Thỏa ước lao động tập thể, cũng như tranh
chấp lao động tập thể là hai trong số rất nhiều các yếu tố khác phát sinh trong
quá trình lao động nói chung và trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động
và tập thể lao động nói riêng, vì thế, dù ít hay nhiều chúng đều phải có một mối
liên hệ nhất định với nhau. Vậy, để tìm hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa thỏa ước
lao động tập thể và tranh chấp thì trước hết chúng ta cần phải hiểu thế nào là
thỏa ước lao động tập thể và thế nào là tranh chấp lao động tập thể?
Khái niệm về thỏa ước lao động tập thể
được quy định tại khoản Điều 44 BLLĐ đã sửa đổi bổ sung 2002, 2006, 2007 như sau:
“1.
Thỏa ước lao động tập thể (sau đây viết tắt là thỏa ước tập thể) là văn bản thỏa
thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của
hai bên trong quan hệ lao động.
Thỏa ước
tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng
và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, công khai.”
Còn đối với tranh chấp lao động tập thể,
đó là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa
tập thể lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động tập thể còn được
chia ra thành hai loại: tranh chấp lao động tập thể về quyền (là tranh chấp về
việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể,
nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các
quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp mà tập thể lao động cho rằng
người sử dụng lao động vi phạm – khoản 2 Điều 157 BLLĐ đã sửa đổi bổ sung) và
tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được quy định tại khoản 3 Điều 157 BLLĐ
đã sửa đổi bổ sung “… là tranh chấp về việc
tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của
pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký
với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở
doanh nghiệp trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng
lao động”.
Từ khái niệm trên, ta có thể thấy rõ được
mối quan hệ chặt chẽ giữa thỏa ước lao động tập thể và tranh chấp lao động tập
thể. Thỏa ước lao động tập thể được coi là văn bản thỏa thuận chung mang tính bắt
buộc phải thực hiện về những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động giữa tập
thể lao động với người sử dụng lao động trong một đơn vị, không chỉ là về nghĩa
vụ của người lao động đối với người sử dụng lao động mà còn là cả quyền và lợi
ích của họ. Do đó, đối với tập thể người lao động thì thỏa ước lao động tập thể
phần nào sẽ khiến cho họ có được tiếng nói trước người sử dụng lao động và nâng
cao hơn vị thế của họ trong mối quan hệ lao động này. Ngược lại, đối với người
sử dụng lao động, họ cũng đảm bảo được quyền chủ động của mình trong hoạt động
sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển doanh nghiệp. Vì thế, việc ký kết
các thỏa ước lao động tập thể sẽ phần nào điều hòa được quyền, lợi ích của hai
phía người sử dụng lao động và tập thể người lao động, bằng các điều khoản cụ
thể ấn định quyền và trách nhiệm của mỗi bên tương ứng với lợi ích mà họ được
hưởng, giúp tránh được những mâu thuẫn đáng tiếc xảy ra dẫn đến cả tranh chấp
lao động cá nhân lẫn tranh chấp lao động tập thể.
Tuy nhiên, cho dù thỏa ước lao động tập
thể có quy định chặt chẽ đến đâu, thì trong quá trình lao động, vẫn có rất nhiều
các nguyên nhân đa dạng dẫn đến những mâu thuẫn giữa tập thể người lao động với
người sử dụng lao động về quyền và lợi ích của họ. Có những mâu thuẫn, bất đồng
mà bên có thể tự thương lượng, dàn xếp với nhau hoặc nhờ bên thứ ba tham gia giải
quyết, hòa giải; nhưng cũng sẽ tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng mà hai bên
không thể thương lượng được, chính điều này đã làm nảy sinh tranh chấp lao động
tập thể. Khi đã có những tranh chấp lao động xảy ra, để các cơ quan có thẩm quyền
giải quyết tranh chấp lao động, tất nhiên cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc
bên thứ ba sẽ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Vậy nhưng nếu chỉ căn
cứ vào các quy định của pháp luật nhiều khi sẽ không đủ cơ sở pháp lý để giải
quyết tranh chấp; bên cạnh đó thì các tranh chấp ngày lại càng trở nên đa dạng
và ẩn chứa rất nhiều các yếu tố phức tạp nên nếu chỉ căn cứ vào các quy định của
pháp luật thì chưa thể giải quyết được một cách triệt để và chính xác được.
Trong khi đó thỏa ước lao động tập thể được ký kết trong doanh nghiệp, bên cạnh
hợp đồng lao động là một cơ sở pháp lý đầy đủ nhất, chắc chắn nhất bao gồm các
điều khoản cụ thể quy định quyền và nghĩa vụ của các bên phù hợp với hoàn cảnh
thực tế của doanh nghiệp; hơn nữa, các bên phải trải qua một quá trình đàm
phán, thương lượng nghiêm túc mới đi đến ký kết, sau khi ký kết, các điều khoản
được quy định trong thỏa ước tập thể có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với
các bên ký thỏa ước, điều đó cũng được coi như là một chuẩn mực pháp lý bên cạnh
các quy định của pháp luật sẽ điều chỉnh hành vi của các bên. Vì thế, nên ngoài
hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể cũng là một cơ sở pháp lý quan trọng
để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bên thứ ba xem xét để giải quyết các
tranh chấp lao động. Khác với tranh chấp lao động cá nhân, cơ quan có thẩm quyền
bao giờ cũng xem xét những thỏa thuận trong hợp đồng trước xem có phù hợp với
thỏa ước tập thể hay không (đối với những nơi có thỏa ước tập thể), nếu trái với
thỏa ước tập thể theo hướng bất lợi cho người lao động thì sẽ căn cứ vào những
thỏa thuận trong thỏa ước sẽ căn cứ vào những thỏa thuận trong thỏa ước để giải
quyết quyền lợi cho cá nhân; thì tranh chấp lao động tập thể lại thường là những
tranh chấp về thỏa ước, chẳng hạn như: tranh chấp về việc các bên không thực hiện
đúng những điều cam kết trong thỏa ước, tranh chấp về các điều khoản không còn
phù hợp với thực tế tại thời điểm phát sinh tranh chấp, hoặc là tranh chấp về
việc các bên không thực hiện những điều đã thỏa thuận trong thỏa ước…Cũng chính
vì thế mà thỏa ước tập thể sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các
tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động.
Từ đó, ta có thể thấy rằng thỏa ước lao động
tập thể góp một phần không nhỏ vào việc phòng ngừa các tranh chấp lao động xảy
ra trong quan hệ lao động giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động, bên
cạnh đó, kể cả khi xảy ra các tranh chấp thì ngoài hợp đồng lao động, thỏa ước
lao động tập thể còn là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan có nhà nước có
thẩm quyền hoặc bên thứ ba xem xét giải quyết các tranh chấp lao động, bảo vệ
quyền và lợi ích chính đáng cho các bên.
Tóm lại, có thể nói rằng thỏa ước lao động
tập thể và tranh chấp lao động tập thể có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đây là
một mối quan hệ có tác động qua lại lẫn nhau trong việc điều hòa quan hệ lao động
giữa tập thể người lao động với người sử dụng lao động.