UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 10/2003/PL-UBTVQH11
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2003
|
PHÁP
LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 10/2003/PL-UBTVQH11 NGÀY 17
THÁNG 3 NĂM 2003 PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Để góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp
của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật
tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng và phát triển con người
Việt Nam;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được
sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của
Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Quốc hội
khóa XI, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm
kỳ khoá XI (2002-2007) và năm 2003;
Pháp lệnh này quy định về phòng, chống mại dâm.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Pháp lệnh này quy định những biện pháp phòng, chống
mại dâm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong phòng, chống
mại dâm.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Pháp lệnh này được áp dụng đối với:
1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam;
2. Cá nhân, tổ chức nước
ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp
điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có
quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với
người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi
ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
3. Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm.
4. Chứa mại dâm là hành vi sử
dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc
mua dâm, bán dâm.
5. Tổ chức hoạt động mại dâm là hành vi bố trí,
sắp xếp để thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
6. Cưỡng bức bán dâm là hành vi dùng vũ lực, đe
doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn buộc người khác phải thực hiện việc bán dâm.
7. Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt
của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
8. Bảo kê mại dâm là hành vi lợi dụng chức vụ,
quyền hạn, uy tín hoặc dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt
động mại dâm.
Điều 4. Các hành vi bị
nghiêm cấm
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Mua dâm;
2. Bán dâm;
3. Chứa mại dâm;
4. Tổ chức hoạt động mại dâm;
5. Cưỡng bức bán dâm;
6. Môi giới mại dâm;
7. Bảo kê mại dâm;
8. Lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại
dâm;
9. Các hành vi khác liên
quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Thực hiện pháp luật
về phòng, chống mại dâm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách
nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Mọi hành vi mại dâm, liên quan đến hoạt động mại
dâm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp
luật.
Điều 6. Khuyến khích,
tạo điều kiện trong hoạt động phòng, chống mại dâm
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia, hợp
tác trong hoạt động phòng, chống mại dâm.
Điều 7. Các biện pháp
phòng, chống mại dâm
Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên
truyền, giáo dục, kinh tế-xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để
phòng, chống mại dâm; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với
phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Điều 8. Trách nhiệm của cá
nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm
1. Mọi cá nhân và gia đình
có trách nhiệm tham gia phòng, chống mại dâm.
2. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện
các biện pháp phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố
giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi
vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Điều 9. Trách nhiệm của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phòng,
chống mại dâm
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành
viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống mại
dâm;
2. Giáo dục thành viên của tổ chức mình thực hiện
pháp luật về phòng, chống mại dâm;
3. Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về
phòng, chống mại dâm;
4. Tham gia giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm để
giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.
Chương 2:
NHỮNG BIỆN PHÁP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ
NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TRONG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Điều 10. Tuyên truyền,
giáo dục phòng, chống mại dâm
Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm là
biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và
tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại
dâm bao gồm: tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống
lành mạnh; tác hại của tệ nạn mại dâm; các chủ trương, chính sách, biện pháp,
những mô hình, kinh nghiệm và các quy định của pháp luật về phòng, chống mại
dâm.
Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm
phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây
nhiễm HIV/AIDS.
Điều 11. Trách nhiệm
của các cơ quan thông tin, tuyên truyền trong phòng, chống mại dâm
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm
xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền thích hợp và phối hợp với cơ quan, tổ
chức, đơn vị vũ trang nhân dân để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ,
công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân về phòng, chống
mại dâm.
Điều 12. Trách nhiệm
của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong tuyên truyền, giáo dục phòng,
chống mại dâm
Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách
nhiệm:
1. Tuyên truyền, giáo dục về
phòng, chống mại dâm. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại
hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học
viên và phong tục, tập quán của các dân tộc;
2. Phối hợp với gia đình,
cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, sinh
viên, học viên; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn
hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học
sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo
dục phòng, chống mại dâm.
Điều 13. Trách nhiệm của
gia đình trong phòng, chống mại dâm
Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên
của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia
đình văn hoá; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong
việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về
phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Điều 14. Biện pháp
kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm
1. Dạy nghề, tạo việc làm để có thu nhập, xóa
đói giảm nghèo là những biện pháp kinh tế - xã hội quan trọng nhằm ngăn ngừa sự
phát sinh, phát triển tệ nạn mại dâm.
2. Tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc
làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng.
3. Các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội
liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể
liên quan thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, chú
trọng đối với người nghèo, người chưa có việc làm.
4. Nhà nước có chính sách, biện pháp khuyến
khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo
việc làm giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Điều 15. Trách nhiệm
của các cơ sở kinh doanh dịch vụ
1. Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh
doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh
doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm:
a) Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người
lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;
b) Không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm
những công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của
họ;
c) Thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người lao
động theo quy định của pháp luật;
d) Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về
phòng, chống mại dâm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm
xảy ra tại cơ sở.
2. Cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp,
tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt
động mại dâm chỉ được hoạt động khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định
của Chính phủ.
3. Người lao động làm việc tại các cơ sở quy định
tại khoản 1 Điều này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết
không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Điều 16. Quản lý hoạt động
báo chí, xuất bản, dịch vụ văn hoá, thông tin trong phòng, chống mại dâm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sản xuất,
lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến những
hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục.
Điều 17. Quản lý sản xuất,
lưu hành, sử dụng dược phẩm kích thích tình dục
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu hành, vận
chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng dược phẩm kích thích
tình dục phải tuân theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trách nhiệm
kiểm tra, thanh tra
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm
kiểm tra, thanh tra cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định tại
các Điều 15, 16 và 17 của Pháp lệnh này.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối
hợp, tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, thanh
tra việc phòng, chống mại dâm.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng bị kiểm
tra, thanh tra phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
Điều 19. Trách
nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phòng, chống mại dâm
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách
nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện phòng, chống mại dâm tại địa
phương; lập hồ sơ, thống kê, phân loại đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ để
có biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm;
2. Tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục tại
xã, phường, thị trấn đối với người bán dâm và những người có hành vi liên quan
đến mại dâm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 20. Trách nhiệm
của cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm
Cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Pháp lệnh xử
lý vi phạm hành chính có trách nhiệm:
1. Tổ chức học tập, giáo dục đạo đức, lối sống;
tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất và hướng nghiệp; chữa bệnh, phục hồi sức
khoẻ và tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người bán dâm được
đưa vào cơ sở chữa bệnh;
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên
quan trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 21. Phát hiện,
tố giác và đấu tranh trong phòng, chống mại dâm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các
hành vi được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này phải thông báo hoặc tố giác
kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được
thông tin, tố giác phải kịp thời xem xét, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho
cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khi có yêu cầu.
2. Người phát hiện, tố
giác, đấu tranh phòng, chống mại dâm được bảo vệ và giữ bí mật; trường hợp bị
thiệt hại tài sản thì được đền bù; nếu bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc
bị thiệt hại về tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của
pháp luật.
Chương 3:
XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Điều 22. Xử lý đối với
người mua dâm
1. Người mua dâm tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết
mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách
nhiệm hình sự.
Điều 23. Xử lý đối với
người bán dâm
1. Người bán dâm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị
trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ
theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo,
phạt tiền, trục xuất.
2. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý
lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 24. Xử lý đối với
người có hành vi liên quan đến mại dâm
1. Người bảo kê mại dâm,
góp vốn để sử dụng vào mục đích hoạt động mại dâm thì tuỳ theo tính chất, mức độ
vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người môi giới mại dâm, chứa mại dâm, cưỡng bức
bán dâm, tổ chức mại dâm, mua bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ hoạt động mại dâm
thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 25. Xử lý đối với
tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ lợi dụng hoạt động
kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm thì bị phạt tiền và tuỳ theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị tịch thu tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến
hoạt động mại dâm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
2. Người đứng đầu cơ sở
kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để hoạt động mại dâm xảy ra ở
cơ sở do mình quản lý thì bị xử phạt hành chính; trường hợp gây hậu quả nghiêm
trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 26. Xử
lý đối với tổ chức, cá nhân phổ biến, tàng trữ, lưu hành các sản phẩm có nội
dung và hình thức khiêu dâm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong
lĩnh vực văn hoá, dịch vụ văn hóa, bưu chính, viễn thông có hành vi phổ biến,
tàng trữ, lưu hành hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình
thức đồi truỵ, khiêu dâm, kích động
tình dục thì bị phạt tiền và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị tước quyền
sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc không được tiến hành các hoạt động
ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
2. Người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1
Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 27. Xử lý đối với
cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về
phòng, chống mại dâm
1. Người có hành vi vi phạm
quy định tại các điều 22, 23, 24, 25 và 26 của Pháp lệnh này là cán bộ, công chức
hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định
tại các điều này còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
có thẩm quyền
quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ
luật.
2. Cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng
vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm thì trong thời gian
bị xử lý kỷ luật không được đề cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử, tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị - xã hội; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm
vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan nhà nước hoặc trong
lực lượng vũ trang nhân dân.
Điều 28. Xử lý đối với
người có hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống
mại dâm
Người có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống
mại dâm mà có hành vi bảo kê mại dâm, dung túng, bao che hoặc không xử lý kịp
thời để cho hoạt động mại dâm xảy ra trên địa bàn quản lý thì tuỳ theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, chuyển làm công tác khác hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì cơ quan nơi người đó công tác
phải có trách nhiệm bồi thường và người đã gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi
hoàn theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Xử lý đối với
người có hành vi bao che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người vi phạm pháp
luật về phòng, chống mại dâm
1. Người có chức vụ, quyền hạn có hành vi bao
che hoặc không kịp thời xử lý kỷ luật người thuộc quyền quản lý của mình có
hành vi mại dâm, liên quan đến hoạt động mại dâm thì bị xử lý kỷ luật.
2. Người có chức vụ, quyền hạn có hành vi bao
che cho người thuộc quyền quản lý của mình đã có hành vi vi phạm quy định tại
Điều 28 của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ
luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương 4:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Điều 30. Nội dung quản
lý nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm
Ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính
sách, pháp luật và kế hoạch phòng, chống mại dâm.
Tổ chức bộ máy quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, nâng
cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm.
Tổ chức và quản lý các cơ sở chữa bệnh, dạy nghề,
tạo việc làm cho người bán dâm.
Thống kê về phòng, chống mại dâm; huy động, quản
lý và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống mại dâm; nghiên cứu và áp dụng
khoa học phục vụ công tác phòng, chống mại dâm.
Tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các
vi phạm pháp luật khác liên quan đến mại dâm.
Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về
phòng, chống mại dâm.
Hợp tác quốc tế về phòng, chống mại dâm.
Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Điều 31. Cơ quan quản
lý nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công
tác phòng, chống mại dâm.
2. Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác
phòng, chống mại dâm.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm
tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác phòng, chống
mại dâm.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác
phòng, chống mại dâm ở địa phương.
Điều 32. Trách nhiệm
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với
các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế
hoạch về phòng, chống mại dâm; thống kê, kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu
nại, tố cáo về phòng, chống mại dâm; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống
mại dâm theo sự phân công của Chính phủ.
Điều 33. Trách nhiệm
của Bộ Công an
Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức đấu tranh
phòng, chống tội phạm về mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em để phục vụ hoạt động
mại dâm và các vi phạm pháp luật có liên quan đến mại dâm; chỉ đạo lập hồ sơ,
đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và hỗ trợ cơ sở chữa bệnh giữ gìn trật tự,
an ninh; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên
quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc quản lý, giáo dục
người bán dâm, người có hành vi liên quan đến mại dâm tại cộng đồng, kiểm tra,
thanh tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm pháp luật về phòng,
chống mại dâm.
Điều 34. Trách nhiệm
của Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng
cục Du lịch
1. Bộ Văn hoá - Thông tin,
Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động phòng, chống mại
dâm thuộc lĩnh vực, ngành; quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ; phối hợp với Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm
tra, thanh tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc ngành quản lý có vi
phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo
có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chỉ
đạo, xây dựng chương trình, nội dung giáo dục về phòng, chống mại dâm trong nhà
trường và các cơ sở giáo dục khác.
Điều 35. Trách nhiệm
của Uỷ ban nhân dân các cấp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Uỷ ban nhân dân các cấp lập kế hoạch phòng,
chống mại dâm hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; bố trí kinh
phí và huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm; chỉ đạo, tổ chức
thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; báo cáo kết quả thực hiện công tác này
với Hội đồng nhân dân cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp.
2. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương báo cáo Chính phủ về công tác phòng, chống mại dâm tại địa
phương.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách
nhiệm về công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương do mình quản lý.
Điều 36. Kiểm tra,
thanh tra về phòng, chống mại dâm
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm
tổ chức kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm
pháp luật về phòng, chống mại dâm. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân
các cấp thành lập thanh tra liên ngành để thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật
về phòng, chống mại dâm ở địa phương.
Điều 37. Kinh phí
cho công tác phòng, chống mại dâm
Nhà nước bố trí kinh phí, có chính sách sử dụng
nguồn thu từ việc xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm và huy động
các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống mại dâm.
Chương 5:
KHEN THƯỞNG VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 38. Khen thưởng
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong
công tác phòng, chống mại dâm thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 39. Khiếu nại,
tố cáo và trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại
đối với quyết định xử lý của người có thẩm quyền trong việc phòng, chống mại
dâm khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi
ích hợp pháp của mình.
2. Công dân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật về phòng, chống mại dâm.
3. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chịu
trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 40. Hiệu lực
thi hành
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2003.
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này
đều bị bãi bỏ.
Điều 41. Quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Pháp lệnh này.
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP TRÂN TRỌNG!
Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006248 hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com
Trụ sở chính: LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân)
Các á hậu, MC xinh đẹp đua nhau mua bán dâm Một loạt các á hậu, MC xinh đẹp thậm chí là sinh viên tham gia vào đường dây mua bán dâm gây xôn ... |
Sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt đến 3 năm tù Thực tế hiện nay sử dụng hình ảnh cá nhân người khác đăng lên mạng xã hội bừa bãi đã có biện pháp xử... |
Nhóm người ném chất bẩn vào trường mầm non trước giờ khai giảng ở Đà nẵng bị xử lý như thế nào? Sáng 6-9, Công an quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết đã tiếp nhận vụ việc và vào cuộc truy tìm nhóm... |