1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Luật thương mại năm 2005
– Luật xây dựng năm 2014
Căn cứ theo quy định tại Điều 418 BLDS thì Phạt vi phạm là sự
thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp
một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do hai bên thỏa thuận, trừ
trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Việc phạt vi phạm chỉ đặt ra nếu có sự thỏa thuận của các bên
chủ thể trong hợp đồng, đồng thời việc phạt vi phạm được giải quyết bằng việc
nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
BLDS không có quy định về mức phạt vi phạm mà cho các bên tự
thỏa thuận, tuy nhiên, BLDS cũng quy định “trừ trường hợp luật liên quan có quy
định khác”. Trong trường hợp luật liên quan có quy định khác thì phải thực hiện
theo mức phạt vi phạm do luật đó quy định.
Hiện nay, có một số luật liên quan có quy định về mức phạt vi phạm như sau:
– Luật thương mại năm 2005:
Điều 301 Luật thương mại quy định:
“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt
đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8%
giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266
của Luật này.”
Điều 266 Luật thương mại quy định:
“1. Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp
chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt
cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần
thù lao dịch vụ giám định.”
Tư vấn pháp luật miễn phí 19006248
– Luật xây dựng năm 2014:
Khoản 2 Điều 146 quy định:
“Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp
đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo
thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên
thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.”
Luật thương mại năm 2005 điều chỉnh tất cả các hoạt động thương
mại phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, cũng theo quy định của Luật thương mại
thì Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán
hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm
mục đích sinh lợi khác.
Mức phạt vi phạm hợp đồng thực tế hiện nay như sau:
– Phạt hợp đồng xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước: Không vượt quá 12%
giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
– Phạt hợp đồng cung ứng dịch vụ giám định cấp chứng thư giám
định: Mức phạt do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 10 lần thù lao dịch vụ
giám định.
– Phạt vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ khác:
Không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Việc đưa ra mức phạt vi phạm này để hai bên đảm bảo thực hiện
đầy đủ những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng và việc phạt vi phạm phải
được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng. Trường hợp hai bên không có thỏa thuận
về việc phạt vi phạm thì sẽ không thể yêu cầu bên bị vi phạm nộp phạt vi phạm.
Trong một số trường hợp bất khả kháng, bên vi phạm nghĩa vụ
không thực hiện được nghĩa vụ của mình do sự kiện bất khả kháng thì sẽ không
phải chịu trách nhiệm phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại. Các sự kiện bất
khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và
không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng
cho phép. Ví dụ: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh, sự thay đổi chính
sách pháp luật khác và những sự cố bất thường xảy ra không thể lường trước và
không thể khắc phục được ví dụ: Sập hệ thống của bên ngân hàng cung cấp dịch vụ
thanh toán: trong trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận thanh toán qua ngân
hàng vào một ngày cụ thể, nhưng bên có nghĩa vụ thanh toán không thể thanh toán
được do hệ thống của ngân hàng nơi bên có nghĩa vụ mở tài khoản bị sự cố không
thể thực hiện các giao dịch được (bao gồm chuyển khoản hoặc làm ủy nhiệm chi
tại quầy), thì đây cũng được xem xét là một trường hợp bất khả kháng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hồng Thái và Đồng Nghiệp về vấn đề của bạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tổng đài 1900.6248 để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.