BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
59/2015/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2015
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ
ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC
Căn
cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn
cứ Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực
hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;
Căn
cứ Nghị định số
106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn
cứ Nghị định số 115/2015/NĐ-CP
ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật bảo
hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Theo
đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội;
Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật bảo
hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định
chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc và hướng
dẫn thi hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt
buộc (sau đây được viết là Nghị định số 115/2015/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Người lao động quy
định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Nghị định
số 115/2015/NĐ-CP được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà
vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người sử dụng
lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Chương II
CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC
Mục 1: CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU
Điều 3. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
1. Người lao động
quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều
2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường
hợp sau:
a) Người lao động bị
ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh
tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận
của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
b) Người lao động
phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
c) Lao động nữ đi
làm trước khi hết thời
hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm
b khoản này.
2. Không giải quyết
chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
a) Người lao động bị
ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng
chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số
82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất
ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm
theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành
các danh mục chất ma túy và tiền chất.
b) Người lao động
nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Người lao động bị
ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ
phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp
luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo
hiểm xã hội.
Điều 4. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
1. Thời gian tối đa
hưởng chế độ ốm đau trong một năm quy định tại khoản 1 Điều 26
của Luật bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ,
nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian này
được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không
phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Ví dụ 1: Ông D là
công nhân may, chế độ làm việc theo ca; ông D được bố trí ngày nghỉ hàng tuần
như sau: tuần từ ngày 04/01/2016 đến ngày 10/01/2016 vào ngày thứ Tư ngày
06/01/2016, tuần từ ngày 11/01/2016 đến ngày 17/01/2016 vào ngày thứ Sáu ngày
15/01/2016. Do bị ốm đau bệnh tật, ông D phải nghỉ việc điều trị bệnh từ ngày
07/01/2016 đến ngày 17/01/2016.
Thời gian hưởng chế
độ ốm đau của ông D được tính từ ngày 07/01/2016 đến ngày 17/01/2016 là 10 ngày
(trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là ngày thứ Sáu ngày 15/01/2016)
2. Việc xác định
người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc
biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở
lên để tính thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm, được căn cứ vào
nghề, công việc và nơi làm việc của người lao động tại thời điểm người lao động
bị ốm đau, tai nạn.
Ví dụ 2: Bà A, có
13 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc trong điều kiện bình thường; từ
tháng 01/2016 đến tháng 9/2016 bà A đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ 30
ngày. Tháng 10/2016, bà A chuyển sang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm. Ngày 25/10/2016, bà A bị ốm đau phải nghỉ 07 ngày làm việc.
Tại thời điểm nghỉ
việc (tháng 10/2016), bà A làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm của bà A là 40
ngày, tính đến thời điểm ngày 25/10/2016 bà A mới nghỉ hưởng chế độ ốm đau 30
ngày trong năm 2016, do đó thời gian nghỉ việc 07 ngày do bị ốm đau của bà A được
giải quyết hưởng trợ cấp ốm đau.
Ví dụ 3: Bà B có thời
gian đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm; từ tháng 01/2016 đến tháng 8/2016, đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 37
ngày; từ tháng 9/2016 bà B chuyển sang làm công việc trong điều kiện bình thường.
Ngày 26/9/2016, bà B bị ốm đau phải nghỉ 03 ngày làm việc.
Tại thời điểm nghỉ
việc do ốm đau (tháng 9/2016), bà B làm việc trong điều kiện bình thường nên thời
gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm của bà B là 30 ngày; tại thời
điểm đó bà B đã hưởng chế độ ốm đau 37 ngày trong năm 2016, do đó bà B không được
hưởng trợ cấp ốm đau đối với 03 ngày nghỉ việc từ ngày 26/9/2016.
3. Thời gian hưởng
chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh
cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành quy định tại khoản 2 Điều
26 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:
Trường hợp người
lao động đã hưởng hết 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế
độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tiếp tối đa bằng thời gian đã
đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ví dụ 4: Bà Nguyễn
Thị A, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 tháng, mắc bệnh thuộc
danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của
bà A như sau:
- Tối đa 180 ngày
tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
- Trường hợp sau
khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế
độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng 03 tháng.
Như vậy, thời gian
nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của bà A là 180 ngày và 03 tháng.
Ví dụ 5: Ông B có thời gian đóng bảo hiểm xã hội
bắt buộc là đủ 1 năm, mắc bệnh cần chữa trị dài ngày. Ông B đã hưởng hết 180 ngày đầu tiên,
sau đó vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng trợ cấp với mức thấp hơn nhưng tối
đa là 1 năm.
Sau khi điều trị bệnh
ổn định, ông B trở lại làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 2 năm thì tiếp tục
nghỉ việc để điều trị bệnh (thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày). Như vậy,
thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của lần điều trị này đối với ông
B sẽ là 180 ngày và 3 năm (thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính thời gian hưởng
tối đa sau khi đã nghỉ hết 180 ngày là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội).
4. Trường hợp người
lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian
đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định
của pháp luật lao động thì thời gian ốm đau, tai nạn trùng với thời gian nghỉ
phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng trợ
cấp ốm đau; thời gian nghỉ việc do bị ốm đau, tai nạn ngoài thời gian nghỉ phép
hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ ốm đau
theo quy định.
5. Trường hợp người
lao động có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ cuối năm trước chuyển tiếp
sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau của năm nào tính vào thời
gian hưởng chế độ ốm đau của năm đó.
Điều 5. Thời gian hưởng chế độ khi con
ốm đau
1. Thời gian tối đa
hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội được tính theo ngày
làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời
gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch,
không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
a) Trường hợp trong
cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau,
thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người
lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc
trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định tại khoản
1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 6: Bà A đang
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 2 con dưới 7 tuổi bị ốm đau với thời gian
như sau: con thứ nhất bị ốm từ ngày 04/01 đến ngày 10/01/2016, con thứ hai bị ốm
từ ngày 07/01 đến ngày 13/01/2016, bà A phải nghỉ việc để chăm sóc 2 con ốm
đau. Ngày nghỉ hàng tuần của bà A là ngày Chủ nhật. Thời gian hưởng chế độ khi
con ốm đau của bà A được tính từ ngày 04 đến ngày 13 tháng 01 năm 2016 là 09
ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật).
b) Trường hợp cả
cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để
luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con
ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 7: Hai vợ chồng
bà B đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng
bà B là ngày Chủ nhật. Con bà B được 5 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời
gian từ ngày 11/01 đến ngày 05/02/2016. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà B
phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:
- Bà B nghỉ chăm
con từ ngày 11/01 đến ngày 17/01/2016 và từ ngày 25/01 đến ngày 05/02/2016;
- Chồng bà B nghỉ
chăm con từ ngày 18/01 đến ngày 24/01/2016.
Như vậy, thời gian
hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà B được tính như sau:
+ Đối với bà B: tổng
số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ
nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 5 tuổi nên thời gian nghỉ
việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời
gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày.
+ Đối với chồng bà
B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào
ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của
chồng bà B được tính hưởng là 06 ngày.
c) Trường hợp cả
cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc
con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời
gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người
mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 8: Hai vợ chồng
chị T đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có con trai 5 tuổi bị ốm phải nằm viện điều trị
bệnh từ ngày 07/3/2016 đến ngày 11/3/2016. Trong thời gian con phải nằm viện điều
trị bệnh, cả hai vợ chồng chị T đều nghỉ việc để chăm sóc con.
Trong trường hợp
này, cả hai vợ chồng chị T đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau với
thời gian là 05 ngày.
Điều 6. Mức hưởng chế độ ốm đau
1. Mức hưởng chế độ
ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và Điều 27 của Luật bảo
hiểm xã hội được tính như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau
|
=
|
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
|
x 75 (%) x
|
Số ngày nghỉ việc được hưởng chế
độ ốm đau
|
24 ngày
|
- Số ngày nghỉ việc
được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ,
nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
2. Mức hưởng chế độ
ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa
trị dài ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật bảo hiểm
xã hội được tính như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với
bệnh cần chữa trị dài ngày
|
=
|
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
|
x
|
Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%)
|
x
|
Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ
ốm đau
|
Trong đó:
a) Tỷ lệ hưởng chế
độ ốm đau được tính bằng 75% đối với thời gian hưởng chế độ ốm đau của người
lao động trong 180 ngày đầu. Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà vẫn tiếp tục
điều trị
thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:
- Bằng 65% nếu người
lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
- Bằng 55% nếu người
lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
- Bằng 50% nếu người
lao động đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.
b) Tháng nghỉ việc
hưởng chế
độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó
đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn
tháng thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với
bệnh cần chữa trị dài ngày
|
=
|
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
|
x
|
Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%)
|
x
|
Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm
đau
|
24 ngày
|
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng chế độ
ốm đau theo quy định tại điểm a khoản này.
- Số ngày nghỉ việc
hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Ví dụ 9: Bà N đang
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bị ốm đau phải nghỉ việc do mắc bệnh thuộc
danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 28/3/2016 đến ngày 05/6/2016.
- Số tháng nghỉ việc
hưởng chế độ ốm đau của bà N là 2 tháng (từ 28/3 đến 27/5/2016);
- Số ngày lẻ không
trọn tháng của bà N là 09 ngày (từ ngày 28/5 đến ngày 05/6/2016).
3. Trường hợp người
lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc nghỉ việc hưởng
chế độ khi con ốm đau ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội
bắt buộc mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì mức
hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã
hội của chính tháng đó.
Ví dụ 10: Bà Ch được
tuyển dụng vào làm việc tại một cơ quan từ ngày 01/6/2016. Ngày 06/6/2016 bà Ch
bị tai nạn rủi ro phải nghỉ việc để điều trị đến hết tháng 6/2016. Bà Ch được
cơ quan đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội với tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo
hiểm xã hội là 5 triệu đồng.
Trường hợp bà Ch được
giải quyết hưởng chế độ ốm đau, mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền
lương tháng là 5 triệu đồng.
4. Người lao động
nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người
lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời
gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
5. Trong thời gian
người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh
cần chữa trị dài ngày, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm
xã hội đóng cho người lao động.
6. Không điều chỉnh
mức hưởng chế độ ốm đau khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu
vùng.
Điều 7. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
sau khi ốm đau
1. Người lao động
đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc
bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng
thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ
dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật
bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 11: Ông Ph
đang tham gia bảo hiểm xã hội theo chức danh nghề nặng nhọc, tính đến hết tháng
7/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau (bệnh không thuộc Danh mục bệnh cần chữa
trị dài ngày) được 35 ngày, sau khi đi làm trở lại được một tuần thấy sức khỏe
còn yếu, ông Ph được công ty quyết định cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
05 ngày. Tháng 9/2016, ông Ph bị ốm đau phải phẫu thuật, nghỉ việc hưởng chế độ
ốm đau 07 ngày thì quay trở lại làm việc nhưng sức khỏe chưa phục hồi.
Trường hợp ông Ph
tính đến thời điểm tháng 9/2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức
khỏe sau khi ốm đau (ốm đau không thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày) được
05 ngày. Do vậy, khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ
ốm đau phải phẫu thuật mà sức khỏe chưa phục hồi thì ông Ph được nghỉ việc hưởng
chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau với thời gian tối đa là 02
ngày (dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau do phải phẫu thuật tối đa là
07 ngày nhưng trước đó ông Ph đã nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
sau khi ốm đau là 05 ngày).
2. Người lao động đủ
điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc
hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.
Ví dụ 12: Bà D phải
nghỉ việc để điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày
01/8/2016 đến hết ngày 10/12/2016 (trong năm 2016 bà D chưa nghỉ dưỡng sức, phục
hồi sức khỏe sau ốm đau). Từ ngày 11/12/2016, bà D trở lại tiếp tục làm việc đến
ngày 04/01/2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên bà D được đơn vị giải quyết nghỉ
việc hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe 10 ngày.
Trường hợp bà D được
nghỉ hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 10 ngày và thời gian nghỉ này được tính
cho năm 2016.
3. Trường hợp người
lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Điều 8. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ
ốm đau
1. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau thực hiện
theo quy định tại Điều 100 và Điều 102 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định
tại khoản
1 và khoản 2 Điều 100 của Luật bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động nhưng không
quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Mục 2: CHẾ ĐỘ THAI SẢN
Điều 9. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Điều kiện hưởng chế
độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ
mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định
tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội; khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP
và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận
nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính
vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ
ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh
con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con
hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực
hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Ví dụ 13: Chị A sinh
con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng bảo hiểm xã hội, thời gian 12
tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu
trong thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ
đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai
theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng
chế độ thai sản theo quy định.
Ví dụ 14: Tháng
8/2017, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2017, thời gian
12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, nếu
trong thời gian này chị B đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ
đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai
theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng
chế độ thai sản theo quy định.
2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng
dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm
xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian
12 tháng trước khi sinh con;
b) Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang
thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến
thời điểm nhận con.
3. Trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn
nghỉ sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút
thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai thì
được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 32, 33
và 37 của Luật bảo hiểm xã hội.
Điều 10. Thời gian hưởng chế độ thai sản
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế
độ thai sản trước và sau khi sinh con theo quy định tại khoản 1
Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng
chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện
quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì
ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước
khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều
33 của Luật bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.
Ví dụ 15: Chị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt
buộc được 3 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản
cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định
của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày
tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
b) Trường hợp lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai
sản trước khi sinh, sau khi sinh con mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện
quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội thì
ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi
sinh, lao động nữ được hưởng chế độ quy định tại khoản 3 Điều
34 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha
hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội và được
hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội
mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng
chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản
được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06
tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ.
b) Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm
xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính
trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước
khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
c) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội
nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều
31 của Luật bảo hiểm xã hội mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng
được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ
thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người mẹ.
d) Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm
xã hội nhưng người mẹ không đủ điều kiện quy định tại khoản 2
hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội mà chết thì cha được nghỉ việc
hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản
được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06
tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha.
đ) Trường hợp cha
hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại điểm b và điểm d khoản này mà
không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng
chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ.
e) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội
mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe
để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì
cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức
hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng
bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người
cha.
g) Đối với trường hợp
quy định tại các điểm b, d và e khoản này mà người cha đóng bảo hiểm xã hội
chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình
quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
3. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên
mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản được giải quyết đối với
con còn sống. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động
nữ được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
Trường hợp tất cả
các thai đều chết lưu thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo
quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội đối với từng thai chết lưu, không tính
trùng thời gian hưởng.
Trường hợp tất cả
các thai đều bị chết sau khi sinh thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực
hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội, áp dụng đối với con chết sau cùng.
Điều 11. Thời gian hưởng chế độ khi nhận
nuôi con nuôi
Người lao động nhận
nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo
quy định tại Điều 36 của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp người
lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản
2 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng không nghỉ việc thì chỉ được hưởng
trợ cấp một lần quy định tại Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội.
Điều 12. Mức hưởng chế độ thai sản
1. Mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo
quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội và được
hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời
gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp lao động
nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì
mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ
việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Ví dụ 16: Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá
trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Từ tháng 10/2015
đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 02/2016
đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị
C
được tính như sau:
Mức
bình quân tiền lương tháng đóng
bảo hiểm
xã hội của 6 tháng
liền
kề
trước khi nghỉ việc
|
=
|
(5.000.000 x 4) + (6.500.000 x
2)
|
6
|
|
=
|
5.500.000 (đồng/tháng)
|
Như vậy, mức bình
quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ
việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.
Ví dụ 17: Chị D
sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng
thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình
đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Từ tháng 5/2014 đến
tháng 4/2016 (24 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 5/2016 đến
tháng 8/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;
- Từ tháng 9/2016 đến
tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị
D được tính như sau:
Mức
bình quân tiền lương tháng đóng
bảo hiểm
xã hội của 6 tháng
liền
kề
trước khi nghỉ việc
|
=
|
(7.000.000 x 4) + (8.500.000 x
2)
|
6
|
|
=
|
7.500.000 (đồng/tháng)
|
Như vậy, mức bình
quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ
việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị D là 7.500.000 đồng/tháng.
b) Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ
thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5
và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu thuộc
diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền
lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ
14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội
quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội được
hướng dẫn như sau:
a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn
trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng
chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được
tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi
hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã
hội.
b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao
động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm
sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản
4 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo
hiểm xã hội.
c) Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết
thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi
nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian
đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh
con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy
định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng
người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế.
d) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp
nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực
tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người lao động và
người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
3. Mức hưởng chế độ thai sản của người lao động
không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương
tối thiểu vùng.
4. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được
tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều này, được ghi
theo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế
độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người
lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động
từ thời điểm được nâng lương.
Người lao động đang
làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y
tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên nghỉ việc
hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính
là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt
nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7
trở lên.
Điều 13. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
sau thai sản
1. Lao động nữ, lao động nữ mang thai hộ được
nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 của Luật bảo hiểm xã hội và điểm c khoản
3 Điều 3 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
2. Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục
hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức
khỏe được tính cho năm đó.
Ví dụ 18: Chị Th
đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngày 15/12/2016 trở lại làm việc sau thời
gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con, đến ngày 10/01/2017 do sức
khỏe chưa phục hồi nên chị Th được cơ quan giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi
sức khỏe 05 ngày.
Trường hợp chị Th
được nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày và thời gian nghỉ này
được tính cho năm 2016.
Điều 14. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ
thai sản
1. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau thực hiện
theo quy định tại Điều 101, Điều 102 của Luật bảo hiểm xã hội và
Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
2. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo
quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại
làm việc.
Trường hợp người
lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời
điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ
và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
Mục 3: CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ
Điều 15. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ
việc được hưởng lương hưu nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công
việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông
tư này.
2. Người lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi,
nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội
trở lên mà trong đó có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại,
nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và thời gian làm việc ở nơi có
phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương
hưu.
Ví dụ 19: Ông N có
30 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó từ tháng 01/1998 đến tháng 12/2007 làm
nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; từ tháng 01/2008 đến tháng
3/2016 ông N chuyển địa điểm làm việc đến nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 (vẫn
làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Ông N nghỉ việc từ
tháng 4/2016, khi ông đủ 57 tuổi.
Trường hợp ông N có
tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời
gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên là 18 năm 03 tháng (từ
tháng 01/1998 đến tháng 12/2007 và từ tháng 01/2008 đến tháng 3/2016). Tại thời
điểm nghỉ việc, ông N đủ điều kiện hưởng lương hưu, không cần điều kiện phải
suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
3. Điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ
là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội, được
hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Việc xác định là người hoạt động chuyên trách
hoặc không chuyên trách
ở xã, phường, thị trấn được căn cứ vào thời điểm trước khi nghỉ việc hưởng chế
độ bảo hiểm xã hội;
b) Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến
dưới 20 năm là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ví dụ 20: Bà Th có
quá trình công tác từ tháng 01/1998 làm giáo viên dạy cấp 1 đến tháng 4/2012
chuyển sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở cấp xã. Bà Th đủ 55 tuổi,
nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2016.
Trường hợp bà Th tại
thời điểm trước khi nghỉ việc là nữ cán bộ chuyên trách cấp xã (Chủ tịch Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở cấp xã), có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
là 18 năm 3 tháng. Bà Th đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 21: Bà Q là
người hoạt động không chuyên trách ở xã, tại thời điểm đủ 55 tuổi bà Q có 18
năm đóng bảo hiểm xã hội (trong đó có 4 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện).
Trường hợp bà Q khi đủ 55 tuổi, không đủ 15 năm
đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không thuộc đối tượng được hưởng lương hưu
theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội.
Bà Q có thể lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho 02 năm còn thiếu để được hưởng lương hưu hoặc
nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định.
4. Người lao động đủ điều
kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu
tối đa 06 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu
với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng
lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào
quỹ hưu trí
và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ
điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng
còn thiếu.
Ví dụ 22: Ông C sinh tháng 3/1956, làm việc trong điều
kiện bình thường, đến hết tháng 3/2016 ông C có 19 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp ông C
được đóng bảo hiểm xã hội một lần cho 5 tháng còn thiếu. Tháng 4/2016, ông C đóng một lần cho 5 tháng còn thiếu
cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ông C được hưởng lương hưu từ tháng 4/2016.
Trường hợp ông C nêu trên mà đến tháng 7/2016 mới đóng bảo
hiểm xã hội một lần đủ cho 5 tháng còn thiếu thì được hưởng lương hưu từ tháng
7/2016.
Ví dụ 23: Ông H sinh tháng 3/1963, có 19 năm 6
tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tháng 3/2016 ông H được Hội đồng Giám định
y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động 63%. Như vậy, ông H đã đủ điều kiện
về tuổi và mức suy giảm khả năng lao động để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu 6
tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông H được đóng tiếp bảo hiểm xã hội bắt
buộc 6 tháng. Tháng 4/2016, ông H đóng một lần cho 6 tháng còn thiếu. Thời điểm
hưởng lương hưu đối với ông H được tính từ tháng 4/2016.
Điều 16. Điều kiện hưởng lương hưu khi
suy giảm khả năng lao động
Người lao động khi
nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức
thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và
đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:
Năm nghỉ hưởng lương hưu
|
Điều kiện
về tuổi
đời đối
với nam
|
Điều kiện
về tuổi
đời đối
với nữ
|
2016
|
Đủ
51 tuổi
|
Đủ
46 tuổi
|
2017
|
Đủ
52 tuổi
|
Đủ
47 tuổi
|
2018
|
Đủ
53 tuổi
|
Đủ
48 tuổi
|
2019
|
Đủ
54 tuổi
|
Đủ
49 tuổi
|
Từ
2020 trở đi
|
Đủ
55 tuổi
|
Đủ
50 tuổi
|
2. Bị suy giảm khả
năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
3. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và
có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Điều 17. Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ
điều kiện quy định tại Điều 16 của Thông tư này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, sau đó
cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Ví dụ 24: Bà A 53
tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%,
có 26 năm 04 tháng đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu tháng 6/2016. Tỷ lệ hưởng
lương hưu của bà A được tính như sau:
- 15 năm đầu được
tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 16 đến
năm thứ 26 là 11 năm, tính thêm: 11 x 3% = 33%;
- 04 tháng được
tính là 1/2 năm, tính thêm: 0,5 x 3% = 1,5%
- Tổng các tỷ lệ
trên là: 45% + 33% + 1,5% = 79,5% (chỉ tính tối đa bằng 75%);
- Bà A nghỉ hưu trước
tuổi 55 theo quy định là 2 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2 x 2% = 4%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng
lương hưu hằng tháng của bà A là 75% - 4% = 71%. Ngoài ra, do bà A có thời gian
đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng 75% (cao hơn 25 năm) nên
còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 1,5 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội.
a) Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến
đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do
nghỉ hưu trước tuổi của năm đó.
Ví dụ 25: Bà K bị
suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 01/2019 khi đủ
50 tuổi 01 tháng, có 28 năm đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu được
tính như sau:
- 15 năm đầu được tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 16 đến
năm thứ 28 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;
- Tổng 2 tỷ lệ trên
là: 45% + 26% = 71%;
- Bà K nghỉ hưu khi
50 tuổi 01 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ
do nghỉ hưu trước tuổi là 8% + 1% = 9%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng
lương hưu hằng tháng của bà K sẽ là 71% - 9% = 62%.
b) Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi
làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Ví dụ 26: Ông Q nghỉ
việc hưởng lương hưu tháng 4/2017 khi đủ 49 tuổi. Ông Q có 27 năm đóng bảo hiểm
xã hội, trong đó có 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; bị suy giảm
khả năng lao động 61%. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông Q được tính như sau:
- 15 năm đầu được tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 16 đến
năm thứ 27 là 12 năm, tính thêm: 12 x 2% = 24%;
- Tổng 2 tỷ lệ trên
là: 45% + 24% = 69%;
- Ông Q nghỉ hưu
trước tuổi 50 theo quy định là 01 năm nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi
là 2%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng
lương hưu hằng tháng của ông Q là 69% - 2% = 67%.
Ví dụ 27: Bà M làm
việc trong điều kiện bình thường, trong hồ sơ chỉ thể hiện sinh năm 1962, có thời
gian đóng bảo hiểm xã hội 25 năm, bị suy giảm khả năng lao động 61%, lập hồ sơ đề
nghị hưởng lương hưu từ ngày 01/3/2016.
Tỷ lệ hưởng lương
hưu của bà M được tính như sau:
- 15 năm đầu được
tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 16 đến
năm thứ 25 là 10 năm, tính thêm: 10 x 3% = 30%;
- Tổng 2 tỷ lệ trên
là: 45% + 30% = 75%;
- Hồ sơ chỉ thể hiện
bà M sinh năm 1962 nên lấy ngày 01/01/1962 để tính tuổi làm cơ sở tính năm nghỉ
hưu trước tuổi. Do vậy, tại thời điểm hưởng lương hưu bà M đã 54 tuổi 01 tháng
nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 1%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng
lương hưu hằng tháng của bà M là 75% -1% = 74%.
2. Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời
gian đóng đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được
tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Ví dụ 28: Ông G làm việc trong điều kiện bình thường,
bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu năm 2018 khi 56 tuổi
7 tháng, có 29 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng
tháng được tính như sau:
- Số năm đóng bảo
hiểm xã hội của ông G là 29 năm 7 tháng, số tháng lẻ là 7 tháng được tính là 1 năm, nên số năm
đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông G là 30 năm.
- 16 năm đầu tính bằng
45%;
- Từ năm thứ 17 đến
năm thứ 30 là 14 năm, tính thêm: 14 x 2% = 28%;
- Tổng 2 tỷ lệ trên
là: 45% + 28% = 73%.
- Ông G nghỉ hưu khi 56 tuổi 07 tháng
(nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định là 3 năm 05 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do
nghỉ hưu trước tuổi là 6%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng
lương hưu hằng tháng của ông G sẽ là 73% - 6% = 67%.
Ví dụ 29: Ông S nghỉ việc hưởng lương hưu năm 2016
khi đủ 51 tuổi. Ông
S
có 15 năm làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; bị suy giảm khả năng lao động
61% và có 27 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông S được tính như sau:
- Số năm đóng bảo hiểm xã hội của ông S là 27 năm 03 tháng, số tháng lẻ là 03
tháng được tính là 0,5 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương
hưu của ông S
là 27,5 năm.
- 15 năm đầu tính bằng
45%;
- Từ năm thứ 16 đến
năm thứ 27,5 là 12,5 năm, tính thêm: 12,5 x 2% = 25%;
- Tổng 2 tỷ lệ trên
là: 45% + 25% = 70%.
- Ông S nghỉ hưu trước tuổi 55 là 4 năm nên tỷ
lệ hưởng lương hưu
tính giảm 8%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng
lương hưu
hằng tháng của ông S
là 70% - 8% = 62%.
Điều 18. Thời điểm hưởng lương hưu
1. Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng
lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều
kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm
đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 của tháng 01 năm liền kề
sau năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Ví dụ 30: Ông A
sinh ngày 01/3/1956, làm việc trong điều kiện bình thường. Thời điểm ông A đủ điều
kiện về tuổi để hưởng lương hưu là ngày 01/4/2016.
Ví dụ 31: Ông M
sinh ngày 01/12/1956, làm việc trong điều kiện bình thường. Thời điểm ông M đủ điều
kiện về tuổi để hưởng lương hưu là ngày 01/01/2017.
2. Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng
lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi
năm sinh) là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện
về tuổi đời hưởng lương hưu.
Ví dụ 32: Bà C làm việc trong điều kiện bình thường,
trong hồ sơ chỉ ghi sinh năm 1961. Thời điểm bà C đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương
hưu là ngày 01/01/2017.
3. Thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy
giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng
bảo hiểm xã hội được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy
giảm khả năng lao động theo các trường hợp quy định tại Điều 16 của Thông tư
này.
Ví dụ 33: Bà D,
sinh ngày 10/5/1965, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm. Ngày
05/7/2016, Hội đồng Giám định y khoa kết luận bà D bị suy giảm khả năng lao động
61%. Thời điểm bà D đủ điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động
là ngày 01/8/2016.
4. Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động
đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã
hội thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 59 của
Luật bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người sử
dụng lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định thì phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do và chịu
trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình.
5. Thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp
không còn hồ sơ gốc quy định tại khoản 7 Điều 23 của Nghị định
số 115/2015/NĐ-CP là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội.
Điều 19. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo
quy định tại Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội, Nghị quyết
số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính
sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động và Điều
8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần thực
hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư này.
Trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà
nước quy định chưa đủ số năm cuối quy định tại khoản 1 Điều 20 của Thông tư này
thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người
lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm được tính bằng 22% của
các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 02 tháng mức
bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người
lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vừa có thời gian đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã
hội tự nguyện của từng thời kỳ, trừ trường hợp quy định tại điểm
d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP. Việc tính mức hưởng bảo hiểm
xã hội một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ
đóng bảo hiểm xã hội, sau đó trừ đi số tiền nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội
tự nguyện.
Số tiền Nhà nước hỗ
trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ
của từng tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức hỗ trợ của từng tháng được
tính theo công thức sau:
Số tiền Nhà nước hỗ trợ tháng i
|
=
|
0,22
|
x
|
Chuẩn nghèo khu vực nông thôn tại
tháng i
|
x
|
Tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước tại
tháng i
|
4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến
06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp tính đến
trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ
thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày
01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Ví dụ 34: Ông T có thời gian đóng bảo hiểm xã hội
là 16 năm 4 tháng (trong đó 10 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày
01/01/2014). Bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính như sau:
- Ông T có 10 năm 02 tháng đóng bảo hiểm
xã hội trước năm 2014; 02 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014.
Như vậy, số tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính bảo hiểm xã hội một lần của ông
T được tính là 10 năm trước năm 2014 và 6 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội giai
đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 6,5 năm).
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông T
được tính như sau:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
|
=
|
1,5 tháng x 10 năm + 2 tháng x
6,5 năm
|
x
|
Mức bình quân tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội
|
Như vậy, mức hưởng
bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính bằng 28 tháng mức bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội.
5. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần
là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội. Việc điều chỉnh
tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần căn cứ
vào thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 35: Ông V thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội
theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định từ năm 1996 đến hết năm 2014. Trên
cơ sở đề nghị của ông V ngày 20/02/2016, ngày 01/3/2016 cơ quan bảo hiểm xã hội
ban hành quyết định giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với ông V.
Như vậy, bảo hiểm
xã hội một lần của ông V được tính trên cơ sở mức lương cơ sở tại thời điểm
01/3/2016.
Điều 20. Mức bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
1. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do
Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền
lương này quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội
và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hướng
dẫn như sau:
a) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo
hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi
nghỉ việc
|
60 tháng
|
b) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo
hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31
tháng 12 năm 2000:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi
nghỉ việc
|
72 tháng
|
c) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo
hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31
tháng 12 năm 2006:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi
nghỉ việc
|
96 tháng
|
d) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo
hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31
tháng 12 năm 2015:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm (120 tháng) cuối trước
khi nghỉ việc
|
120 tháng
|
đ) Đối với người
lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12
năm 2019:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ việc
|
180 tháng
|
e) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo
hiểm xã hội từ ngày 01 tháng
01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ việc
|
240 tháng
|
g) Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo
hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của của toàn bộ thời gian đóng
|
Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội
|
Trong đó:
Mbqtl: mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản
phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Tiền lương này được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm tính mức bình quân
tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế
độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định quy định tại khoản
2 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 9 Nghị
định số 115/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội
|
Tổng
số tháng đóng bảo hiểm xã hội
|
Trong đó:
Mbqtl: mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tiền lương tháng
đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh
theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật bảo hiểm xã hội
và khoản 2 Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
3. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối
tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo
hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo khoản 3 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản
3 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định
|
+
|
Tổng số tiền lương tháng đóng bảo
hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương cho người
sử dụng lao động quyết định
|
Tổng
số tháng đóng bảo hiểm xã hội
|
Trong đó:
a) Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bằng tích số giữa tổng số
tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với mức
bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Trường hợp người lao động có từ 2 giai đoạn
trở lên thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy
định được tính như điểm a khoản này. Trong đó, tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội
theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tổng số các tháng đóng bảo hiểm
xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của các giai đoạn.
Ví dụ 36: Ông Q nghỉ
việc hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi, có 23 năm 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Diễn
biến thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông Q như sau:
- Từ tháng 01/1990
đến tháng 12/1996 (7 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước
quy định.
- Từ tháng 01/1997
đến tháng 9/2006 (9 năm 9 tháng) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do
người sử dụng lao động quyết định.
- Từ tháng 10/2009
đến tháng 9/2016 (7 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước
quy định.
Ông Q hưởng lương
hưu từ tháng 10/2016.
Tổng số tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của ông
Q được tính theo điểm b nêu trên như sau:
- Tổng số tháng
đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là: 7 năm + 7
năm =14 năm (168 tháng).
- Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của
ông Q được tính như sau:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối đóng bảo hiểm xã hội
theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (tính từ tháng 10/2011 đến tháng
9/2016)
|
60
tháng
|
- Vậy, tổng số tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của
ông Q được tính là: 168 tháng x Mbqtl
Ví dụ 37: Ông T nghỉ việc hưởng lương hưu khi đủ
60 tuổi, có 22 năm đóng bảo hiểm xã hội. Diễn biến thời gian đóng bảo hiểm xã hội
của ông T như sau:
- Từ tháng 01/1996
đến tháng 12/2002 (7 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước
quy định.
- Từ tháng 01/2003
đến tháng 12/2013 (11 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người
sử dụng lao động quyết định.
- Từ tháng 01/2014
đến tháng 12/2017 (4 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước
quy định.
Ông T hưởng lương
hưu từ tháng 01/2018.
Tổng số tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của ông
T được tính như sau:
- Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ
tiền lương do Nhà nước quy định là: 7 năm + 4 năm =11 năm (132 tháng).
- Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của
ông T được tính như sau:
Mbqtl
|
=
|
Tổng
số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối đóng bảo hiểm
xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (24 tháng tính từ tháng
01/2001 đến tháng 12/2002 cộng 48 tháng tính từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2017)
|
72
tháng
|
- Vậy, tổng số tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của
ông T được tính là: 132 tháng x Mbqtl.
4. Lương hưu của người lao động thuộc đối tượng
thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm
phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề có hoặc không có phụ cấp
thâm niên nghề rồi mới nghỉ hưu, được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 9 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng
dẫn cụ thể như sau:
a) Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực
hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp
thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề không có phụ cấp thâm niên nghề và
trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có
phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ
đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên
nghề cao nhất (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội
bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định
tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.
Ví dụ 38: Ông H, là
Chánh Văn phòng Bộ, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/4/2016; có tổng
thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm. Trước khi chuyển sang làm Chánh Văn
phòng Bộ, ông H là kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân, có 14 năm được tính
thâm niên nghề với hệ số lương là 5,08. Ông H có diễn biến tiền lương đóng bảo
hiểm xã hội 5 năm cuối như sau (giả sử tiền lương cơ sở tại thời điểm tháng
4/2016 là 1.150.000 đồng/tháng).
- Từ tháng 4/2011 đến
tháng 3/2014 = 36 tháng, hệ số lương là 6,2:
1.150.000 đồng x 6,2 x 36 tháng = 256.680.000 đồng.
- Từ tháng 4/2014 đến
tháng 3/2016 = 24 tháng, hệ số lương là 6,56:
1.150.000 đồng x 6,56 x 24 tháng = 181.056.000 đồng.
- Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối để làm cơ sở tính lương hưu của ông
H là:
(256.680.000
đồng + 181.056.000 đồng)
|
= 7.295.600 đồng/tháng.
|
60
tháng
|
- Phụ cấp thâm niên
nghề của ông H trước khi chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được cộng
vào mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu như sau:
Ông H có hệ số lương trước khi chuyển sang Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội bằng 5,08; phụ cấp thâm niên nghề được tính là
14%:
1.150.000 đồng x 5,08 x 14% = 817.880 đồng.
- Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu là:
7.295.600 đồng + 817.880 đồng = 8.113.480 đồng.
- Lương hưu hằng
tháng của ông H là:
8.113.480 đồng x 75% = 6.085.110 đồng/tháng.
b) Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực
hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ
cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên
nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu
đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm
xã hội để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều
9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều này.
Ví dụ 39: Ông M
nguyên là công chức Hải quan, chuyển sang làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân
dân, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01/4/2016; có tổng thời gian
đóng bảo hiểm xã hội là 27 năm, trong đó 11 năm được tính thâm niên nhà giáo,
16 năm thâm niên ngành kiểm sát. Ông M có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã
hội 5 năm cuối như sau (giả sử tiền lương cơ sở tại thời điểm tháng 4/2016 là
1.150.000 đồng/tháng).
- Từ tháng 4/2011 đến
tháng 3/2014 = 36 tháng, hệ số lương là 5,76; thâm niên nghề là 25 %:
1.150.000 đồng x 5,76 x 1,25 x 36 tháng = 298.080.000 đồng.
- Từ tháng 4/2014 đến
tháng 3/2016 = 24 tháng, hệ số lương là 6,10; thâm niên nghề là 27 %:
1.150.000 đồng x 6,10 x 1,27 x 24 tháng = 213.817.200 đồng.
- Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối để làm cơ sở tính lương hưu của ông
M là:
359.931.600 đồng
+ 256.365.360 đồng
|
= 8.531.620 đồng/tháng.
|
60
tháng
|
- Lương hưu hằng
tháng của ông M là:
8.531.620 đồng/tháng
x
69% = 5.886.818 đồng/tháng.
c) Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực
hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ
cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp
thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội không có phụ cấp
thâm niên nghề, sau đó lại chuyển sang các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm
niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội có phụ cấp thâm niên
nghề, hoặc ngược lại thì căn cứ vào ngành nghề cuối cùng trước khi nghỉ hưu
(ngành nghề có được hưởng phụ cấp thâm niên nghề hoặc ngành nghề không được hưởng
phụ cấp thâm niên nghề) để tính mức lương hưu theo điểm a hoặc điểm b khoản
này.
d) Trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực
hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ
cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang các ngành nghề có hoặc không có phụ cấp
thâm niên nghề, khi nghỉ hưu trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của những
năm cuối để tính lương hưu có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề có thời
gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề, nếu mức lương hưu tính theo điểm b khoản
này thấp hơn thì được lấy tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp
thâm niên liền kề trước đó tương ứng với số năm quy định tại khoản 1 Điều này,
được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để tính
mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 40: Ông P, nguyên là công chức Hải quan, có 27
năm được tính thâm niên nghề, tháng 4/2013 chuyển sang làm Chuyên viên thuộc Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày
01/4/2016; có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm. Ông P có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm
xã hội một số năm cuối trước khi nghỉ hưu như sau (giả sử tiền lương cơ sở tại
thời điểm tháng 4/2016 là 1.150.000 đồng/tháng).
- Từ tháng 4/2008 đến
tháng 3/2010 = 24 tháng, hệ số lương là 6,2, phụ cấp thâm niên nghề được tính
là 24%;
- Từ tháng 4/2010 đến
tháng 3/2013 = 36 tháng, hệ số lương là 6,56, phụ cấp thâm niên nghề được tính
là 27%;
- Từ tháng 4/2013 đến
tháng 3/2016 = 36 tháng, hệ số lương là 6,92, không có phụ cấp thâm niên.
Trường hợp ông P mức lương hưu tính theo số năm cuối
trước khi nghỉ hưu thấp hơn so với mức lương hưu tính theo số năm trước
đó có hưởng phụ cấp thâm niên. Do vậy, mức bình quân tiền lương tháng để tính
lương hưu của ông P
được tính như sau:
- Từ tháng 4/2008 đến
tháng 3/2010 = 24 tháng, hệ số lương là 6,2, phụ cấp thâm niên nghề được tính
là 24%:
1.150.000 đồng x 6,56 x 24 tháng x 1,24 = 212.188.800 đồng.
- Từ tháng 4/2010 đến
tháng 3/2013 = 36
tháng, hệ số lương là 6,56, phụ cấp thâm niên nghề được tính là 27%:
1.150.000 đồng x 6,56 x 36 tháng x 1,27 = 344.911.680 đồng.
- Mức bình quân tiền
lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu của ông P là: