Hotline: 098.203.3335
TRANH TỤNG - TỐ TỤNG HÌNH SỰ - DÂN SỰ - HÀNH CHÍNH - ĐẤT ĐAI - HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
 

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP


Trụ sở chính:
Trụ sở chính: 38LK9, Tổng cục V, Bộ Công an, Tân Triều, Hà Nội

098 203 3335 (24/7)
luathongthai@gmail.com

Sử dụng tiền chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng có bị coi là vi phạm pháp luật?

(Số lần đọc 24)
Cố tình chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác là thủ đoạn vô cùng tinh vi hiện nay. Vậy làm thế nào để không dính bẫy lừa đảo của các đối tượng?

1. Cố tình chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác: Thủ đoạn lừa đảo tinh vi hiện nay

Gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều đơn yêu cầu tư vấn về việc bị một số đối tượng xấu cố tình chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng. Sau đó, đối tượng sẽ đưa ra những hình thức dọa nạt, phổ biến là yêu cầu nạn nhân phải hoàn trả lại số tiền đã nhận chuyển khoản nhầm và kèm theo kèm theo một số tiền lãi nhất định.

Thậm chí, đối tượng còn yêu cầu nạn nhân phải bấm vào đường link nào đó để trả tiền. Khi bấm vào, toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân sẽ bị mất sạch. Đến lúc này mới nhận ra bị lừa đảo thì tiền đã không còn nữa.

Thông thường, đối tượng lừa đảo sẽ lựa chọn những người nhẹ dạ cả tin, những người lớn tuổi để thực hiện thủ đoạn. Nếu chưa từng biết đến, có thể đa số những người được cho là nạn nhân sẽ khó tránh khỏi bị rơi vào vòng xoáy lừa đảo tinh vi này.

2. Làm thế nào để không vi phạm pháp luật khi bị người khác chuyển tiền nhầm vào tài khoản?

Khi nhận được số tiền lạ chuyển nhầm vào tài khoản của mình, người nhận cần phải bình tĩnh xử lý để tránh “rước họa vào thân”.

Đầu tiên, người nhận không được rút ra tiêu hay giao dịch liên quan đến số tiền đó. Không chuyển khoản lại khi không có bên thứ ba làm chứng.

Sau đó, người nhận cần liên hệ với bên ngân hàng đang sử dụng và thông báo với nhân viên về việc nhận được số tiền chuyển nhầm. Cung cấp các thông tin theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng để đối chiếu và xử lý. Nếu cần thiết, có thể liên hệ với bên công an để được giải quyết.

Hình ảnh minh họa

3. Cố tình sử dụng tiền chuyển khoản nhầm vào tài khoản có vi phạm pháp luật?

Căn cứ: Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015

“Điều 579. Nghĩa vụ hoàn trả

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”

Trong trường hợp này, khi có người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản người nhận cần liên hệ với bên ngân hàng để được hỗ trợ, giải quyết để tránh vi phạm pháp luật.

Tùy theo số tiền chiếm giữ trái phép mà người nhận chuyển khoản có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp, số tiền chiếm giữ dưới 10 triệu thì căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người chiếm giữ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Nếu số tiền chiếm giữ trên 10 triệu đồng thì căn cứ theo điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Người chiếm giữ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm tùy vào số tiền chiếm giữ.

“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Ngoài ra, người nhận tiền chuyển khoản cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh sử dụng trái phép tài sản, quy định tại điều 177 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

“Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Tài sản là bảo vật quốc gia;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trên đây là những thông tin tư vấn về vấn đề “Sử dụng tiền chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng có bị coi là vi phạm pháp luật ?”