BỘ CÔNG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/2018/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2018
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN TIỀN, ĐỒ VẬT VÀ
LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI VỚI THÂN NHÂN
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17
tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Công an;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục
Cảnh sát Thi hành án
hình sự và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư
pháp tại Tờ trình số 155 ngày 31 tháng 01 năm 2018;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy
định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc
điện thoại với thân nhân.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định về việc phạm nhân
đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (sau
đây gọi chung là cơ sở giam giữ) gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ
vật của thân nhân, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác và liên lạc điện thoại
với thân nhân.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với phạm nhân
đang chấp hành án phạt tù tại
các cơ sở giam giữ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Không áp dụng
đối với các trường hợp thăm
gặp ngoại giao, thăm gặp và tiếp xúc lãnh sự đối với phạm nhân là người nước ngoài.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN
Điều 3. Chế độ gặp
thân nhân
1. Phạm nhân được gặp thân nhân theo quy
định tại khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự, trừ
trường hợp đang bị kỷ luật quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 38
Luật Thi hành án hình sự không được gặp thân nhân. Những phạm nhân chấp
hành tốt Nội quy của cơ sở giam giữ; tích cực học tập, lao động hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì được
kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 3 (ba) giờ. Phạm nhân là người dưới
18 (mười tám) tuổi được gặp
thân nhân theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án hình sự.
2. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm
giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức cho
phạm nhân gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày
Lễ, Tết. Thời gian tổ chức
cho phạm nhân gặp thân nhân trong ngày do Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm
giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định theo
giờ làm việc của đơn vị.
3. Khi phạm nhân gặp thân nhân được kéo
dài thời gian thăm gặp không quá 3 (ba) giờ, gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng
không quá 24 (hai bốn) giờ, căn cứ điều kiện cụ thể, Giám thị trại giam, Giám
thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem
xét, quyết định có thể cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại căng tin nhà
thăm gặp trong thời gian 60 phút (mỗi lần không quá 3 (ba) người). Ngoài ra,
khi tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân; hoặc trường hợp đặc biệt, do yêu cầu
của công tác giáo dục, cần có sự phối hợp, tác động của gia đình để giáo dục
phạm nhân; hoặc những phạm nhân có 2 (hai) quý liền kề ở thời điểm xét duyệt
được xếp loại Tốt; hoặc lập công thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm
giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét,
quyết định cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân. Việc tổ chức cho phạm nhân ăn
cơm cùng thân nhân phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn
cơ sở giam giữ, quản lý chặt chẽ phạm nhân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
và an toàn cho thân nhân phạm nhân.
Điều 4. Đối tượng
được thăm gặp phạm nhân
1. Đối tượng được thăm gặp phạm nhân gồm:
Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu,
con rể, con nuôi hợp pháp;
anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu,
cháu ruột. Mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân tối đa không quá 3 (ba) người.
2. Cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc
thân nhân khác ngoài những người được quy định tại khoản 1 điều này được thăm
gặp phạm nhân nếu Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xét thấy phù hợp với lợi ích hợp
pháp của phạm nhân và yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, quản lý, giáo dục
cải tạo phạm nhân.
Điều 5. Thủ tục
thăm gặp phạm nhân
1. Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải
là người có tên trong Sổ thăm gặp (trường hợp thăm gặp lần đầu chưa có Sổ thăm
gặp hoặc không có tên trong Sổ thăm gặp thì phải có đơn xin thăm gặp có xác
nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ
chức nơi người đó đang làm việc, học tập). Đối tượng quy định tại khoản 2, Điều
4 Thông tư này khi đến gặp phạm nhân phải có đề nghị bằng văn bản (đối với cá
nhân, văn bản đề nghị phải được cơ quan nơi đang làm việc, học tập hoặc chính
quyền địa phương nơi cư trú xác nhận), đồng thời phải có một trong những giấy tờ sau (trừ
người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân; Hộ chiếu; giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân
viên nếu thuộc lực lượng vũ trang. Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy
tờ tùy thân thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc
Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học
tập xác nhận, đóng dấu vào
đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
2. Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm
nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự thì phải có giấy đăng
ký kết hôn; trước khi thăm
gặp phải kê khai đồ dùng, tư trang cá nhân để cán bộ có trách nhiệm kiểm duyệt,
nếu đồ vật không được đưa vào thì phải gửi ở tủ tại nhà thăm gặp; phải viết
giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, có trách nhiệm quản
lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật, Nội quy của cơ
sở giam giữ, đồng thời thực
hiện phòng, chống các bệnh
truyền nhiễm. Phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng phải cam kết
chấp hành các quy định pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành. Phạm nhân nữ
phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm
thời gian chấp hành án phạt tù.
3. Khi giao tiếp, người đến gặp phạm nhân
và phạm nhân phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc
thiểu số và người nước ngoài không biết tiếng Việt thì được sử dụng ngôn ngữ
khác. Người bị hạn chế về khả năng nghe, nói được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc
thiết bị hỗ trợ cho việc giao tiếp nhưng phải được cán bộ có trách nhiệm kiểm
tra trước khi sử dụng.
4. Cơ sở giam giữ cấp Sổ thăm gặp phạm
nhân theo mẫu thống nhất của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư
pháp. Sổ thăm gặp phải được
Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình
sự Công an cấp huyện ký, đóng dấu và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công
an cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc,
học tập xác nhận danh sách những người là thân nhân của phạm nhân.
5. Thủ tục thăm gặp phạm nhân là người
nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 46, Luật Thi
hành án hình sự.
Điều 6. Trách nhiệm
của thân nhân và phạm nhân trong thăm gặp
1. Thân nhân; cá nhân; đại diện cơ quan,
tổ chức đến thăm gặp phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, Nội quy
nhà thăm gặp, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp
và những cán bộ có trách nhiệm khác. Nếu gửi đồ vật cho phạm nhân thì phải kê khai danh mục các đồ vật và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp
luật về việc gửi đồ không đúng quy định. Không được đưa vào nhà thăm gặp các đồ vật cấm như: Các loại vũ
khí, vật liệu nổ; công cụ hỗ trợ; chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây
cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược; các chất ma túy và thuốc tân dược có
thành phần gây nghiện; rượu, bia và các chất kích thích khác; các đồ dùng bằng
kim loại và đồ vật có thể dùng làm hung khí; các loại thiết bị kỹ thuật, điện
tử; các loại ấn phẩm gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, giáo dục phạm
nhân; các đồ vật khác có thể gây mất an toàn trại giam, gây nguy hại cho bản
thân phạm nhân và người khác, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường.
2. Khi thăm gặp, phạm nhân phải mặc quần
áo được cấp bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ (trường hợp phạm nhân mới đến chấp hành
án, chưa được cấp quần áo thì được mặc quần áo dài thường, nhưng phải đóng dấu
theo Nội quy của cơ sở giam giữ); nghiêm chỉnh chấp hành Nội quy của cơ sở giam
giữ, Nội quy nhà thăm gặp và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ
chức thăm gặp.
Điều 7. Tiêu chuẩn
và trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp
1. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp
phải là sỹ quan nghiệp vụ, có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm công tác và
khả năng quản lý, giám sát phạm nhân. Việc bố trí cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức
thăm gặp phải có quyết định phân công công tác của Giám thị trại giam, Giám thị
trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, mỗi người làm công tác
này không quá 3 (ba) năm.
2. Cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có
trách nhiệm: Tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ của người đến thăm gặp; lập danh sách
phạm nhân được thăm gặp trình Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ
trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện duyệt, ký trước khi thăm gặp. Trường hợp phạm nhân
gặp thân nhân được kéo dài thời gian thăm gặp, gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng
không quá 24 (hai bốn) giờ phải đề xuất bằng văn bản có ý kiến của cán bộ Quản
giáo đội phạm nhân, cán bộ Trinh sát, cán bộ Giáo dục trình Giám thị trại giam,
Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp
huyện xem xét, quyết định; tiếp nhận, kiểm tra tiền, đồ vật do thân nhân đưa
đến gửi cho phạm nhân; kiểm tra đồ vật đối với thân nhân gặp phạm nhân tại nhà
thăm gặp và phòng gặp riêng, trường hợp phát hiện hành vi đưa vật cấm vào đến
mức phải xử lý hình sự thì phải thu giữ, bảo quản và xử lý theo quy định; chịu
trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân từ khi nhận đến khi kết thúc thăm gặp
bàn giao cho cán bộ trực trại và ký vào Sổ xuất nhập phạm nhân; cập nhật đầy đủ
thông tin về quá trình tổ chức thăm gặp và quản lý, lưu trữ tài liệu theo đúng chế độ quản lý hồ sơ của Bộ
Công an.
3. Không được sử dụng phạm nhân hoặc người
khác nhận giấy tờ, làm thủ tục thăm gặp thay cán bộ; không được có thái độ,
hành vi tiêu cực, gây phiền hà trong việc tổ chức thăm gặp; không được tự ý
giải quyết thăm gặp hoặc cho phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận tiền,
đồ vật ngoài khu vực nhà thăm gặp cũng như ngoài nơi được bố trí cho phạm nhân
thăm gặp; không được tự ý nhận, chuyển thư, tiền, đồ vật cho phạm nhân; không
được thu bất kỳ khoản tiền nào khi giải quyết thăm gặp, kể cả gặp ở phòng riêng
tại nhà thăm gặp.
Điều 8. Nhà thăm
gặp phạm nhân
1. Mỗi phân trại giam, phân trại quản lý
phạm nhân trong trại tạm giam có một nhà thăm gặp phạm nhân được xây dựng theo
mẫu thiết kế của Bộ Công an đặt ở nơi thuận tiện cho việc quản lý, giám sát
phạm nhân và tổ chức thăm gặp. Nhà thăm gặp phải được trang bị những phương
tiện, thiết bị, dụng cụ cần thiết phục vụ cho yêu cầu thăm gặp và sinh hoạt của
người đến thăm gặp. Đối với nhà tạm giữ, tùy theo điều kiện cụ thể, Thủ trưởng
cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí địa điểm thăm gặp cho phù
hợp.
2. Nhà thăm gặp phải treo biển “Nhà thăm
gặp”, có tủ để tư trang của người đến gặp phạm nhân, có hòm thư góp ý, Nội quy
Nhà thăm gặp và danh mục đồ vật cấm đưa vào trại giam để thân nhân và phạm nhân
thực hiện, phản ánh, đóng góp ý kiến.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHẠM NHÂN NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN ĐỒ
VẬT, SỬ DỤNG THUỐC CHỮA BỆNH
Điều 9. Quy định về
việc phạm nhân nhận, gửi thư và nhận đồ vật
1. Khi gặp những người được quy định tại
khoản 1, khoản 2, Điều 4 của Thông tư này, phạm nhân được nhận thư, đồ vật theo
quy định tại khoản 2, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự nhưng
tối đa không quá 5 (năm) kg đồ vật trong một lần gặp, ngoài ra, mỗi tháng phạm
nhân được nhận đồ vật do thân nhân (những người được quy định tại khoản 1, Điều
4) đưa đến hoặc gửi qua đường Bưu điện 2 (hai) lần theo quy định tại khoản 3, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự, mỗi lần không quá 3
(ba) kg (nếu gửi 01 lần thì không quá 06 kg). Trường hợp phạm nhân từ chối gặp
người đến thăm thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp lập biên bản và thông
báo cho thân nhân phạm nhân biết. Trường hợp phạm nhân từ chối không nhận đồ
vật gửi qua đường Bưu điện thì phải lập biên bản và thông báo cho người gửi đến
nhận lại. Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo, nếu không có người
đến nhận thì lập biên bản tiến hành tiêu hủy trước sự chứng kiến của phạm nhân
được nhận. Thư và đồ vật của phạm nhân phải được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào
cơ sở giam giữ, trường hợp phát hiện đồ vật cấm phải xử lý theo
quy định.
2. Phạm nhân được gửi thư và điện tín theo
quy định tại khoản 1, Điều 47 Luật Thi hành án hình sự.
3. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy
của cơ sở giam giữ bị giam riêng, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật thì tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ
trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể hạn chế việc nhận,
gửi thư và nhận đồ vật trong một thời gian nhưng không quá 3 (ba) tháng. Cơ sở
giam giữ có trách nhiệm thông báo việc hạn chế nhận, gửi thư và nhận đồ vật cho
thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.
4. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm
giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm
hướng dẫn phạm nhân thông báo cho thân nhân biết địa chỉ nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù (tổ, đội, phân trại) và
những đồ vật thuộc danh mục cấm để thân nhân gửi thư,
đồ vật.
5. Căn cứ điều kiện cụ thể, các cơ sở giam
giữ tổ chức hoạt động căng tin để bán lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết
yếu cho phạm nhân. Giá bán lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa phải được
Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình
sự Công an cấp huyện duyệt, sau khi trừ chi phí hợp lý, không được cao hơn giá
bán lẻ tại địa phương. Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp
quy định cụ thể việc tổ chức hoạt động căng tin trong cơ sở giam giữ.
Điều 10. Quy định
về việc phạm nhân nhận, sử dụng thuốc chữa bệnh
1. Thân nhân phạm nhân khi đến thăm gặp hoặc
qua đường bưu điện, có thể gửi thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho phạm nhân theo chỉ
định của y, bác sỹ tại cơ sở giam giữ hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà
nước nơi phạm nhân đang khám và điều trị bệnh. Thuốc do thân nhân gửi cho phạm
nhân phải có nhãn, mác ghi rõ hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và còn thời
hạn sử dụng.
2. Các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ do
thân nhân gửi cho phạm nhân phải có sổ theo dõi và tủ đựng riêng. Cán bộ y tế
của cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý. Khi phạm nhân ốm đau có
nhu cầu sử dụng thuốc, cán bộ y tế căn cứ vào bệnh lý, phác đồ điều trị để cấp
thuốc, hướng dẫn và giám sát phạm nhân sử dụng. Thuốc của phạm nhân nào thì
phạm nhân đó sử dụng, phải ghi rõ trong bệnh án và sổ theo dõi: “Thuốc do thân
nhân gửi”. Phạm nhân nhận, sử dụng thuốc phải ký tên hoặc điểm chỉ (nếu không
biết chữ) vào bệnh án hoặc sổ theo dõi. Thuốc hết hạn sử dụng phải lập biên bản
tiêu hủy, có sự chứng kiến, ký (hoặc điểm chỉ) xác nhận của phạm nhân.
3. Khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù
hoặc phải chuyển đi nơi khác, cán bộ y tế phải kiểm tra, đối chiếu, trả lại cho
phạm nhân số thuốc chưa sử
dụng hết hoặc bàn giao thuốc kèm theo hồ sơ sức khỏe của phạm nhân cho đơn vị tiếp nhận.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ ĐỒ LƯU KÝ; NHẬN, SỬ DỤNG
TIỀN LƯU KÝ VÀ TỔ CHỨC LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI GIỮA PHẠM NHÂN VỚI THÂN NHÂN
Điều 11. Quy định
về việc quản lý tiền mặt và đồ lưu ký
Phạm nhân khi mới đến cơ sở giam giữ chấp
hành án phạt tù có tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tiền mặt), ngân phiếu, ngoại
tệ, vàng bạc, đồng hồ, đồ trang sức quý hiếm, tư trang hoặc những đồ vật có giá
trị khác phải lập biên bản và niêm phong để gửi vào lưu ký (tiền mặt gửi vào
lưu ký thì phạm nhân được sử dụng) để cơ sở giam giữ quản lý, phạm nhân được
nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù. Trường hợp phạm nhân có nhu cầu được
chuyển số tiền, đồ dùng, tư trang cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp
thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm lập biên bản giao trực tiếp cho thân nhân hoặc gửi qua đường
Bưu điện, cước phí do phạm nhân chi trả. Biên bản nhận hay trả tiền, đồ lưu ký
phải mô tả đúng thực trạng số lượng, trọng lượng, chủng loại, hình dạng, kích
thước, màu sắc và các đặc điểm khác của đồ vật.
Điều 12. Quy định
về việc phạm nhân nhận và sử dụng tiền lưu ký
1. Người đến thăm gặp gửi tiền mặt cho
phạm nhân thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp có trách nhiệm nhận và cùng
người gửi tiền cho phạm nhân ký nhận vào phiếu gửi tiền lưu ký và sổ theo dõi
lưu ký. Thân nhân phạm nhân gửi tiền cho phạm nhân qua đường Bưu điện thì Giám
thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự
Công an cấp huyện cử cán bộ đến Bưu điện nhận tiền, sau đó bàn giao số tiền này
cho Đội Tài vụ - Hậu cần quản lý. Cán bộ phụ trách lưu ký vào sổ theo dõi, đồng
thời thông báo cho phạm nhân biết và ghi số tiền này vào sổ mua hàng hóa để
phạm nhân ký, nhận. Phạm nhân không được cất giữ, sử dụng tiền mặt trong cơ sở
giam giữ.
2. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy
của cơ sở giam giữ bị giam riêng, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật thì tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ
trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể hạn chế việc mua
hàng hóa tại căng tin nhiều lần nhưng mỗi lần không quá 3 (ba) tháng.
3. Tiền thưởng, tiền bồi dưỡng làm thêm
giờ, tăng năng suất lao động được chuyển vào lưu ký để phạm nhân sử dụng mua
hàng hóa tại căng tin, gửi điện tín, liên lạc điện thoại với thân nhân, gửi về
cho thân nhân hoặc nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù.
4. Định lượng mua lương thực, thực phẩm
của mỗi phạm nhân trong một tháng phải theo quy định tại khoản
2, Điều 42 Luật Thi hành án hình sự. Tiền mua các loại hàng hóa thiết yếu
khác (không phải là lương
thực, thực phẩm, đồ uống) phục vụ nhu cầu sinh hoạt như kem đánh răng, xà
phòng, áo, quần, giấy, bút...
không tính vào số lượng tiền mua lương thực, thực phẩm ăn thêm của phạm nhân.
5. Phạm nhân có tiền, đồ vật gửi lưu ký
khi chuyển đến cơ sở giam giữ khác, cán bộ có trách nhiệm phải thực hiện việc
chuyển giao số tiền, đồ vật này cho nơi tiếp nhận phạm nhân. Việc giao nhận
phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và phạm nhân.
6. Trường hợp phạm nhân chết, phải ghi rõ
vào biên bản phạm nhân chết số tiền lưu ký còn lại chưa sử dụng, đồ vật gửi lưu
ký và những tài sản cá nhân khác để bàn giao cho thân nhân họ hoặc đề nghị giải
quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Quy định
về việc phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân
1. Các cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan
bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt máy điện thoại bàn (cố định) và tổ chức
cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân nhân. Cước phí gọi điện thoại được
tính theo giá của cơ quan bưu chính viễn thông và do phạm nhân chi trả từ tiền
lưu ký theo hình thức ký sổ.
2. Phạm nhân được liên lạc điện thoại
trong nước với thân nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 47
Luật Thi hành án hình sự. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy của cơ
sở giam giữ, có thành tích trong lao động, học tập thì tăng thêm mỗi tháng 01
lần liên lạc điện thoại với thân nhân. Phạm nhân là người dưới 18 (mười tám) tuổi được liên lạc với thân nhân qua điện
thoại theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án hình sự.
Khi liên lạc điện thoại với thân nhân, phạm nhân phải liên lạc đúng số điện
thoại và nội dung đã đăng ký; sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ phạm nhân là
người dân tộc thiểu số và là người nước ngoài không biết tiếng Việt. Trường hợp
khi phạm nhân có đề nghị cần phải trao đổi với thân nhân để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích
hợp pháp của họ thì được liên lạc với thân nhân theo các nội dung đã đăng ký.
3. Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy
của cơ sở giam giữ bị giam riêng; phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật, tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ
trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể hạn chế việc liên
lạc điện thoại với thân nhân nhưng không quá 3 (ba) tháng.
4. Phạm nhân đang có kháng cáo, kháng nghị
theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, đang trong quá trình điều tra, truy tố,
xét xử về những hành vi phạm tội khác hoặc có liên quan đến những vụ án khác
đang được xem xét, xử lý, thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.
5. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm
giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí buồng gọi
điện thoại có thiết bị giám sát và cử cán bộ giám sát chặt chẽ nội dung trao
đổi của phạm nhân với thân nhân khi liên lạc điện thoại. Nếu phát hiện nội dung trao đổi không đúng
với đăng ký thì phải dừng cuộc gọi, trường hợp xét thấy cần thiết phải lập biên
bản, đề xuất xử lý kỷ luật.
6. Cán bộ giám sát phải có sổ theo dõi,
cập nhật thông tin về việc tổ chức cho phạm nhân liên lạc điện thoại với thân
nhân.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực
thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 29 tháng 3 năm 2018 và thay thế Thông tư số 46/2011/TT-BCA ngày 30 tháng 6
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận,
gửi thư; nhận tiền, quà và
liên lạc điện thoại với thân nhân.
Điều 15. Trách
nhiệm thi hành
1. Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi
hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm ban hành Sổ thăm gặp, Sổ mua
hàng hóa của phạm nhân, biểu mẫu cần thiết khác để thống nhất thực hiện trong
toàn quốc; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Các đồng chí Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an, Giám đốc
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Giám thị trại giam, Giám thị
trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có
liên quan trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông
tư này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo bằng văn bản về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát thi
hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) để kịp thời hướng dẫn./.
|
BỘ TRƯỞNG
Thượng tướng Tô Lâm
|