Kháng cáo theo thủ tục phúc
thẩm được định nghĩa hoạt động tố tụng của đương sự và các chủ thể khác theo
quy định pháp luật trong việc chống lại bản án , quyết định của tòa án cấp sơ
thẩm chưa có hiệu lực pháp luật yêu cầu tòa cấp trên xét xử lại vụ án dân sự. Kháng
cáo bảo đảm cho các đương sự có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước
tòa án.
Theo điều 243 Bộ luật Tố
tụng dân sự, người có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là đương sự, người
đại diện cho đương sự, cơ quan, tổ chức, đã khởi kiện vụ án dân sự.
Ở đây, đương sự là người có
quyền và lợi ích liên quan đến vụ án nên có quyền kháng cáo. Chỉ các đương sự
đã tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm mới có quyền kháng cáo. Các chủ thể có quyền
và lợi ích liên quan mà chưa tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm thì không có quyền
kháng cáo. Người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo nếu họ đã đại điện
cho đương sự tham gia tố tụng. Cơ quan, tổ chức đã khởi kiện để bảo vệ lợi ích
nhà nước, lợi ích công cộng thuộc lĩnh vực mình phụ trách, vì lợi ích của người
khác cũng có quyền kháng cáo.
Người thực hiện kháng cáo là
cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự . Họ có thể tự kháng cáo
hoặc ủy quyền cho người khác kháng cáo. Đương sự là cá nhân không có năng lực
hành vi tố tụng dân sự; cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật, uỷ quyền
sẽ tiến hành kháng cáo.
Về kháng nghị:
Kháng nghị theo thủ tục phúc
thẩm dân sự là hoạt động tố tụng của viện kiểm sát theo quy định pháp luật
trong việc phản đối vụ án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của
tòa án cấp dưới đề nghị tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án. Kháng nghị
bảo đảm cho viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân
theo pháp luật của tòa án trong việc giải quyết vụ án dân sự.
Nếu không đồng ý với phán
quyết của tòa án cấp sơ thẩm, Viện kiểm sát có quyền phản đối, đề nghị tòa án
cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án. Theo điều 250 Bộ luật Tố tụng, Bản án cấp sơ
thẩm có thể bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với tòa án cấp sơ
thẩm hoặc viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp của tòa án cấp
sơ thẩm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Tổng kết:
Kháng cáo, kháng nghị hợp lệ làm phát sinh quá trình
tố tụng theo thủ tục phúc thẩm nhằm xét xử lại bản án, quyết định bị kháng cáo,
kháng nghị. Vì vậy, đối với những phần
của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra
thi hành. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cấp bách của đương sự trong một số
trường hợp bảo vệ chứng cứ, bảo vệ tài sản cho hoạt động thi hành án dân sự đối
với những bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao
động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội hoặc
bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân;
quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án cấp sơ thẩm được thi
hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm (điều 245,275 Bộ
luật Tố tụng dân sự năm 2004).