Tôi có con với bạn trai là người nước ngoài nhưng chúng tôi chưa muốn kết hôn. Xin hỏi chúng tôi phải khai sinh cho cháu như thế nào khi cha cháu muốn nhận con?Chúng tôi muốn cháu mang hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam theo mẹ và quốc tịch nước ngoài theo cha) có được không?
Trả lời:
Do các bạn chưa đăng ký
kết hôn nên các bạn cần thực hiện thủ tục kết hợp giải quyết việc đăng ký
khai sinh và nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 15 Thông tư số
04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số
123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, cụ thể như sau:
“1. Khi đăng ký khai
sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân
dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai
sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp đăng ký
khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước
ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân
dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.
2. Hồ sơ đăng ký khai
sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:
a) Tờ khai đăng
ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh
hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16
của Luật hộ tịch;
c) Chứng cứ chứng minh
quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
3. Trình tự, thủ tục
giải quyết việc đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo
quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 Luật hộ tịch trong
trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định
tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 Luật hộ tịch trong trường hợp
thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Nội dung đăng ký khai
sinh xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số
123/2015/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư này. Giấy khai
sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời
cho người yêu cầu.”
Như vậy, về thẩm quyền
giải quyết việc kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con
là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của mẹ là công dân Việt Nam.
Về nội dung đăng ký khai
sinh được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số
123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định và Điều 6 Thông tư
số 04/2020/TT-BTP, cụ thể như sau:
“Điều 4. Xác định nội
dung đăng ký khai sinh, khai tử
“1. Nội dung đăng ký
khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ
tịch và quy định sau đây:
a) Họ, chữ đệm, tên và
dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định
của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai
sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì
xác định theo tập quán;
b) Quốc tịch của trẻ
em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
c) Số định danh cá
nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục
cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công
dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở
bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;
d) Ngày, tháng, năm sinh
được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định
theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy
chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định
tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
Đối với trẻ em sinh
tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành
chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ
sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em
sinh ra.
đ) Quê quán của người
được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của
Luật Hộ tịch.”
“Điều 6. Nội dung khai
sinh
“Nội dung khai sinh
được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hộ tịch, khoản 1
Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây:
1. Việc xác định họ,
dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản
sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên
quá dài, khó sử dụng.
2. Trường hợp cha, mẹ
không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh
thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo
đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.”
Về chứng cứ chứng
minh quan hệ cha, mẹ, con được quy định tại Điều 14 Thông tư số
04/2020/TT-BTP, như sau:
“Chứng cứ để chứng
minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1
Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan
y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước
hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có
chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì
các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo
quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ
cha, mẹ, con.”
Về thủ tục đăng ký khai
sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại khoản 1, 2 Điều 36
và Điều 44 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:
“Điều 36. Thủ tục đăng
ký khai sinh
1. Người đi đăng ký
khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ
quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước
ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho
con.
Trường hợp cha, mẹ
chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
2. Ngay sau khi nhận
đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy
đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy
định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước
ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Công chức làm công tác
hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp
báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được
đăng ký khai sinh.”
“Điều 44. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng
ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các
chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ
tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người
nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp
thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về
nhân thân.
2. Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức
làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy
ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản
đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ,
con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp
xã.
3. Phòng Tư pháp báo
cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận
cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải
quyết.
4. Khi đăng ký nhận
cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ
tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp
trích lục cho các bên.”
Về nguyện vọng của các bạn muốn con mang
hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam theo mẹ và quốc tịch nước ngoài theo cha):
Điều 16 Luật Quốc tịch Việt nam năm 2008 quy định Quốc tịch của trẻ em khi
sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam như sau:
"1. Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài
lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người
kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ
là ai thì có quốc tịch Việt Nam.
2. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là
công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt
Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai
sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ
không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc
tịch Việt Nam."
Theo quy định trên thì con của các bạn sẽ
được mang quốc tịch Việt Nam (theo sự thỏa thuận bằng văn bản của hai
bạn vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con nếu hai bạn muốn cháu
mang quốc tịch Việt Nam). Tuy nhiên, việc cháu có được mang quốc tịch nước
ngoài theo bố (quốc tịch thứ hai) hay không lại phụ thuộc vào quy định của pháp
luật của nước mà bạn trai bạn là công dân.

Trên đây là những phân tích của chúng tôi. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 0976933335 - 0982033335 để được hỗ trợ nhanh nhất. Hoặc E-mail: luathongthai@gmail.com.
Trụ sở chính: LK9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân).
Minh Tiến
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn của chúng tôi:
- Dịch vụ Luật sư lĩnh vực dân sự - 0976.933.335
- Dịch vụ Luật sư lĩnh vực Hình sự - 0982.033.335
- Dịch vụ pháp lý lĩnh vực Đất đai - 0976.933.335
- Dịch vụ tư vấn nhân sự và quản lý lao động - 0976.933.335
- Dịch vụ pháp lý lĩnh vực Doanh Nghiệp - 0982.033.335
- Dịch vụ Luật sư lĩnh vực Hôn nhân và gia đình - 0976.933.335