở hữu trí tuệ tạm dừng việc xử lý đơn để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Toà án. Sau khi nhận được kết quả giải quyết của Toà án việc xử lý đơn sẽ được tiến hành phù hợp với kết quả đó.

6.5 Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người thứ ba và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết và có yêu cầu của cả hai bên.

6.6 Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người thứ ba không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

7. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

7.1 Tài liệu tối thiểu

Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “đơn”) nếu khi được nộp, đơn có ít nhất các loại tài liệu quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 108 của Luật Sở hữu trí tuệ và quy định cụ thể sau đây:

a) Đối với đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, các tài liệu bắt buộc phải có để đơn được tiếp nhận gồm:

(i) Tờ khai đăng ký;

(ii) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký;

Cụ thể: đối với đơn đăng ký sáng chế là bản mô tả sáng chế; đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bộ ảnh chụp, bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; đối với đơn đăng ký nhãn hiệu là mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý là bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

(iii) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Nếu thiếu một trong các tài liệu nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền từ chối tiếp nhận đơn.

b) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu quy định tại điểm 7.1.a trên đây, đơn còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu sau đây:

(i) Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;

(ii) Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);

(iii) Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm).

7.2 Yêu cầu đối với đơn

a) Đơn phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ và các yêu cầu riêng đối với từng loại đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại các điều 102, 103, 104, 105, 106 của Luật Sở hữu trí tuệ được hướng dẫn chi tiết tại các điểm 23, 28, 33, 37 và 43 của Thông tư này.

b) Để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình xử lý, đơn còn phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức sau đây:

(i) Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn;

(ii) Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu có thể được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định tại điểm 7.3 và điểm 7.4 của Thông tư này;

(iii) Mọi tài liệu của đơn đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;

(iv) Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;

(v) Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;

(vi) Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xoá, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;

(vii) Thuật ngữ dùng trong đơn phải là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam;

(viii) Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

c) Đơn phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về số lượng bản tài liệu, mẫu, bản vẽ, ảnh chụp và yêu cầu cụ thể đối với từng loại đơn tương ứng quy định tại Thông tư này.

d) Tờ khai và tài liệu khác của đơn phải bảo đảm có đầy đủ các thông tin bắt buộc và thống nhất; bản dịch tiếng Việt của tài liệu đơn phải phù hợp với bản gốc; giấy uỷ quyền phải bao hàm nội dung công việc thuộc phạm vi uỷ quyền.

e) Đối tượng nêu trong đơn phải được phân nhóm, phân loại chính xác theo quy định.

g) Đối với các tài liệu yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (cơ quan đã nhận đơn đầu tiên, công chứng, uỷ ban nhân dân...) thì phải có con dấu xác nhận của cơ quan đó.

7.3 Các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt nhưng phải được dịch ra tiếng Việt:

a) Giấy uỷ quyền;

b) Tài liệu xác nhận quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác (chứng nhận thừa kế; chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả chuyển giao đơn đã nộp; hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động...);

c) Các tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên (xác nhận của cơ quan nhận đơn đối với bản sao đơn (các đơn) đầu tiên; danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên; giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác).

7.4 Các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt, nhưng nếu Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu thì phải được dịch ra tiếng Việt:

a) Bản sao đơn đầu tiên để chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên;

b) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.