Chồng tôi qua đời cách đây 3 năm, hiện tôi đang sống với 2 cháu là con chung của tôi và chồng. Nay ông bà nội của các cháu tuổi cao sức yếu, nhưng bố các cháu đã mất từ lâu, các con tôi có được nhận thừa kế từ ông bà không ?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Tài sản để lại được gọi là di sản, trong đó di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người đã mất và phần tài sản trong khối tài sản chung của người đã mất và những cá nhân khác. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Đối với việc lập di chúc, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người được thừa kế, dành một phần di sản trong khối tài sản để di tặng, thờ cúng, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của một số đối tượng đặc biệt, tại điều 644
Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Như vậy đối với trường hợp của chị, nếu ông bà nội của cháu có lập di chúc, việc các cháu nhận hay không nhận được di sản thừa kế của ông bà phụ thuộc vào ý muốn của ông bà. Cháu nội không phải là đối tương được hưởng di sản thừa kế bắt buộc không phụ thuộc vào nội dung di chúc của ông bà. Do vậy, trong trường hợp ông bà nội của cháu lập di chúc nhưng không chỉ định hai cháu nhà chị là người thừa kế và phân định phần di sản cho cháu thì hai cháu không được nhận thừa kế từ ông bà.
Trong trường hợp người đã mất có để lại tài sản nhưng không lập di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế hoặc những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản, di sản của người mất được chia theo pháp luật. Phần di sản thừa kế theo pháp luật bao gồm: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
“Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Đối với những người thừa kế cùng hàng, phần di sản họ nhận được là bằng nhau. Và người thừa kế ở hàng sau chỉ được thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (điều 652 Bộ Luật Dân sự năm 2015).
Do đó, đối với gia đình của chị, nếu ông bà nội của hai cháu có phần di sản được áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật, vì bố hai cháu mất trước ông bà, hai cháu được hưởng phần di sản mà bố cháu được hưởng nếu còn sống.
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP TRÂN TRỌNG! Trụ sở chính: LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân) |