CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 22/2018/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2018
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM
2005 VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM 2009 VỀ
QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng
11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (sau đây gọi chung là Luật sở
hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả,
người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật sở hữu trí
tuệ.
2. Tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến quyền tác giả,
quyền liên quan.
3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước
về quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều 3. Giải thích
từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Tác phẩm di cảo là tác phẩm được công
bố lần đầu sau khi tác giả chết.
2. Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không
hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.
3. Định hình là sự biểu hiện bằng chữ
viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh
hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có
thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt.
4. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại
dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu
tiên.
5. Bản sao của tác phẩm là bản sao chép
trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện
hay hình thức nào.
6. Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình
các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc
việc định hình sự tái hiện
lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm
điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự.
7. Bản sao của bản ghi âm, ghi hình là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một
phần hoặc toàn bộ bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức
nào.
8. Công bố cuộc biểu diễn đã định hình
hoặc bản ghi âm, ghi hình là việc phát hành các bản sao của cuộc biểu diễn đã
được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình tới công chúng với sự đồng ý của chủ
sở hữu quyền liên quan.
9. Tái phát sóng là việc truyền dẫn phát
sóng lại hoặc tiếp sóng chương trình của một tổ chức phát sóng.
10. Tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã
được mã hóa là tín hiệu vệ tinh mang chương trình được truyền đi mà một trong
hai đặc tính âm thanh, hình ảnh hoặc cả hai đặc tính này đã được biến đổi, thay
đổi nhằm mục đích ngăn cản những người không có thiết bị giải mã tín hiệu vệ
tinh hợp pháp thu trái phép chương trình truyền trong tín hiệu đó.
11. Tác phẩm của tổ chức, cá nhân nước
ngoài được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam là tác phẩm chưa được công bố ở
bất kỳ nước nào trước khi công bố tại Việt Nam.
12. Công bố đồng thời là việc công bố tác
phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ
ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở bất kỳ nước nào.
13. Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng
tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp chủ sở
hữu quyền tác giả không đồng
thời là tác giả.
14. Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng
tác phẩm trả cho chủ sở hữu quyền tác giả; bên sử dụng cuộc biểu diễn trả cho
người biểu diễn hoặc chủ sở hữu cuộc biểu diễn.
15. Quyền lợi vật chất là khoản tiền do
bên sử dụng bản ghi âm, ghi hình trả cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, bên
sử dụng chương trình phát sóng trả cho tổ chức phát sóng.
16. Quyền lợi vật chất khác là các lợi ích
mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được hưởng
ngoài tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất như việc nhận giải thưởng,
nhận sách biếu khi xuất bản, nhận vé mời xem chương trình biểu diễn, trình
chiếu tác phẩm điện ảnh, trưng bày, triển lãm tác phẩm.
Điều 4. Chính sách
của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan
1. Hỗ trợ tài chính để mua bản quyền cho
các cơ quan, tổ chức Nhà nước có nhiệm vụ phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có giá trị tư tưởng, khoa học,
giáo dục và nghệ thuật phục vụ lợi ích công cộng, góp phần phát triển kinh tế -
xã hội.
2. Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng
công chức, viên chức làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả,
quyền liên quan từ trung ương đến địa phương.
3. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học và
công nghệ trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
4. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận
thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường
giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ
sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
5. Huy động các nguồn lực của xã hội đầu
tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Điều 5. Trách nhiệm
và nội dung quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước
về quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu
trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền
liên quan, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Xây dựng, ban hành, chỉ đạo và tổ chức
thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác
giả, quyền liên quan.
c) Quản lý, khai thác quyền tác giả đối
với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình,
chương trình phát sóng thuộc về sở hữu nhà nước; nhận chuyển giao quyền tác giả
của các tổ chức, cá nhân cho nhà nước theo quy định của pháp luật.
d) Hướng dẫn việc cung cấp, hợp tác, đặt
hàng, sử dụng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối
với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
đ) Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
về quyền tác giả, quyền liên quan.
e) Quản lý hoạt động của các tổ chức đại
diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác
giả, quyền liên quan.
g) Cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy
chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
h) Lập và quản lý Sổ đăng ký quốc gia về
quyền tác giả, quyền liên quan.
i) Xuất bản và phát hành Công báo về quyền
tác giả, quyền liên quan.
k) Tổ chức, chỉ đạo hoạt động giáo dục,
tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cơ chế, chính sách và hoạt động
thông tin, thống kê về quyền tác giả, quyền liên quan.
l) Quản lý hoạt động giám định về quyền
tác giả, quyền liên quan.
m) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp
luật về quyền tác giả, quyền liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền
tác giả, quyền liên quan.
n) Thực hiện hợp tác quốc tế về quyền tác
giả, quyền liên quan.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp
với Bộ Văn hóa Thể thao và Du
lịch trong việc quản lý nhà nước về quyền tác giả quyền liên quan.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản
lý nhà nước về quyền tác giả,
quyền liên quan tại địa phương, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Tổ chức các hoạt động bảo hộ quyền tác
giả, quyền liên quan tại địa phương; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm
quyền các khiếu nại, tố cáo, vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả,
quyền liên quan tại địa phương.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy
định của pháp luật.
Chương II
QUYỀN TÁC GIẢ
Điều 6. Tác giả,
đồng tác giả
1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra
một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
2. Đồng tác giả là những tác giả cùng trực
tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
3. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp
tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả
hoặc đồng tác giả.
Điều 7. Tác phẩm
thể hiện dưới dạng ký tự khác
Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác quy
định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là
tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký
hiệu tương tự thay cho chữ viết mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được
bằng nhiều hình thức khác nhau.
Điều 8. Quyền tác
giả đối với bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác
1. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói
khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ
là tác phẩm thể hiện bằng
ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
2. Trong trường hợp tác giả tự thực hiện
việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi
âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát
biểu, bài nói khác, đồng thời
là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật sở hữu trí tuệ.
Điều 9. Tác phẩm
báo chí
Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm có
nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi
nhanh, tường thuật, phỏng vấn,
phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại
báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc
các phương tiện khác.
Điều 10. Tác phẩm
âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được
thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc
được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc
vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Điều 11. Quyền tác
giả đối với tác phẩm sân khấu
1. Tác phẩm sân khấu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm
thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối,
kịch nói, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu
diễn khác.
2. Tác phẩm sân khấu được sáng tạo bởi các
tác giả quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều
19 và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu
trí tuệ.
4. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu
quyền tác giả được hưởng các
quyền nhân thân quy định tại
các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ;
chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản
3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
5. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài
chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể thỏa thuận về
việc sửa chữa tác phẩm.
Điều 12. Quyền tác
giả đối với tác phẩm điện ảnh
1. Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo
ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1
Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bằng hình ảnh
động kết hợp hoặc không kết hợp với âm thanh và các phương tiện khác theo
nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác
phẩm điện ảnh đó.
2. Tác phẩm điện ảnh được sáng tạo bởi các
tác giả quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tác giả được hưởng các quyền nhân thân
quy định tại Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ và các quyền
tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
4. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu
quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19
của Luật sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy
định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
5. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài
chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể thỏa thuận về
việc sửa chữa tác phẩm.
Điều 13. Tác phẩm
tạo hình, mỹ thuật ứng dụng
1. Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm
được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa,
điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt
và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với
loại hình đồ họa, có thể được
thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
2. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại
điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm
được thể hiện bởi đường nét,
màu sắc, hình khối, bố cục
với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất
thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu
trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng
sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.
Điều 14. Tác phẩm
nhiếp ảnh
Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể
hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện
mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học,
điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích
hoặc không có chú thích.
Điều 15. Quyền tác
giả đối với tác phẩm kiến trúc
1. Tác phẩm kiến trúc quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm
thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:
a) Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình
hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh.
b) Công trình kiến trúc.
2. Tác giả được hưởng các quyền nhân thân
quy định tại Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ và các quyền
tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu
quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản
1, 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả
được hưởng các quyền quy định
tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
4. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài
chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm có thể thỏa thuận về
việc sửa chữa tác phẩm.
Điều 16. Bản họa
đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ
Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ quy định
tại điểm k khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ bao gồm
họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa
học và kiến trúc.
Điều 17. Quyền tác
giả đối với chương trình máy tính
1. Tác giả được hưởng các quyền nhân thân
quy định tại Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ và các quyền
tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu
quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19
của Luật sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy
định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài
chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo chương trình máy tính có thể
thỏa thuận về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính.
4. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp
pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm một bản sao dự phòng, để thay thế
khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được.
Điều 18. Tác phẩm
văn học, nghệ thuật dân gian
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ
là các loại hình nghệ thuật ngôn từ.
2. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm
b và c khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật
biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, làn điệu âm nhạc; điệu
múa, vở diễn, trò chơi dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian.
3. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ được
bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình.
4. Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật
dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật sở hữu trí tuệ
là việc sưu tầm, nghiên cứu,
biểu diễn, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân
gian.
5. Dẫn chiếu xuất xứ loại hình tác phẩm văn học, nghệ
thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật sở hữu trí
tuệ là việc chỉ ra nguồn gốc, địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm
văn học, nghệ thuật dân gian được hình thành.
Điều 19. Đối tượng
không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy
định tại khoản 1 Điều 15 của Luật sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ
mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.
2. Văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ
quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị
xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị
lực lượng vũ trang nhân dân.
Điều 20. Quyền
nhân thân
1. Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại
khoản 1 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ. Quyền này không áp
dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
2. Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép
người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của
Luật sở hữu trí tuệ là việc phát hành tác phẩm đến công chúng với số lượng
bản sao hợp lý để đáp ứng nhu
cầu của công chúng tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu
quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý
của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Công bố tác phẩm không bao gồm việc
trình diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc trước công chúng một
tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm
tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.
3. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm,
không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản
4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa,
cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp
có thoả thuận của tác giả.
Điều 21. Quyền tài
sản
1. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công
chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí
tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép
người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông
qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng
có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu
diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
2. Quyền sao chép tác phẩm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của
chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện
việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm
cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.
3. Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao
tác phẩm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu
trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho
phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà
công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển
nhượng khác bản gốc hoặc bản
sao tác phẩm.
4. Quyền truyền đạt tác phẩm đến công
chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ
phương tiện kỹ thuật nào khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều
20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện
việc đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể
tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.
5. Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác
phẩm điện ảnh, chương trình máy tính quy định tại điểm e khoản
1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc
quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.
6. Quyền cho thuê đối với chương trình máy
tính không áp dụng trong trường hợp bản thân chương trình đó không phải là đối
tượng chủ yếu để cho thuê như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình
thường các loại phương tiện giao thông hoặc các máy móc, thiết bị kỹ thuật
khác.
Điều 22. Sao chép
tác phẩm
1. Tự sao chép một bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ áp dụng đối với
các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích
thương mại.
2. Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư
viện với mục đích nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều
25 của Luật sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá một bản. Thư viện
không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao
kỹ thuật số.
Điều 23. Trích dẫn
hợp lý tác phẩm
Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai
ý tác giả để bình luận hoặc minh
họa trong tác phẩm của mình quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ phải đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới
thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.
2. Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng
để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử
dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được
sử dụng để trích dẫn.
Điều 24. Thời hạn
bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo
Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân quy định
tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm di cảo là năm
mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
Điều 25. Chủ sở
hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 36 của Luật sở hữu trí tuệ bao gồm:
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm
được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm
được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm
được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 26. Chuyển
nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh
Việc hưởng quyền đối với tác phẩm khuyết
danh quy định tại khoản 2 Điều 41 và điểm a khoản 1 Điều 42 của
Luật sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:
1. Tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm
khuyết danh được chuyển nhượng
quyền đối với tác phẩm khuyết danh cho tổ chức, cá nhân khác và được hưởng thù
lao từ việc chuyển nhượng quyền đó.
2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng
quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng quyền của chủ sở hữu đến
khi danh tính của tác giả được xác định.
Điều 27. Sử dụng
tác phẩm thuộc về Nhà nước
1. Tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đặt
hàng, giao nhiệm vụ hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm là đại
diện Nhà nước - chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc
sở hữu nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này phải được phép của chủ sở hữu
quyền tác giả và tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại các khoản
1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc
sở hữu nhà nước quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42
của Luật sở hữu trí tuệ phải tôn trọng quyền nhân thân theo quy định tại
các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ.
4. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân
khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại khoản 2 và khoản
3 Điều này có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định
của pháp luật.
Điều 28. Sử dụng
tác phẩm thuộc về công chúng
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm thuộc
về công chúng quy định tại Điều 43 của Luật sở hữu trí tuệ
phải tôn trọng quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4
Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân
có quyền và nghĩa vụ liên quan khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền nhân
thân theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật sở
hữu trí tuệ đối với các tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ thì có quyền
yêu cầu người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính
công khai; có quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên
quan có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ các quyền nhân thân
đối với những tác phẩm của Hội viên đã kết thúc thời hạn bảo hộ.
Chương III
QUYỀN LIÊN QUAN
Điều 29. Quyền của
người biểu diễn
1. Quyền sao chép trực tiếp cuộc biểu diễn
đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm
b khoản 3 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu cuộc biểu
diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản
sao khác từ bản ghi âm, ghi hình đó.
2. Quyền sao chép gián tiếp cuộc biểu diễn
đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm
b khoản 3 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu cuộc biểu
diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản
sao khác không từ bản ghi âm, ghi hình đó như việc sao chép từ chương trình
phát sóng, mạng thông tin điện tử, viễn thông và các hình thức tương tự khác.
3. Quyền truyền theo cách khác đến công
chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình theo quy định tại điểm
c khoản 3 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu cuộc biểu
diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc phổ biến cuộc
biểu diễn chưa được định hình đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào ngoài phát sóng.
Điều 30. Trích dẫn
hợp lý cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng
1. Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp
thông tin theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật sở
hữu trí tuệ là việc sử dụng các trích đoạn nhằm mục đích thuần túy đưa tin.
2. Việc trích dẫn hợp lý quy định tại
khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới
thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin.
b) Phần trích dẫn từ cuộc biểu diễn, bản
ghi âm, ghi hình, chương
trình phát sóng không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, quyền của
nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đối với cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích
dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình,
chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn.
Điều 31. Bản sao
tạm thời
Bản sao tạm thời quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 của Luật sở hữu trí tuệ là bản định
hình có thời hạn, do tổ chức
phát sóng thực hiện bằng các phương tiện thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó
của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu
trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức.
Điều 32. Sử dụng
bản ghi âm, ghi hình
1. Sử dụng trực tiếp bản ghi âm, ghi hình
đã được công bố nhằm mục đích thương mại để thực hiện chương trình phát sóng có
tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức phát
sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đó để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả
việc truyền qua vệ tinh, môi trường kỹ thuật số.
2. Sử dụng gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương
mại để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền
dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của
Luật sở hữu trí tuệ là việc tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng;
chuyển chương trình trong môi trường kỹ thuật số lên sóng.
3. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được
công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản
2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực
tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà
hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ
bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao
thông công cộng.
4. Việc hưởng tiền thù lao của người biểu
diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại Điều 33 của Luật Sở hữu
trí tuệ tùy thuộc vào thoả thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản
ghi âm, ghi hình khi thực
hiện chương trình ghi âm, ghi hình.
Điều 33. Sử dụng
chương trình phát sóng
1. Chủ sở hữu chương trình phát sóng theo
quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật sở hữu trí tuệ là tổ
chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để phát
sóng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm,
ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện
nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định
pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình
phát sóng của tổ chức phát sóng khác theo quy định tại điểm a
và điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật sở hữu trí tuệ để tái phát sóng hoặc
truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật
nào thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa
đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để
tái phát sóng hoặc truyền trên mạng
viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có
sự thỏa thuận với chủ sở hữu chương trình phát sóng.
Chương IV
ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
Điều 34. Thủ tục
đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ
sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01
bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả
tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm,
chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo
hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 2
Điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho
tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác
giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả
tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng).
Điều 35. Cấp, cấp
lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng
nhận đăng ký quyền liên quan
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục
Bản quyền tác giả) có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng
nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy
định tại khoản 1 và 2 Điều 51 của Luật sở hữu trí tuệ,
2. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được cấp theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được cấp lại trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy
chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất hoặc rách nát.
4. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền
liên quan được cấp đổi trong
trường hợp thay đổi chủ sở
hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc
thay đổi thông tin về tác
giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, tác phẩm, cuộc biểu
diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
5. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền
liên quan bị hủy bỏ hiệu lực trong các trường hợp quy định tại khoản
2 và khoản 3 Điều 55 của Luật sở hữu trí tuệ.
6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy
định các mẫu Tờ khai đăng ký quyền tác giả, Tờ khai đăng ký quyền liên quan,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 50 và khoản 4 Điều 51 của
Luật sở hữu trí tuệ.
Điều 36. Hồ sơ
cấp, cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng
ký quyền liên quan
1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền
tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại Điều
50 của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ
sở hữu quyền liên quan có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác
giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp Tờ khai đăng ký quyền tác giả hoặc Tờ khai đăng ký quyền liên quan (theo mẫu), 02 bản sao tác phẩm hoặc 02 bản sao cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi
hình, chương trình phát sóng.
3. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ
sở hữu quyền liên quan có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác
giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp Tờ khai đăng ký quyền tác giả
hoặc Tờ khai đăng ký quyền
liên quan (theo mẫu); 02 bản
sao tác phẩm hoặc 02 bản sao
cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; tài liệu chứng
minh sự thay đổi và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả hoặc Giấy
chứng nhận đăng ký quyền liên
quan đã cấp.
Điều 37. Thời hạn
cấp, cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng
ký quyền liên quan
1. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký
quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại Điều 52
của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ
ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả)
có trách nhiệm cấp lại Giấy
chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
3. Trong thời hạn mười hai ngày làm việc,
kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác
giả) có trách nhiệm cấp đổi
Giấy chứng nhận đăng ký quyền
tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
4. Trường hợp từ chối cấp lại, đổi Giấy
chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) phải thông báo bằng văn
bản cho người nộp đơn.
Điều 38. Bản sao
tác phẩm đăng ký quyền tác giả, bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền
liên quan
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục
Bản quyền tác giả) có trách nhiệm lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác
giả hoặc 01 bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan; 01 bản sao
tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 01 bản sao bản định hình đối tượng đăng ký
quyền liên quan được đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả,
Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được
cấp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả
theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 của Luật sở hữu trí
tuệ được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều đối với những tác phẩm
có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc;
tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh.
Điều 39. Hủy bỏ
hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền
liên quan
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục
Bản quyền tác giả) có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền
tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong các trường hợp quy định
tại khoản 2 và khoản 3 Điều 55 của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc,
kể từ khi nhận được một trong các giấy tờ dưới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch (Cục Bản quyền tác giả) ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng
ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:
a) Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa
án hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quy định
tại Điều 200 của Luật sở hữu trí tuệ về việc hủy bỏ hiệu
lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên
quan.
b) Văn bản của tổ chức, cá nhân đã được
cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đề
nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận
đăng ký quyền liên quan đã
được cấp.
Điều 40. Phí đăng
ký quyền tác giả, quyền liên quan
Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp phí khi
tiến hành thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp
luật.
Điều 41. Hiệu lực
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
Các loại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác
giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan do Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt
Nam, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả Văn học -
Nghệ thuật, Cục Bản quyền tác giả cấp vẫn tiếp tục được duy trì hiệu lực.
Chương V
TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ, TỔ CHỨC TƯ VẤN, DỊCH VỤ
QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
Điều 42. Tổ chức
đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật sở
hữu trí tuệ thực hiện đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy
quyền giữa chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức đại
diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc quản lý một quyền hoặc một
nhóm quyền cụ thể.
Điều 43. Biểu mức
tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất
1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan xây dựng Biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất quy định tại khoản
3 Điều 20, khoản 4 Điều 29 của Luật sở hữu trí tuệ và quyền lợi vật chất
quy định tại khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 của Luật sở hữu
trí tuệ.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác
phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định tại khoản 1 Điều 26, khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí
tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu
quyền liên quan hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về
việc khai thác, sử dụng. Trường hợp không liên lạc trực tiếp được với chủ sở hữu
quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân khai thác, sử
dụng tác phẩm, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng phải thông báo trên
phương tiện thông tin đại chúng.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác
phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tổ chức
đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm thoả thuận về
mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất và phương thức thanh toán.
4. Nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định theo các nguyên tắc sau:
a) Việc trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền
lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai
thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội
của đất nước.
b) Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi
vật chất được xác định căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng
hoặc tần suất khai thác, sử dụng.
c) Các đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng
chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù
lao theo mức độ sáng tạo, phù hợp với hình thức khai thác, sử dụng.
d) Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi
vật chất được xác định trong hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.
Điều 44. Thu, phân
chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất
1. Việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù
lao, quyền lợi vật chất thực hiện theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ
chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và văn bản ủy quyền của
chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thỏa thuận về mức hoặc
tỷ lệ phần trăm, phương thức và thời gian phân chia tiền nhuận bút, thù lao,
quyền lợi vật chất.
2. Việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù
lao, quyền lợi vật chất của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền
liên quan thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với tác phẩm, cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được khai thác, sử dụng
theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm,
ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ
chức đại diện tập thể được ủy
quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận
để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo
Điều lệ và văn bản ủy quyền.
4. Việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù
lao, quyền lợi vật chất từ các tổ chức tương ứng của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế thực hiện theo quy định về
quản lý ngoại hối.
Điều 45. Khai
thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc
gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao,
quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác
giả, quyền liên quan có thể thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán, thu tiền
nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ phân
chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được do các tổ chức này tự
thỏa thuận.
3. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan ủy quyền có trách nhiệm xây dựng danh mục hội viên, tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của hội
viên và chịu trách nhiệm khi ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể
quyền tác giả, quyền liên
quan nhận ủy quyền đại diện
đàm phán thỏa thuận, thu tiền
nhuận bút, thù lao, quyền lợi
vật chất.
4. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thu tiền
nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo danh mục hội viên, tác phẩm, cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được quy định tại hợp
đồng ủy quyền.
Điều 46. Thông tin
quản lý quyền tác giả, quyền liên quan
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức
mình về các nội dung:
1. Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả,
chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Đối với cá nhân: Ngày, tháng, năm sinh;
năm chết (nếu có).
Đối với tổ chức: Ngày, tháng, năm thành
lập; năm giải thể (nếu có).
3. Tên tác phẩm, tên đối tượng quyền liên
quan (cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng).
4. Nội dung tác phẩm; nội dung cuộc biểu
diễn; nội dung bản ghi âm, ghi hình; nội dung chương trình phát sóng.
5. Phạm vi ủy quyền; hiệu lực hợp đồng ủy
quyền.
6. Hoạt động cấp phép, thu và phân chia
tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
7. Hoạt động của các tổ chức đại diện tập
thể quyền tác giả, quyền liên quan.
8. Các thông tin liên quan khác.
Điều 47. Thực hiện
chế độ báo cáo
1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan thực hiện chế độ báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ,
quy chế hoạt động; cơ chế quản lý tài chính; thay đổi nhân sự lãnh đạo; tham
gia các tổ chức quốc tế; các hoạt động đối ngoại khác; biểu giá, phương thức
thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; chương trình kế hoạch dài
hạn và hàng năm; tình hình hoạt động, ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng cấp phép
sử dụng; hoạt động thu, mức thu, phương thức phân phối, cách thức thực hiện
việc phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; các hoạt động liên
quan khác.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải
báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.
2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan xây dựng trang thông tin điện tử, kết nối với cơ quan quản lý
nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan và các tổ chức đại diện tập thể
quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả,
quyền liên quan có hệ thống cơ sở dữ liệu quyền tác giả, quyền liên quan của tổ
chức mình, kết nối với hệ
thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều 48. Tổ chức
tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan
Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả,
quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật sở hữu
trí tuệ bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt
động theo pháp luật về doanh nghiệp.
2. Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được
thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp.
4. Các tổ chức hành nghề luật sư được
thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức
hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần
trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh
giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước
ngoài.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 49. Bảo vệ
quyền tác giả, quyền liên quan
1. Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu
quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể
quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác để thực hiện và bảo
vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình. Bên được ủy quyền có trách nhiệm
thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ thỏa thuận về
việc khai thác, sử dụng.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác
phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có nghĩa vụ
liên hệ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc bên được
ủy quyền để thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật
về quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên
quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng
tài.
Điều 50. Hiệu lực
thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.
2. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi
hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
b) Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20
tháng 9 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu
trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều 51. Trách nhiệm
thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch có trách nhiệm hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ
quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).KN
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP TRÂN TRỌNG!
Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006248 hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com
Trụ sở chính:
LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân